Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 11/05/2018 - 10:10
Những tiêu cực trong việc thu mua hồ tiêu được phát hiện trong thời gian vừa qua tuy chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu cũng cần đặt ra những giải pháp để ngăn chặn cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới.
Người dân phơi hạt tiêu tại huyện Bù Đốp, Bình Phước. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)
Những "con sâu”
Vừa qua, từ vụ việc Công ty Thảo Dung chuyên thu mua hồ tiêu trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước phục vụ xuất khẩu dính vào vụ bê bối “hỗn hợp vỏ càphê nhuộm pin và sỏi” tại tỉnh Đắk Nông đã làm dư luận tỏ ra quan ngại và lo lắng.
Điều đáng nói, không chỉ hành vi trộn “hỗn hợp tạp chất nhuộm pin” vào mặt hàng hạt tiêu vừa mới được phát hiện và đang bị công an xử lý, cách đây một năm, Công an huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước từng phát hiện các vụ “phù phép” biến tiêu lép thành tiêu chắc, đẹp mắt bằng hoá chất…
Vụ việc này các cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 700kg hạt tiêu đã được “phù phép.” Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước từng đột kích bắt quả tang một cơ sở nấu trộn hồ tiêu với tạp chất trên địa bàn thôn Bình Điền ở xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã bắt quả tang các đối tượng trên đang tổ chức nấu hai chiếc nồi cỡ lớn các loại tạp chất không có nhãn mác ghi nguồn gốc gồm tạp chất dẻo, màu nâu sẫm và có mùi hôi dùng để pha trộn với hạt tiêu bị lép.
Công thức nấu để pha trộn là 50% tạp chất với 50% hạt hồ tiêu lép rồi trộn với nhau đem phơi khô.
Các vụ việc trên, tuy chỉ là đơn lẻ nhưng phần nào đã ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của hồ tiêu Bình Phước nói riêng, ngành tiêu Việt Nam nói chung. Từ tháng 3/2014, hạt tiêu Lộc Ninh đã được dán nhãn hiệu hồ tiêu tập thể.
Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm hạt tiêu Lộc Ninh là một thành công lớn, mang lại lợi ích cho nhà nông trồng tiêu có sản phẩm có thế mạnh đặc thù trong mô hình kinh tế hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Trở lại với câu chuyện pha tạp chất vừa qua, Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước Nguyễn Anh Hoàng cho biết, mặc dù đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý nhưng cần có nhiều biện pháp quản lý để không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng tương tự làm ảnh hưởng đến chất lượng các mặt hàng cà phê, hạt tiêu nói riêng, mặt hàng nông sản nói chung.
Là địa phương phát hiện sự vụ nghiêm trọng trên, ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông cho rằng, mặc dù đây chỉ là một vụ việc cá biệt, nhưng đáng tiếc là có ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng và nền nông nghiệp của địa phương.
Hiện nay, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với ngành nông nghiệp thì đây là bài học sâu sắc trong phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản.
Phát triển mô hình sản xuất hồ tiêu sạch
Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh hồ tiêu tại vùng Lộc Ninh và Bù Đốp nhiều năm nay, ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên CB bức xúc lên tiếng, nếu doanh nghiệp có hành vi trộn tạp chất và hóa chất vào tiêu để bán ra thị trường vì bất kỳ lý do gì thì đều phải lên án.
Bởi điều này không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe con người mà còn làm cho thương hiệu hạt tiêu tỉnh Bình Phước bị ảnh hưởng lâu dài về thương hiệu.
Ông Nguyễn Đức Thảo, Giám đốc Hợp tác xã kiểu mới Lộc Phát (xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh), bày tỏ: "Hiện nay, hợp tác xã đang đeo đuổi mô hình trồng hồ tiêu sạch để cung cấp cho đối tác xuất khẩu sang các thị trường cực kỳ khó tính ở châu Âu và các nước trên thế giới. Đừng để con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng đến người nông dân, nhất là các xã viên hợp tác xã bị vạ lây trong thương vụ bê bối nêu trên. Theo đó, các ngành chức năng cần quyết liệt kiểm tra, kiểm soát làm sạch thị trường để bảo vệ hàng chục ngàn hộ dân đang sống nhờ vào cây hồ tiêu."
Ông Nguyễn Đức Thảo cho biết, hiện nay hợp tác xã ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến gia vị Nedspice (Hà Lan). Theo đó, sản xuất hồ tiêu sạch đáp ứng xuất khẩu bị ràng buộc nhiều điều kiện rất khắt khe.
Cụ thể, thành viên hộ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất của hợp tác xã phải tuân thủ kỹ thuật chăm sóc đúng quy trình từ khâu bón phân và phun thuốc đúng liều lượng.
Hạn chế sử dụng phân bón hóa học nhằm đảm bảo sản phẩm thu hoạch không bị dư lượng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật và những quy định khác.
Nhờ đó, hộ tham gia vào chuỗi sản xuất sạch sẽ được đơn vị xuất khẩu bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường.
Ngoài ra đơn vị ký kết thu mua xuất khẩu còn hỗ trợ thưởng thêm cho nhà nông đáp ứng sản phẩm hồ tiêu đạt tiêu chuẩn sạch là 4.500 đồng/kg.
Hợp tác xã kiểu mới sản xuất hồ tiêu bền vững Hưng Phước ở xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp có 80 thành viên phần lớn là nông dân đã tham gia vào hợp tác xã với quy trình sản xuất hồ tiêu sạch phục vụ xuất khẩu.
Theo đó, thành viên của hợp tác xã tham gia vào Câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu sạch bền vững ngoài được thưởng theo đơn giá chung là 45.000 đồng/kg, nhà xuất khẩu còn hỗ trợ thêm 2.000 đồng/kg.
Ông Đào Duy Hải, Giám đốc Hợp tác xã Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, thôn 6, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông cho biết, với diện tích trồng hồ tiêu hữu cơ khoảng 55ha, sản lượng trên 50 tấn sản phẩm hồ tiêu sạch, có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thị trường thế giới.
Sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của hợp tác xã luôn được các đơn vị thu mua đặt hàng và có giá bán cao gấp đôi so với giá tiêu xô ngoài thị trường. Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã đã được xuất khẩu trực tiếp qua Hà Lan.
Việc phát triển nông nghiệp sạch, bền vững là một hướng đi tất yếu; trong đó, có ngành hồ tiêu.
Đây là đòi hỏi của thị trường và cũng là trách nhiệm của ngành nông nghiệp cũng như bản thân mỗi hộ nông dân, cũng như các công ty, cơ sở thu mua chế biến. Hiện nay, nhiều địa phương ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đang tổ chức, phát triển nhiều mô hình trồng tiêu sạch.
Mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng thương hiệu tiêu sạch, đảm bảo hồ tiêu phát triển bền vững.
Theo CHÍ TƯỞNG-ANH DŨNG-ANH TUẤN (TTXVN/VIETNAM+)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.
Cao Sơn
07:05 14/12/2024(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.
Trần Kiên
20:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024N. Phó
10:12 13/12/2024Cao Sơn
08:06 13/12/2024Hải Hà
22:38 12/12/2024Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình