Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 11/10/2023 - 18:40
(Thanh tra) - Chính phủ đề nghị Quốc hội giải quyết các khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, đặc biệt là cát đắp để đáp ứng khối lượng, tiến độ thi công các dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP HCM.
Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô có thể “đội vốn” hơn 2.800 tỷ đồng chủ yếu do “áp dụng đơn giá bồi thường đất ở theo giá thị trường”. Ảnh nguồn: BQL
Vấn đề này được đề cập trong các báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thực hiện đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án Vành đai 3 TP HCM.
Dự án vành đai 4 vùng Thủ đô có thể “đội vốn” hơn 2.800 tỷ đồng
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô chiếm dụng 1.397ha đất, với khoảng hơn 25.000 hộ dân bị ảnh hưởng, chủ yếu ở Hà Nội (gần 13.000 hộ). Cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 1.200ha (đạt 86,5%).
So với nghị quyết của Quốc hội, tổng diện tích thu hồi thực tế triển khai tăng 56ha. Đáng chú ý, tổng mức đầu tư toàn bộ dự án cũng tăng.
Chính phủ cho hay, theo báo cáo của các địa phương, quá trình triển khai thực tế, ước tính tổng mức đầu tư của dự án sẽ tăng thêm khoảng 2.881 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo nghị quyết của Quốc hội. “Nguyên nhân chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường”, Chính phủ nêu.
Theo quy định của pháp luật về đầu tư công, khi tăng tổng mức đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.
“Khi tổng mức đầu tư của dự án vượt sơ bộ tổng mức đầu tư theo chủ trương được Quốc hội phê duyệt, UBND TP Hà Nội sẽ chủ trì, tổng hợp hồ sơ và thực hiện các thủ tục theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án”, theo báo cáo.
86,5% diện tích đất đã giải phóng thuộc phạm vi đất nông nghiệp. Phần còn lại chủ yếu là đất ở của các hộ gia đình, đất liên quan đến tín ngưỡng… nên khó khăn trong vận động người dân bàn giao. “Tỷ lệ mặt bằng đã bàn giao khá lớn, tuy nhiên còn có hiện tượng xôi đỗ, khó khăn trong triển khai thi công đồng loạt”, Chính phủ nhận định.
Khó khăn nữa là vật liệu đắp nền. Nhu cầu vật liệu xây dựng dự kiến của toàn bộ dự án trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh là 9,6 triệu m3 đất đắp; 7,5 triệu m3 cát đắp, cát xử lý nền đất yếu.
Tính riêng nhu cầu vật liệu phục vụ dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành) và dự án thành phần 3 (xây dựng cao tốc) trên địa phận Hà Nội khoảng 1,8 triệu m3 đất đắp và 5,5 triệu m3 cát. Chủ đầu tư đã khảo sát 49 mỏ đất, cát tại một số tỉnh, thành với tổng trữ lượng hơn 130 triệu m3. Nhưng những mỏ gần thì chưa thể khai thác do chưa có giấy phép, hoặc sắp đấu giá để khai thác.
Cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian thực hiện 1,5-2 năm
Với Dự án Vành đai 3 TP HCM, Chính phủ cho biết, đến cuối tháng 2, toàn bộ 8 dự án thành phần đã hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, với tổng mức đầu tư khoảng 68.728 tỷ đồng.
“Các dự án thành phần đều không tăng tổng mức đầu tư so với sơ bộ tổng mức đầu tư được duyệt, trong đó dự án thành phần 2 giảm 6.635 tỷ đồng, dự án thành phần 4 giảm 15 tỷ đồng”, báo cáo nêu rõ.
Nhu cầu sử dụng đất của Dự án Vành đai 3 TP HCM khoảng 654ha đất với khoảng 1.355 hộ dân bị ảnh hưởng. Các cơ quan đã thu hồi khoảng 535ha (đạt 82%), diện tích còn lại phấn đấu bàn giao trước ngày 31/12.
“Công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn Nhà thầu, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khởi công các dự án thành phần theo cơ chế đặc thù đã rút ngắn thời gian thực hiện 1,5-2 năm so với các dự án xây dựng đường cao tốc giai đoạn trước đây”, Chính phủ khẳng định, dự án triển khai đúng quy định, công việc bám sát các mốc tiến độ yêu cầu.
Nêu khó khăn, Chính phủ nhận định, nguồn cung vật liệu cát có nguy cơ “thiếu hụt” khi thời gian tới các dự án cao tốc đồng loạt triển khai. Theo báo cáo từ các chủ đầu tư dự án thành phần, nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án khoảng 7,2 triệu m3, cát xây dựng khoảng 1,5 triệu m3. Nhưng TP HCM khảo sát nguồn vật liệu đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3 cát đắp nền và khoảng 1,1 triệu m3 cát xây dựng.
Trước điều này, Chính phủ cho biết đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa để giải quyết và nghiên cứu sử dụng nguồn vật liệu thay thế. Đồng thời đề nghị Quốc hội giải quyết các khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, đặc biệt là cát đắp để đáp ứng khối lượng, tiến độ thi công.
Riêng, Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, Chính phủ kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế giao mỏ cho nhà thầu khai thác, quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 43 ngày 11/1/2022, nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn vật liệu xây dựng thực hiện các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia.
- Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nộ có tổng chiều dài gần 113km, đi qua địa phận TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 1.341ha; tổng mức đầu tư sơ bộ là 85.813 tỷ đồng. Theo tiến độ dự kiến, đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
- Dự án đường Vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài 76,34km, sơ bộ tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng. Dự án này được chia thành 8 dự án thành phần, do UBND TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản. Dự kiến, đường Vành đai 3 TP HCM cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Cơ chế đặc thù
Trong 2 năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc chương trình; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.
(Khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội)
Không trình Dự thảo Nghị quyết về thu phí sử dụng đường cao tốc tại kỳ họp 6
Nghị quyết của Quốc hội giao trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Chính phủ cho biết, Dự thảo Luật Đường bộ (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, khai mạc cuối tháng 10 này) đã có quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc là tài sản công do Nhà nước đại diện sở hữu và quản lý.
Để tránh trùng lặp cùng một chính sách lại trình Quốc hội tại 2 văn bản quy phạm pháp luật trong cùng một kỳ họp, Chính phủ đã có văn bản đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vào nội dung kỳ họp 6.
Trường hợp cần trình đề án riêng về nội dung này, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào thời điểm giữa hai kỳ họp Quốc hội theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Con số trên được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 của ngành Xây dựng được Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay (14/12).
Trần Quý
14:00 14/12/2024(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.
Cao Sơn
07:05 14/12/2024Trần Kiên
20:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024N. Phó
10:12 13/12/2024Cao Sơn
08:06 13/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh