Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cuộc chiến mới trong ngành phân phối dược phẩm

Thứ sáu, 08/12/2017 - 11:51

(Thanh tra)- Nhiều “đại gia” bán lẻ, bán sỉ điện thoại di động, hàng công nghệ đã tuyên bố nhảy vào ngành phân phối dược phẩm với tham vọng phân chia lại thị trường và tìm hướng phát triển mới.

Việc FPT Retail có đầu tư vào ngành dược phẩm hay không đang là đề tài rất nóng của giới đầu tư. Ảnh: TM

FPT Retail, Thế Giới Di Động đi bán thuốc?

Cuối tuần qua, trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu, lãnh đạo Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail) có nói đến khả năng gia nhập ngành hàng mới khi thị trường bán lẻ di động bão hòa. Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail úp mở với báo chí về ngành hàng mới, theo dự đoán có thể là dược phẩm với chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Thông tin này khiến nhiều người khá bất ngờ vì FPT Retail vốn là chủ sở hữu của hai chuỗi cửa hàng FPT Shop - bán lẻ di động và F.Studio - bán sản phẩm và phụ kiện chính hãng của Apple. FPT Retail cũng đang chiếm thị phần số một về bán máy tính xách tay và thị phần số hai về bán lẻ điện thoại di động (sau Thế Giới Di Động).

Bà Điệp cho biết, việc đầu tư ngành hàng mới này đã được tính toán và khởi động từ tháng 1/2017 với việc mua bán, sáp nhập một vài cửa hàng. FPT Retail cũng đã mở thêm một vài cửa hàng của ngành nghề này và đã viết xong phần mềm bảo trì. FPT Retail sẽ công bố thông tin này vào giữa năm 2018, dự kiến năm 2019 sẽ đóng góp vào tăng trưởng doanh thu của công ty.

Vị lãnh đạo của FPT Retail đánh giá ngành hàng mới chưa có nhiều minh bạch, chưa có đối thủ vững chắc trên thị trường và dư địa phát triển còn quá lớn. Đó là cơ hội để FPT Retail chen chân chứ không phải một ngành nghề nào khác, nơi đã được thiết lập các "ông lớn" và miếng bánh thị trường đã được phân chia.

FPT Retail không phải là doanh nghiệp đầu tiên dấn thân vào ngành phân phối dược phẩm. Trước đó, Thế Giới Di Động -  doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần bán lẻ di động số 1 Việt Nam cũng tuyên bố gia nhập ngành này với việc chi hàng nghìn tỷ đồng thực hiện mua bán, sáp nhập. Hiện tại, Thế Giới Di Động chưa công bố chuỗi nhà thuốc được mua lại, nhưng một số cái tên được kỳ vọng như Phúc An Khang, Pharmacity hay Phano. Theo kế hoạch, Thế Giới Di Động sẽ mua lại một chuỗi cửa hàng, sau đó gia tăng việc quản trị và mở rộng hệ thống trên toàn quốc.

Ngoài ra, công ty phân phối máy tính, thiết bị công nghệ - Công ty Cổ phần Thế giới số (Digiworld) mới đây cũng bước chân vào ngành dược với việc phân phối thực phẩm chức năng mà sản phẩm đầu tiên là thực phẩm chức năng dành cho nam giới Kingsmen; Nguyễn Kim Group muốn chào mua để nâng sở hữu lên mức chi phối với Dược Lâm Đồng...

Ngành dược có gì hấp dẫn?

Thật dễ dàng nhận ra, nếu mắc các bệnh thường gặp như cảm sốt, đau đầu, đau bụng... phần lớn người tiêu dùng sẽ ghé các tiệm thuốc tư nhân quanh khu mình ở rồi nêu biểu hiện, mua thuốc và tự uống, không theo đơn hay chỉ định của bác sĩ. Giá thuốc nhiều nơi cũng không được niêm yết, tùy con số mà người bán đưa ra. Điều này dẫn tới việc khó kiểm soát về chất lượng thuốc cũng như giá thành của thuốc, ngoài ra còn gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 50.000 nhà thuốc tư nhân hoạt động nhỏ lẻ, tự phát và có 3 chuỗi nhà thuốc nổi lên trong thời gian gần đây gồm Pano, Pharmacity, Pharmacy hay Mỹ Châu. Hệ thống nhà thuốc Pano lớn nhất Việt Nam với hơn 52 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, ở các tỉnh, TP như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Tiền Giang... Chuỗi nhà thuốc lớn thứ hai là Pharmacity với hơn 40 nhà thuốc tập trung tại TP Hồ Chí Minh. Còn lại, Pharmacy có 11 nhà thuốc, xuất hiện chủ yếu gần bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh; Mỹ Châu có 7 cửa hàng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), các nhà thuốc tư nhân hay chuỗi nhà thuốc vẫn chỉ là đối tượng khách hàng chính trong kênh phân phối của các công ty dược phẩm, thị trường vẫn phân mảng và sẽ khó có thay đổi trong tương lai nếu không có sự can thiệp từ cơ quan quản lý để kiểm soát thị trường một cách hiệu quả.

Trong khi đó, nhu cầu về dược phẩm của người Việt Nam được đánh giá là ngày càng tăng cao và dư địa phát triển của thị trường này là không hề nhỏ. Tới năm 2020, tốc độ tăng trưởng dự kiến của thị trường dược vào khoảng 10%, chi tiêu tiền thuốc của người Việt sẽ trung bình đạt 50 USD/năm, tăng 17 USD so với năm 2015. Phần nữa, dân số Việt Nam đang có dấu hiệu già hóa, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thuốc ngày càng tăng cao trong 30 năm tới.

Cùng với đó, khả năng sinh lời của ngành dược là cực kỳ hấp dẫn, biên lợi nhuận gộp bình quân khoảng  35 – 40% trong 10 năm qua. Trong một thị trường chưa thực sự minh bạch và còn nhiều kẽ hở, lại có khả năng sinh lời cao, các doanh nghiệp chen chân tìm hướng đi mới có lẽ là dễ hiểu.

Trà My

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm