Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 04/10/2017 - 17:37
(Thanh tra) - “Nếu quản lý để mọi thứ trật tự ngay ngắn, bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng… thì nghiện quản lý đó cũng tốt. Nhưng rốt cuộc cái nghiện đó, với việc đưa ra các điều kiện kinh doanh cuối cùng có lẽ là quyền, là tiền gắn với quản lý mà cơ quan Nhà nước có được hay các công cụ mà các cơ quan Nhà nước đưa ra”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Việc gì cũng chia ra 5, 7 bộ khác nhau cùng phụ trách…
Trong một phát biểu mới đây tại Diễn đàn “Chính sách cạnh tranh quốc gia” ngày 4/10, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan Nhà nước ở Việt Nam dường như bị bệnh “nghiện quản lý”. Vì mỗi khi ban hành văn bản mới, các cơ quan chức năng đều viện dẫn lý do để “tăng cường quản lý”.
“Bệnh “nghiện quản lý” có phải xuất phát từ muốn quản lý hay không? Tôi cho rằng chưa phải đâu! Nó là công cụ quản lý để đạt được việc khác”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt vấn đề và cho rằng, có lẽ cái chính là “nghiện quyền lực, nghiện cái thu nhập được từ quyền lực đó".
“Nếu quản lý để mọi thứ trật tự ngay ngắn, bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng… thì cái nghiện đó cũng tốt. Nhưng rốt cuộc cái nghiện đó, với việc đưa ra các điều kiện kinh doanh cuối cùng có lẽ là quyền, là tiền gắn với quản lý mà cơ quan Nhà nước có được hay các công cụ mà các cơ quan Nhà nước đưa ra”, bà Lan nhấn mạnh.
Vậy nguyên nhân từ đâu? Theo bà Phạm Chi Lan là do chưa phân định rõ quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong nền kinh tế thị trường dẫn đến lạm quyền, đưa ra rất nhiều các điều kiện kinh doanh. Bộ máy Nhà nước lại quá lớn, quá cồng kềnh.
“Việc gì cũng chia ra 5, 7 bộ khác nhau cùng phụ trách nên có việc đẩy trách nhiệm, không ai chịu trách nhiệm cuối cùng cả, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình”, bà Lan lưu ý, mỗi điều kiện kinh doanh đều gắn với một chi phí nào đó kể cả chính thức và không chính thức mà doanh nghiệp phải trả.
Hiện nay, Chính phủ đang hành động tích cực rà soát các điều kiện kinh doanh để tiến tới xóa bỏ hơn 2 nghìn trong 5 nghìn điều kiện kinh doanh đang tồn tại.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, công cụ quản lý bằng các điều kiện kinh doanh, kể cả điều kiện kinh doanh hợp lý cũng khiến Nhà nước, nền kinh tế phải trả một cái quá “đắt đỏ”. Cho nên, cần phải nhìn lại xem quản lý nhà nước bằng điều kiện kinh doanh dựa trên cơ sở pháp lý nào? Điều kiện hình thành, quá trình thực thi các điều kiện kinh doanh như thế nào mà sao giờ “đẻ” nhiều đến thế? Hơn 5 nghìn điều kiện kinh doanh, Nhà nước quản lý được hết không?
“Đầu tư quan hệ, công nghệ phong bì”, làm sao có cạnh tranh
Theo bà, hiện nay, nếu nhìn quản lý Nhà nước về điều kiện kinh doanh thì nhận thức của Nhà nước và doanh nghiệp khác nhau nhiều lắm.
“Doanh nghiệp hướng rất mạnh đến hiệu quả, đến sự phát triển của doanh nghiệp, các ngành nghề, đóng góp vào nền kinh tế. Nhưng Nhà nước liệu có xuất phát từ yêu cầu cải thiện hiệu quả để phát triển nền kinh tế hay không? Tôi e rằng, không phải cơ quan nào cũng xuất phát từ việc đó. Nếu xuất phát từ nhu cầu hiệu quả thì họ sẽ thấy đưa ra nhiều điều kiện kinh doanh sẽ làm giảm đi hiệu quả rất mạnh, làm cho nền kinh tế khó khăn hơn”, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Nhà nước không chỉ chịu giá “đắt đỏ”, nguy hại hơn, các rào cản từ điều kiện kinh doanh còn làm biến chất mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp khiến mối quan hệ này trở nên lằng nhằng, thiếu minh bạch, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế kinh tế.
Vị chuyên gia này lưu ý, trong nhóm năng lực cạnh tranh cơ bản, thể chế là một tiêu chí vô cùng quan trọng. Nếu thể chế chưa có điểm tốt sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh rất lớn. Mà nói cho cùng, nếu thể chế còn không cạnh tranh nổi thì làm sao có được môi trường cạnh tranh trong các lĩnh vực khác nữa, làm sao có được doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh.
“Mấy năm nay rồi, doanh nghiệp có phương châm “đầu tư quan trọng nhất là đầu tư quan hệ, công nghệ quan trọng nhất là công nghệ phong bì". Cứ dẫn dắt “đầu tư quan hệ, công nghệ phong bì” như vậy thì doanh nghiệp đâu quan tâm được nhiều để thực sự đầu tư cho cạnh tranh lành mạnh, cho đổi mới sáng tạo. Cứ phải chiến đấu với các thứ quan hệ, phong bì như thế này, điều kiện kinh doanh như thế này làm cho có nhiều doanh nghiệp phải rút ra khỏi thị trường”, bà Lan bày tỏ.
Giám sát để tránh “đẻ ra bao nhiêu thứ mà không ai bị xử phạt”
Gần đây, Bộ Công thương tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh được dư luận hoan nghênh, Thủ tướng khen ngay lập tức.
Đồng tình “làm tốt thì được khen”, nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan băn khoăn, tại sao lại để cho Bộ này đưa ra đến hơn 1200 điều kiện kinh doanh mà không bị “thổi phạt” ngay từ thời điểm ban đầu. Cho nên, đến bây giờ mới phải “cải cách khó nhọc”, “khổn khổ để cắt”, năm nào Thủ tướng cũng phải ra Nghị quyết 19 để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, rồi Nghị quyết 35 hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Đáng nói, theo bà Lan, một mặt Nhà nước đang khó nhọc tái cơ cấu, bỏ tiền của nỗ lực cải cách, mặt khác lại có cơ quan khác dựng lên hàng loạt hàng rào. Ngay Quốc hội vừa đưa Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng thử hỏi với hoàn cảnh như này thì liệu rằng có “giải cứu” nổi các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không?
Để Việt Nam có môi trường cạnh tranh, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh phi lý, rào cản, vị chuyên gia kinh tế kiến nghị, điều tiên quyết là phải thay đổi tư duy người lãnh đạo, thay vì muốn quản, kiểm thì tạo cơ hội cho cạnh tranh. Tiếp đó, là cơ cơ chế giám sát các cơ quan Nhà nước để tránh việc lạm quyền “đẻ ra bao nhiêu thứ mà không ai bị xử phạt”.
Đi cùng với đó là tăng cường sự giám sát của xã hội. “Các cơ quan Nhà nước không tự giác cắt bỏ các điều kiện kinh doanh được đâu. Bộ Công thương cắt bỏ như vậy là do chịu rất nhiều sức ép của công luận, xã hội nhưng mới bỏ được các điều kiện dễ và khá là vu vơ, còn những điều kiện quan trọng, cốt lõi, rào cản nhất thì chưa bỏ được đâu. Cho nên, tiếng nói giám sát của doanh nghiệp, xã hội rất cần thiết. Nếu Nhà nước không biết dựa vào doanh nghiệp, xã hội để giám sát ngay từ đầu thì sẽ không cạnh tranh được”, chuyên gia Phạm Chi Lan chốt lại.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.
Đông Hà + Thanh Hoa
09:00 12/12/2024(Thanh tra) - Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng là tất yêu và đòi hỏi sự cấp bách. Với chủ trương mang đến những tiện ích tối đa cho khách hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã liên tục hiện đại hoá, áp dụng công nghệ từ khâu tìm kiếm, lựa chọn phương tiện cho tới khâu thanh toán, sử dụng.
Cao Sơn
07:05 12/12/2024TC
18:00 11/12/2024ĐT
14:46 11/12/2024Nam Dũng
12:43 11/12/2024Trần Lê
Trần Quý
Kim Thành
Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh