Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cải thiện môi trường kinh doanh: Ngắn mà đầy “cạm bẫy” thì rất nguy hiểm

Thứ tư, 18/05/2016 - 14:45

(Thanh tra) - Nói về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà bày tỏ “đường phải bằng phẳng, chứ không phải đường chông gai, đường toàn cạm bẫy. Đường ngắn nhưng toàn cạm bẫy, rất nguy hiểm, đường dài nhưng bằng phẳng thì ta lại đi được với tốc độ cao và như thế thời gian sẽ ngắn lại”.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà (giữa) nhấn mạnh, thời gian ngắn đi mà vẫn nhũng nhiễu, vẫn rắc rối, vẫn phải gặp hết ông nọ, bà kìa, vẫn tiền không biết bao nhiêu dừng lại thì rất khó, chưa đạt được yêu cầu của chúng ta. Ảnh: TN

Ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với USAID Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2006 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cải thiện, vẫn “kém xa” các nước trong khu vực

Sau 2 năm (2014, 2015), môi trường đầu tư kinh doanh nước ta đã có bước cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên, được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao.

Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016, vị thế cạnh tranh của Việt Nam năm 2015 tăng 12 bậc (từ vị trí 68/144 lên 56/140) so với năm 2014.

Báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng Thế giới công bố cũng cho thấy, thứ hạng môi trường kinh doanh của nước ta năm 2015 tăng 3 bậc (từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế).

So với các nước ASEAN 4, Việt Nam được ghi nhận nhiều cải cách hơn, nhờ đó môi trường kinh doanh tăng điểm và thứ hạng tốt hơn (cải thiện 5/10 lĩnh vực), trong khi 3 nước trong khu vực gồm Malaysia, Philippines và Thái Lan xuống hạng, Singapore vẫn giữ thứ hạng đầu.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM, khoảng cách các chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn “kém xa” so với các nước trong khu vực, dưới rất nhiều so với Thái Lan, Malaysia, Singapore.

“Chỉ số cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày với tổng thời gian 166 ngày, trong khi hầu hết các chỉ số khác đều giảm thời gian hoặc cải thiện thứ bậc. Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản tăng thêm 1 thủ tục, tốn nhiều thời gian 57,5 ngày, trong khi Malaysia chỉ mất 13 ngày, Singapore 4,5 ngày, Thái Lan chỉ có 3 ngày”, bà Thảo dẫn chứng.

“Cản trở” đang nằm ở các bộ, ngành

Với “thang điểm” hiện nay, để chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4, giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19/2016 được đánh giá là một thách thức.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo nhấn mạnh, chúng ta đặt mục tiêu rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục tối đa không quá 77 ngày; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 14 ngày; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng được rút ngắn từ 400 ngày còn tối đa 200 ngày… Làm được điều này chắc chắn không dễ!

Thực tế, thời gian qua, các bộ, ngành chưa thật tích cực thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các kế hoạch hành động không bám sát thực tế, thậm chí copy, paste ở đâu đó.

Do vậy, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cần phải theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm dù đây là việc “biết rồi, khổ lắm nói mãi”.

“Thủ tướng đã đưa ra cam kết, lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ”, ông Nguyễn Đình Cung nhắc lại đầy hào hứng và cho rằng, doanh nghiệp không ngồi chờ mà với tinh thần mạnh mẽ hơn, đòi hỏi thay đổi để được phục vụ đúng như tinh thần của Thủ tướng.

Ông Cung cũng chỉ ra, hiện “cản trở” đang nằm ở các bộ, ngành. Nếu các Bộ trưởng không thay đổi thì khó có thể giải quyết được. Chưa kể, chúng ta đang có “bệnh nghiện kiểm tra”, chắc phải hấp dẫn lắm mới mắc bệnh nghiện này?

“Yêu cầu quản lý Nhà nước ai cũng đồng ý, nhưng cách quản lý thì thấy không thân thiện với doanh nghiệp, người dân khi đầy rẫy xin – cho”, ông Cung nói và hi vọng có một sự thay đổi, tinh thần của Thủ tướng sẽ “thấm xuống các bộ ngành, địa phương”.

Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Trương Văn Cẩm cũng “kêu” khi khâu xuất nhập khẩu quy định kiểm tra chuyên ngành chiếm 70% là quá nhiều.

Ngoài ra, theo ông, hiện nay doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chính sách về lao động, bảo hiểm xã hội, chính sách tăng lương tối thiểu hàng năm… đang ảnh hưởng lớn đến chi phí của doanh nghiệp.

Vẫn hết “ông nọ, bà kìa”, vẫn tiền thì rất khó đạt yêu cầu

Nhìn từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 19, dù thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có cao nhưng vẫn còn 7/10 chỉ số thành phần không có cải thiện như chỉ số về tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, sự năng động của chính quyền…

Theo ông Minh, để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh cần phải đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và “cốt lõi” là đội ngũ cán bộ công chức.

“Thủ tục tốt mà cán bộ lơ là trách nhiệm hoặc cố tình “hành” doanh nghiệp thì cải cách cũng khó mang lại hiệu quả”, ông Minh nói.

Đồng ý “giảm thời gian giải quyết một thủ tục rất quan trọng, vô cùng quan trọng”, nhưng ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, “thà thời gian dài, 30 ngày lên 35 ngày, 40 ngày cũng được nhưng không được nhũng nhiễu, không phải hối lộ, cứ đến ngày hẹn là đến nhận, thời gian dài gấp đôi, tôi cũng chịu”.

Vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói tiếp, “thời gian ngắn đi mà vẫn nhũng nhiễu, vẫn rắc rối, vẫn phải gặp hết ông nọ, bà kìa, vẫn tiền không biết bao nhiêu dừng lại thì rất khó, chưa đạt được yêu cầu của chúng ta. Đường phải bằng phẳng, chứ không phải đường chông gai, đường toàn cạm bẫy. Đường ngắn nhưng toàn cạm bẫy, rất nguy hiểm, đường dài nhưng bằng phẳng thì ta lại đi được với tốc độ cao và như thế thời gian lại ngắn lại”.

Theo ông Hà, muốn như vậy thì phải công khai, minh bạch và một trong những công cụ của nó là Chính phủ điện tử.

“Không có Chính phủ điện tử thì không thể công khai được, rất khó để người dân, doanh nghiệp có điều kiện giám sát. Mà không có giám sát thì bao giờ cũng có tiêu cực”, ông Hà chốt lại

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

3 tỉnh họp bàn gỡ khó dự án Vành đai 4

3 tỉnh họp bàn gỡ khó dự án Vành đai 4

(Thanh tra) - Chiều 12/12, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị kiểm đếm tiến độ, tình hình triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Hải Hà

22:38 12/12/2024
Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc bị cấm thầu 3 năm tại tỉnh Cà Mau

Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc bị cấm thầu 3 năm tại tỉnh Cà Mau

(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đã ký quyết định cấm Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc tham gia hoạt động đấu thầu trong thời gian 3 năm đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách do các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh và các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Chu Tuấn

18:30 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm