Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cà phê mất giá, người trồng lao đao

Thứ ba, 20/10/2015 - 08:44

(Thanh tra)- Hiện tại, cà phê hạt tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên được bán với giá 3.000 - 3.200 đồng/kg, thấp hơn vụ cà phê năm 2013 là 5.000 - 6.000 đồng/kg và thấp hơn vụ 2014 là 7.000 - 10.000 đồng/kg. Với giá trên, người trồng cà phê phải chịu lỗ từ 25 - 30 triệu đồng/ha.

Vụ cà phê năm 2015, Mường Ảng đạt năng suất 16 - 18 tấn/ha

Hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được tại huyện Mường Ảng là cảnh bà Cà Thị Thương (bản Hỏi Hổm, xã Ảng Tở) cùng vợ chồng người con trai Tống Văn Minh, ngồi bệt trong vườn cà phê. Xung quanh họ là đống hạt cà phê rụng mới được vun lại nhưng không ai nhặt. Bà Thương nói: "Nhặt làm gì? Nhặt đem về biết bán cho ai? Bán như cho mà chẳng ai lấy, trên nhà còn hơn hai tấn quả đúc đầy mấy cái bao tải, xếp chật cả nhà". Bà Thương cho biết: Nhà trồng hơn 8 ha cà phê, có 2 ha đã thu 3 vụ, còn 6 ha mới được 2 năm tuổi. Trong 3 vụ thu thì 1 vụ hòa vốn, 1 vụ có lãi. Vụ thứ 3 này (năm 2015) thì lỗ to. Lỗ không dưới 30 triệu đồng/ha. Thế là hết tiền không còn vốn chăm bón 6 ha mới trồng, không khéo phải chặt cà phê trồng ngô.

Anh Tống Văn Minh cho biết: Năm nay cả bản được mùa cà phê. Bình quân 1 ha cho năng suất từ 16 - 18 tấn quả tươi. Lúc cà phê chắc hạt, mừng lắm, lên vườn mà chẳng muốn về. Nhưng khi cà phê chín, không thấy khách hàng đến mua. Thỉnh thoảng có người hỏi nhưng trả giá quá thấp, loại tốt, đẹp mã giá 3.200 - 3.500 đồng/kg, loại trung bình giá 3.000 đồng/kg, loại xấu 2.500 đồng/kg. Trong khi giá tiền thuê lao động thu hái là 2.000 đồng/kg, tính ra 1kg cà phê quả, người trồng chỉ được hưởng 1.000 - 1.200 - 1.500 đồng. Giá quá rẻ, lỗ quá nhiều nên không ai muốn thu hái, cà phê rụng đầy vườn.

Vườn cà phê rộng gần 6 ha của gia đình bà Cà Thị Nghĩa cũng trong thảm cảnh ế ẩm, mất giá. Theo bà Nghĩa, vườn cà phê đã cho thu 5 vụ. Vụ lãi cao nhất là 45 triệu đồng/ha. Vụ ít cũng 15 - 20 triệu. Vụ năm 2014, do thời tiết khắc nghiệt nên cà phê mất mùa, nhưng lại được giá. Trừ hết các khoản chi phí, gia đình bà lãi gần 200 triệu đồng. Năm nay, với giá trên dưới 3.000 đồng/kg thì vườn cà phê bà Nghĩa sẽ lỗ khoảng 30 triệu đồng/ha.

Đến xã Ảng Nưa, càng thấu cảnh thê thảm khi cà phê mất giá. Ông Bùi Xuân Hùng, bản Cang, chủ của 28 ha cà phê, than thở: 1 ha cà phê, đầu tư trên dưới 140 triệu đồng, trong đó chi phí lớn nhất là phân bón 60 triệu đồng, 40 triệu chi thuê lao động làm cỏ, cắt tỉa cành và khoảng 40 triệu đồng chi vào khoản thuê lao động thu hái quả. Với giá cà phê như hiện tại, gia đình ông lỗ khoảng 20 triệu đồng/ha.

Hàng trăm hộ dân trồng cà phê ở các xã Ảng Cang, Mường Đăng, Ngối Cáy cũng đang lao đao, đôn đáo ngược xuôi tìm đường "cứu giá" cà phê, cứu cảnh thua lỗ, lâm bước nợ nần.

Nhưng với giá trên dưới 3.000 đồng/kg, cà phê thu về chỉ chất đống trong nhà

Vụ cà phê năm 2011, huyện Mường Ảng được mùa, trúng giá. Tổng doanh thu ước đạt trên 180 tỷ đồng. Người dân trồng cà phê thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng/ha. Đây là động lực để năm 2012 - 2013, cây cà phê đã lan rộng ra các xã. Năm 2015, Mường Ảng có trên 3.350 ha cà phê, trong đó gần 2.000 ha cà phê kinh doanh, trở thành huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh. Thực tế cho thấy, cây cà phê phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Mường Ảng nên phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao... Vì vậy, Đảng bộ huyện Mường Ảng xác định: "Cà phê là cây chủ lực, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm cho lao động nông thôn".

Ông Trương Quang Hải, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Mường Ảng nhận xét: Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân vào sản xuất và sơ chế cà phê còn yếu. Người dân chưa thực sự chú trọng đến việc phát triển cà phê sạch, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn 4C, trong khâu sơ chế, chủ yếu là xay xát thủ công, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, giá thu mua cà phê thấp. Thị trường tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp bên ngoài, dẫn đến tình trạng dịch vụ đầu ra không ổn định, người trồng cà phê bị ép giá.

Với diện tích cà phê trên 3.350 ha, mỗi năm cho thu hàng nghìn tấn quả, nhưng Mường Ảng chỉ có 3 cơ sở chế biến cà phê là: Công ty TNHH Hải An, cơ sở chế biến cà phê Trường Xuân và cơ sở chế biến cà phê Đại Bách. Lượng thu mua cà phê của 3 cơ sở trên không lớn. Vì vậy, sản phẩm cà phê Mường Ảng đều phụ thuộc vào thị trường tự do.

Dù cây cà phê đã bám trụ trên đất Mường Ảng gần 10 năm, được xem là cây mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của huyện, nhưng đến thời điểm này, số phận cây cà phê chưa biết sẽ ra sao khi đầu ra sản phẩm và giá cả không ổn định. Ngay như vụ cà phê năm nay, hàng trăm hộ trồng cà phê phải chịu lỗ hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng thì còn lực đâu để đầu tư, chăm sóc cà phê cho vụ sau tươi tốt. Và, liệu "kịch bản" được mùa, mất giá, được giá mất mùa có tái diễn với người nông dân Mường Ảng.

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

3 tỉnh họp bàn gỡ khó dự án Vành đai 4

3 tỉnh họp bàn gỡ khó dự án Vành đai 4

(Thanh tra) - Chiều 12/12, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị kiểm đếm tiến độ, tình hình triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Hải Hà

22:38 12/12/2024
Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc bị cấm thầu 3 năm tại tỉnh Cà Mau

Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc bị cấm thầu 3 năm tại tỉnh Cà Mau

(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đã ký quyết định cấm Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc tham gia hoạt động đấu thầu trong thời gian 3 năm đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách do các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh và các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Chu Tuấn

18:30 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm