Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung trao đổi, thảo luận vào công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo của Mặt trận.

Trên cơ sở nhận diện những thuận lợi, khó khăn, những vấn đề mới đặt ra và những điểm mới cần lưu ý trong công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo, các ý kiến đã đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thuỷ nêu rõ, trong những năm qua MTTQ Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong đó có chủ trương, chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong việc vận động, đoàn kết các tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt trách nhiệm của mình đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trương tăng cường hơn nữa công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo của MTTQ Việt Nam.

Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ tàn tật Việt Nam nhận định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay rất cần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo có vị trí hết sức quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Ngô Sách Thực cho rằng, để đoàn kết tôn giáo phải có chính sách đoàn kết và sự tôn trọng thật sự.

Trong thời gian tới phải có giải pháp đổi mới vận động, đoàn kết, tập hợp các tôn giáo; phát huy giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo. Cùng với đó cần hoàn thiện cơ chế bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được nhà nước công nhận, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân, Hội đồng Tư vấn tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam, cũng cho rằng, thời gian tới cần quán triệt quan điểm, chủ trương mới đối với tôn giáo của Đảng, trong đó xác định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực đạo đức và văn hóa của tôn giáo.

Việc quán triệt quan điểm chủ trương của Đảng đối với tôn giáo không chỉ thuộc bài mà phải thay đổi căn bản về nhận thức và ứng xử với tôn giáo dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn.

PGS.TS Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn tôn giáo cho rằng, MTTQ Việt Nam và cả hệ thống chính trị phải thực hiện nghiêm việc ửng xử công bằng, bình đẳng với các tôn giáo trên cơ sở quy định của pháp luật và tinh thần đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Lê Bá Trình kiến nghị, MTTQ Việt Nam phải thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chức sắc, tín đồ và tổ chức tôn giáo.

Đặc biệt, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm cho các tôn giáo được đối xử bình đẳng trước pháp luật.

Lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học cũng đề xuất những giải pháp, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy ghi nhận những ý kiến trí tuệ, tâm huyết, chất lượng của các chuyên gia, nhà khoa học vào những nội dung liên quan đến công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo của MTTQ Việt Nam.

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam mong rằng, sau hội thảo này, công tác tôn giáo của MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục sẽ có nhiều hoạt động đổi mới hơn nữa nhằm tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm ích nước, lợi dân, "tốt đời, đẹp đạo", đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thanh Thanh