Chương trình nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi Đinh Thanh Tùng, để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, UBND huyện Kim Bôi đã bám sát các Quyết định, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương và tỉnh Hoà Bình để ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức rà soát danh mục, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện; đồng thời xây dựng kế hoạch và ban hành các quyết định phân bổ, điều chỉnh các nguồn vốn để tổ chức thực hiện.

Chương trình nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, các cấp, các ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương; đã quan tâm, chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất phương án thực hiện nhằm ổn định phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn. 

Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án thuộc Chương trình, UBND huyện luôn thực hiện nguyên tắc công khai, dân chủ, phát huy tối đa sự tham gia của người dân trong cộng đồng từ khâu lựa chọn dự án đầu tư, triển khai thực hiện, nghiệm thu và bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng…

Nhân dân được bàn bạc lựa chọn đầu tư các hạng mục công trình, mô hình dự án, bình chọn hộ gia đình được tham gia, hưởng lợi. Vì vậy, việc lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư đúng nguyện vọng của nhân dân, sát với thực tế địa phương. Kết quả việc triển khai thực hiện chương trình đạt hiệu quả, đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng.

Theo UBND huyện Kim Bôi, việc phân cấp, trao quyền cho địa phương thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đã nâng cao tính chủ động trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình; nguồn vốn được sử dụng tập trung, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý tổ chức triển khai thực hiện.

leftcenterrightdel
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN do UBND xã Xuân Thuỷ, huyện Kim Bôi tổ chức 

Tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn

Năm 2023, huyện Kim Bôi được phân bổ, giao kế hoạch vốn cho các Dự án, Tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN (gồm cả số kinh phí năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023) với tổng kinh phí 152.709 triệu đồng.

Trong đó, vốn của năm 2022 được giao 70.819 triệu đồng, gồm vốn đầu tư 53.700 triệu đồng và vốn sự nghiệp 17.119 triệu đồng; vốn năm 2023 được giao 81.890 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư 33.600 triệu đồng, vốn sự nghiệp 48.290 triệu đồng.

Từ nguồn vốn Chương trình, huyện Kim Bôi đã thực hiện đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, đào tạo nghề, hỗ trợ các hoạt liên quan đến phụ nữ và trẻ em; hỗ trợ xây dựng nhà ở, nước sinh hoạt... cho vùng ĐBDTTS&MN của huyện thuộc 9 Dự án, 8 Tiểu dự án và các nội dung thành phần của dự án.

Thực hiện vốn đầu tư năm 2022 và 2023 với số tổng vốn 87.300 triệu đồng, các đơn vị đã và đang triển khai thực hiện đầu tư 62 công trình. 

Phòng Dân tộc làm chủ đầu tư 51 công trình có tổng số vốn 85,1 tỷ đồng. Trong đó: Đã bàn giao mặt bằng và khởi công 49 công trình, có 14 công trình đã nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng. Còn 2 công trình là đường Đằng Long - Vai Đào, xã Cao Sơn, và dự án ổn định  dân cư Cuối Hạ đang thực hiện các thủ tục đầu tư.

UBND các xã làm chủ đầu tư theo cơ chế đặc thù 11 công trình với số vốn 2,2 tỷ đồng. Đến nay vẫn đang triển khai thực hiện, chưa tiến hành giải ngân. 

Tính đến 20/12/2023, vốn đầu tư đã giải ngân 36.572/87.300 triệu đồng, đạt 41,89%. 

Tổng vốn sự nghiệp năm 2022 và 2023 là 65.409 triệu đồng, UBND huyện đã giao cho 11 cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Đến 20/12/2023, đã giải ngân 18.985/65.409 triệu đồng, đạt 29.03%  kế hoạch vốn giao. 

Tổng số vốn huyện Kim Bôi đã giải ngân tính đến 20/12/2023 là 55.557/152.709 triệu đồng, đạt 36,43% kế hoạch vốn giao.

leftcenterrightdel

Công trình Nhà văn hoá xóm Đồng Nang, xã Đông Bắc, huyện Kim Bôi được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. 

Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc 

Qua thực tế triển khai thực hiện Chương trình, huyện Kim Bôi cũng như các địa phương khác của tỉnh Hoà Bình gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Chương trình cần nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện nhưng chậm ban hành các cơ chế, tổ chức thực hiện. Bộ, Ngành chưa ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn theo Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ để triển khai các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của Chương trình để có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện các dự án thành phần của Chương trình.

Một số nội dung thực hiện của Chương trình chưa được các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn, hoặc có sự chồng chéo, chưa rõ ràng giữa các văn bản hướng dẫn như: Bộ tài liệu để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ triển khai Chương trình các cấp và cộng đồng chưa được ban hành nên các địa phương chưa triển khai được nội dung này; chưa có hướng dẫn sử dụng vốn cho hộ dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn vay vốn phát triển sản xuất thuộc nội dung tiểu dự án 1 Dự án 9; các yêu cầu cơ bản về điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin theo Thông tư số 03/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin truyền thông rất khó khăn cho địa phương triển khai thực hiện. 

Thiếu thống nhất về cơ chế thực hiện khoán bảo vệ rừng đặc dụng trên địa bàn xã Khu vực II và khu vực III giữa Thông tư số 15/2022/TT -BTC của Bộ Tài chính và Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT; chưa có quy định cụ thể về thủ tục thanh quyết toán đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ, đặt hàng và hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng…

Vì vậy, các địa phương đang trông chờ những hướng dẫn cụ thể, thống nhất và kịp thời từ các cơ quan, bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai một số nội dung của Chương trình.

Có thể thấy, từ nguồn lực đầu tư của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN và các nguồn vốn khác, cơ sở hạ tầng vùng ĐBDTTS&MN trên địa bàn huyện Kim Bôi tiếp tục được hoàn thiện, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, thu nhập của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm; tình hình vùng ĐBDTTS&MN ổn định, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững./.

Trần Kiên