Các ban trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, các hệ phái Phật giáo trực thuộc GHPGVN, các đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tổ chức thực hiện đề án hiệu quả.

Đáng chú ý, 2 đề án ngôn ngữ và pháp phục đã được triển khai, tạo sức lan toả trong cộng đồng. Đó là, 5 bài khóa tụng thống nhất trong các nghi lễ chung của GHPGVN và mẫu pháp phục Phật giáo Việt Nam đã được Hội đồng Trị sự GHPGVN phê duyệt.

Dấu ấn văn hoá Phật giáo được thể hiện qua đề án kiến trúc và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng bộ quy chuẩn kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Từ đó giúp Phật tử, công chúng bước đầu tìm hiểu những giá trị văn hóa Phật giáo truyền thống, góp phần nâng cao nhận thức cũng như ý thức cho công chúng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung.

Thời gian qua, với sự giúp đỡ của các ban, viện, bảo tàng đã tổ chức nhiều buổi toạ đàm, khoa học về Kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ, Bắc bộ hiệu quả.  Đây là nguồn tư liệu quan trọng góp phần giúp đưa giá trị di sản Phật giáo ứng dụng vào thực tiễn đảm bảo tính khả thi và lan tỏa rộng rãi.

Điều đáng nói, bản sắc văn hoá Phật giáo góp phần mang đến sự thành công cho Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tại chùa Tam Chúc, Hà Nam năm 2019.

Liên minh Kỷ lục thế giới, Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã xác lập 7 kỷ lục cho các sự kiện văn hoá gồm: Hội chợ văn hoá Phật giáo lớn nhất, triển lãm nghệ thuật Phật giáo lớn nhất, lá cờ Phật giáo xếp bằng đèn hoa đăng lớn nhất (5.000 đèn), số người tham dự tụng kinh Chuyển Pháp luân cầu nguyện hòa bình thế giới đông nhất (hơn 25.630 người), đàn lễ cầu nguyện hòa bình thế giới lớn nhất (vượt kỷ lục Việt Nam và xác lập kỷ lục thế giới), lễ hội thắp đèn hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới có số lượng người tham gia đông nhất (25.630 người), số lượng người tham gia lễ tắm Phật đông nhất (hơn 25.630 người).

Ngoài ra, văn hoá Phật giáo Việt Nam còn được lan toả trong cộng đồng Phật tử trong và ngoài nước thông qua các cuộc hội thảo: “Truyền thống Văn hoá Phật giáo Việt Nam - Hàn Quốc” tại chùa Quan Thế Âm, Đà Nẵng;  “Phật giáo Việt Nam tại Lào: Lịch sử, thực trạng và định hướng phát triển” tại Viện Hàn lâm Quốc gia Lào; “Phật giáo Quảng Bình xưa và nay”, “Phát huy tinh thần và biểu tượng văn hoá Phật giáo qua sản phẩm làng nghề Việt Nam”; hội thảo “Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc”, “Tổ Tính Định: Cuộc đời, đạo nghiệp và di sản”, “Bác Hồ với Phật giáo”...

Ban Văn hoá Phật giáo làm tốt công tác từ thiện xã hội với các hoạt động như: Xây nhà tình nghĩa, trường học, tổ chức đại lễ cầu siêu, giúp đỡ nạn nhân do thiên tai, tặng quà người dân khó khăn tại Ấn Độ và Nepal, trao tặng hơn 2.400 phần quà tại 8 thánh tích: Vườn Lâm-Tỳ-Ni (Nepal), Bồ đề Đạo tràng, Khổ hạnh lâm, Nàng Sujata dâng sữa, Núi Linh Thứu, Vườn Trúc Lâm, đĐại học Nalanda....

Trong thời gian năm năm qua, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã tham gia vào công tác từ thiện nhân đạo tổng cộng hơn 7 tỷ đồng.

Trà Vân