Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sùng Y Hoa đem nghề may về bản Mông

Nguyễn Hồng Bài

Thứ hai, 17/10/2022 - 12:49

(Thanh tra) - Không biển hiệu, không nhà xây kiên cố. Không tường bao, cổng sắt. Xưởng may túi bạt siêu thị của đôi vợ chồng trẻ Mùa A Gìang và Sùng Y Hoa, bản Xà Lĩnh, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, nằm gọn trong sân nhà với diện tích hơn 100 m2.

Để chống gió lùa, mưa hắt, vợ chồng A Giàng, Y Hoa mua ván, bạt về dựng, che làm vách. Nhà xưởng được bố trí ngăn nắp, gọn, hợp lý, thuận tiện cho các tổ làm việc. Dàn máy khâu 35 chiếc được xếp thành hai hàng. Từ khâu lập trình đến các khâu may miệng, may đáy túi, cắt chỉ, kiểm hàng, gấp túi được bố trí theo dây chuyền.

Chủ xưởng Sùng Y Hoa chưa đến 30 tuổi, là một phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát, vui tính.

Sùng Y Hoa nói vui: Gọi là xưởng may nhưng không có giám đốc đâu. Hai vợ chồng mỗi người một việc, bảo nhau cùng làm thôi. A Giàng thì lo về Công ty An Khánh ở Hà Nam lấy vật tư về, Y Hoa ở nhà trông coi xưởng, cùng làm với chị em. Xưởng mới đi vào hoạt động từ đầu năm nay (2022). Mới làm nhưng thấy hiệu quả. Chị em làm rất vui, gắn bó với công việc. Nhiều cháu học hết THCS, THPT muốn vào làm nhưng xưởng hẹp quá không để nhiều máy khâu. Vợ chồng mình đang tính sẽ thuê lại một cái nhà của nhà máy chè để làm xưởng, nếu không thì xin UBND xã một khu đất để làm xưởng mới.

Hỏi về sự ra đời của xưởng may túi bạt siêu thị ở bản Xà Lĩnh, Sùng Y Hoa nói: Y Hoa học hết THPT thì lấy A Giàng làm chồng. Hai vợ chồng mình không làm nương mà đi thu mua hàng thổ cẩm của các gia đình làm nghề dệt ở bản Lác, Pom Cọong (Mai Châu) và trên Mộc Châu (Sơn La) đem sang Lào, Thái Lan bán lại cho các cửa hàng, đại lý lớn. Thổ cẩm ở Mai Châu trang trí hoa văn đẹp nên họ rất thích. Mấy năm đi buôn hàng thổ cẩm, vợ chồng Y Hoa cũng có ít tiền. Về bản, Y Hoa thấy nhiều em học hết THCS, THPT thì ở nhà lấy chồng, lấy vợ, quẩn quanh với nương ngô, nương chè. Vất vả, cực nhọc mà vẫn thiếu thốn. Những em đi làm công nhân ở thành phố Hòa Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Dương thì xa nhà, phải ăn ở trọ, chi phí tốn kém. Y Hoa chỉ muốn tìm ra công việc gì đó để chị em làm, có thu nhập mà không phải xa nhà. Chị em có con nhỏ cũng làm được, nghĩ là thế nhưng không làm được. Khi dịch Covid-19 bùng phát thì vợ chồng Y Hoa không đi hàng thổ cẩm nữa.

Một hôm Y Hoa nói với chồng: “A Giàng à. Vợ chồng mình đi tìm cái nghề gì về làm đi, như lắp ráp điện tử, may, giày da”.

A Giàng bảo: “Được thôi. Nhưng tìm cái nghề gì phù hợp với khả năng của con em người Mông mình thì các em mới làm được”.

Nghe chồng nói, Y Hoa mừng lắm. Mấy ngày sau Y Hoa bảo A Giàng đưa đi Bắc Ninh, Hải Dương rồi Thái Nguyên, TP Hòa Bình, vào các công ty, nhà máy để xem. Nhưng không thấy cái nghề nào ưng cái bụng.

Hai vợ chồng Y Hoa tìm về Công ty May túi bạt siêu thị An Khánh ở Hà Nam. Nghe lãnh đạo công ty nói về quy trình may túi bạt, trong đó đơn vị đảm nhận cung cấp vật tư, tiêu thụ sản phẩm, dạy nghề cho công nhân. Y Hoa mừng quá, quyết định chọn nghề may túi bạt siêu thị về làm.

Y Hoa bảo A Giàng về trước lo thu dọn sân để làm xưởng, bản thân thì ở lại Cty An Khánh để học nghề sau này về làm “thầy” dạy cho công nhân.

Những ngày ở công ty, Y Hoa được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn làm từng khâu như lập trình, may miệng, đáy túi, cắt chỉ, kiểm hàng, gấp túi. Một tuần sau, Y Hoa về Pà Cò, hai vợ chồng thống nhất mở xưởng may túi bạt siêu thị tại nhà. Mục tiêu là giải quyết việc làm cho thanh niên trong xã chưa có việc làm. Số công nhân dự tuyển bước đầu là 40 người.

Sau khi có phương án sản xuất, A Giàng và Y Hoa báo cáo với chính quyền bản Xã Lĩnh và UBND xã Pà Cò.

Được chính quyền hoan nghênh, ủng hộ, vợ chồng Y Hoa ký hợp đồng nhận gia công túi bạt siêu thị với Công ty May túi bạt siêu thị An Khánh.

Theo đó, Công ty An Khánh cung cấp máy khâu vải bạt, cử cán bộ kỹ thuật lên Pà Cò lắp ráp máy, hướng dẫn kỹ thuật may túi bạt cho công nhân.

Y Hoa cho biết, hai vợ chồng đã đầu tư vào xưởng may hơn 1,2 tỷ đồng mua máy khâu bạt, tuyển chọn 25 lao động. Y Hoa mở lớp học may túi bạt ngay tại xưởng, Công ty An Khánh cử cán bộ kỹ thuật về bản Xà Lĩnh giúp Y Hoa dạy nghề cho công nhân. Một tuần sau, mọi người đều biết may.

Mấy tháng đầu do chưa quen công việc nên sản phẩm chưa nhiều, thu nhập của công nhân chỉ đạt 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Từ tháng 6 đến nay (9/2022), chị em đều làm đạt, nhiều chị làm vượt định mức, thu nhập bình quân một lao động tăng lên 5 - 6 triệu đồng/tháng. Có một số người đạt 7 - 8 triệu đồng, như chị Vàng Thị Khua, Vàng Thị Á.

Chị Vàng Thị Khua cho biết: Mình biết ơn vợ chồng A Giàng, Y Hoa nhiều lắm, một tháng đi làm ở xưởng của Y Hoa bằng cả năm đi làm ngô trên nương. Ở đây không bị nắng mưa, vất vả, chị em mình bảo nhau phải làm chăm chỉ để Y Hoa, A Giàng có nhiều hàng giao cho công ty. Nhà mình ở tận trên Pa Khen, Mộc Châu không đi về trong ngày được nên Y Hoa cho mình ở lại ăn, ở tại nhà.

Chỉ vào một cháu đang ngồi gấp túi, Y Hoa nói: Trường hợp của cháu Hờ Thị Núi rất đặc biệt. Cháu Núi đến nhà Y Hoa xin vào xưởng làm việc. Núi nói nhà Núi nghèo lắm, mẹ không khỏe nên không lên nương được. Vợ chồng Y Hoa đến tận nhà cháu Núi và thấy hoàn cảnh gia đình cháu rất khó khăn nên Y Hoa bàn với A Giàng đón cả 4 mẹ con Núi đến xưởng làm việc. Vợ chồng Y Hoa dành hẳn một gian nhà cho 4 mẹ con Núi ở.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò Sùng A Chìa cho biết: Ở bản Chà Đáy, Pà Cò lớn có homestay. Nay vợ chồng Sùng Y Hoa lại đem về bản Xà Lĩnh nghề may túi bạt siêu thị, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người địa phương, Đảng ủy, UBND xã Pà Cò rất hoan nghênh A Giàng, Y Hoa. Chính quyền và nhân dân Pà Cò mong có nhiều người như vợ chồng A Giàng, Y Hoa để con em đồng bào Mông Pà Cò có việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần xây dựng bản Mông Pà Cò ngày càng giàu, đẹp.

Chia tay chúng tôi, Sùng Y Hoa nói rằng, trong năm nay vợ chồng Y Hoa sẽ mở rộng xưởng may, nhận thêm lao động. Về lâu dài, Y Hoa muốn tìm thêm nghề đem về để con em trong độ tuổi lao động ở Pà Cò và các xã lân cận có việc làm, không phải đi làm xa, không phải lên nương nữa.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.

 Lợi Châu

19:47 23/11/2024
Sầm Văn Bình - người uy tín đam mê công nghệ

Sầm Văn Bình - người uy tín đam mê công nghệ

(Thanh tra) - Ở các huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An và các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều người biết đến ông Sầm Văn Bình, trú tại bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An là bởi lâu nay ông được mệnh danh là “nhà Thái học” với rất nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái Lai Tay. Không những thế, ông còn sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái và có gần hai chục đầu sách có giá trị.

Thảo Nguyên - Anh Mạnh

19:52 23/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm