Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hà Yên
Thứ năm, 02/06/2022 - 08:50
(Thanh tra) - Nằm khiêm tốn trên núi Giăng Màn, bản Rào Tre cách thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh, khoảng 25 km với nhiều đoạn khúc khủy, quanh co. Nếu không đến đây, người ta khó tin cuộc sống của một dân tộc vốn được mệnh danh là “người rừng”, từng sống trong hang đá lại đổi thay nhiều đến thế.
Những ngôi nhà với vườn rau tươi tốt của đồng bào Chứt ở bản Rào Tre. Ảnh: Hà Yên
Lãnh đạo Tổ Công tác Bộ đội Biên phòng (BĐBP) bản Rào Tre (Đồn 575, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh) không khỏi xúc động khoe với chúng tôi: Việc chấp hành luật pháp đã giúp người Chứt sớm bước qua những hủ tục lạc hậu, đặc biệt là từng bước xóa bỏ nỗi ám ảnh hôn nhân cận huyết để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đặc biệt, hòa vào không khí hân hoan của người dân cả nước trong Ngày hội Bầu cử năm 2021, cử tri dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh phấn khởi đi bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Bản Rào Tre có 69 cử tri dân tộc Chứt và 2 cử tri dân tộc Mường tham gia bầu cử.
Cuộc sống mới ở bản Rào Tre
Thay đổi đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những ngôi nhà nằm ngay ngắn ở những góc làng, bao quanh là cây cối, hoa màu mướt mát xanh.
Bộ đội Tổ Công tác BĐBP bản Rào Tre cho biết: Những ngôi nhà này được xây dựng nhờ nguồn vốn từ Đề án 2571 về bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt đến năm 2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Các ngôi nhà được thiết kế vừa bảo đảm sự kiên cố, vừa phù hợp lối sống, phong tục của địa phương. Không chỉ có những căn nhà mới, khu tái định cư bao gồm cả trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng và nhiều điều kiện thiết yếu khác nhằm giúp bà con yên tâm tạo lập cuộc sống trên vùng đất mới...
Vậy là chuyện người Chứt sống trong hang động tối tăm, săn bắt, hái lượm để kiếm thức ăn và luôn vây quanh bởi những hủ lục lạc hậu giờ chỉ là chuyện quá khứ.
Theo lời kể lại của cán bộ BĐBP, cách đây hơn 3 thập kỉ (năm 1991), người Chứt đã được BĐBP tìm thấy và đưa về làng. Lúc tìm thấy, họ chỉ có khoảng 20 người sống trong hang động trên dãy Trường Sơn ở biên giới Việt Nam - Lào.
Thượng tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng kể, để người Chứt “chịu” quy tụ lại, BĐBP đã bàn bạc nhiều biện pháp. Việc đầu tiên phải làm là dạy họ tiếng phổ thông. Biết tiếng Kinh mới có thể nói chuyện với nhau để rồi hướng dẫn họ sản xuất và sinh hoạt theo nếp mới.
Các công việc như dựng nhà, khai hoang ruộng, tập trồng lúa nước đều được bộ đội hướng dẫn tỉ mỉ. Vải và quần áo cũng được bộ đội biên phòng mang đến cho đồng bào vì người Chứt không biết dệt vải và may vá. Sau khi vấn đề ăn, mặc được giải quyết, BĐBP lại vận động đưa con em trong bản đi học ở trường phổ thông, chữa bệnh bằng thuốc của bác sĩ... Nhờ thế, cuộc sống của đồng bào nơi đây dần đổi khác, các sinh hoạt đã dần bắt kịp với cộng đồng. Cũng chính từ đây, người dân đã tin tưởng và nghe theo những hướng dẫn, chỉ bảo của cán bộ.
Loại bỏ dần hủ tục lạc hậu
Cùng với nếp sống mới thì những hủ tục lạc hậu cũng dần được người dân ở Rào Tre xóa bỏ. Bà Hồ Thị Linh - một người dân tộc Chứt đã sống từ những năm khi bắt đầu người dân về sống ở Bản Rào Tre chia sẻ, cuộc sống của người Chứt giờ đây đã khác trước rất nhiều. Đặc biệt những hủ tục lạc hậu có từ thời bà còn nhỏ đã không còn. Bà nhớ lại, ngày trước phụ nữ sinh con phải ra bờ suối dựng lán, tự vượt cạn, nhất quyết không được sinh con tại nhà vì như vậy sẽ mang điều xui xẻo cho cả tộc. Cô độc và thiếu thốn khiến những đứa trẻ sinh ra bị nhiễm bệnh. Mỗi lần có người chết, thầy mo lại bảo họ bị "con ma rừng" tha đi, khiến ai cũng vô cùng sợ hãi.
Rồi nhiều đứa trẻ ra đời từ những cuộc hôn nhân cận huyết có những năm tháng cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Nhiều người dân nhớ lại, đã có những đứa trẻ sinh ra bị teo và dị tật chân, thiểu năng trí tuệ. Rồi cũng có những trẻ đẻ ra không mồm không mũi và mất ngay sau khi ra đời. Họ chỉ biết những đứa trẻ này đã bị “ma làm”, “ma rừng” bắt đi. Giờ đây họ mới thực sự hiểu, vì vợ chồng lấy nhau trong họ tộc gần như con dì lấy con cậu, con chú lấy con bác thì sẽ sinh ra những đứa trẻ bị dị tật như vậy.
Trước nguy cơ hôn nhân cận huyết sẽ khiến tộc người Chứt suy thoái, chính quyền xã Hương Liên đã cử cán bộ xã cùng BĐBP Đồn bản Giàng cắm bản, phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ tuyên truyền, tập cho đồng bào nơi đây sản xuất, học văn hóa. Đặc biệt, tổ chức các buổi nói chuyện với người dân về vấn đề Luật Hôn nhân và Gia đình, rồi xây dựng chế tài ở cấp cộng đồng về việc xử lý những trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân. Tổ chức các buổi biểu diễn liên hoan văn nghệ hoặc chiếu phim có chủ đề hôn nhân cận huyết thống nhằm nâng cao nhận thức của người dân...
Trung tá Dương Thanh Tịnh - Tổ Công tác BĐBP ở bản Rào Tre cho biết: Cùng với việc tuyên truyền thì chính sách hỗ trợ 30 triệu đồng, được cấp đất làm nhà, được tổ chức đám cưới và quà tặng… cũng là động lực để những mối tình ngoại bản, với người khác tộc cũng đơm hoa kết trái. Nhờ thế, đến nay đã có gần 10 cặp đôi kết hôn với người ngoài bản đang có cuộc sống hạnh phúc ngay dưới chân núi Giăng Màn.
Tuân thủ pháp luật, hòa nhịp cuộc sống hiện đại
Không chỉ rời bỏ những hủ tục lạc hậu, người dân ở bản Rào Tre cũng từng bước hòa vào đời sống xã hội chung với người dân cả nước. Chính quyền huyện Hương Khê vui mừng thông báo, năm 2012, bản Rào Tre được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ cấp quốc gia, 100% người dân biết nói tiếng Kinh. Hiện nay, bản Rào Tre có hàng chục học sinh đã và đang học văn hóa tại trường dân tộc nội trú, nhiều thanh niên nhập ngũ, tốt nghiệp đại học.
Đặc biệt, hòa vào không khí hân hoan của người dân cả nước trong Ngày hội Bầu cử năm 2021, cử tri dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh phấn khởi đi bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Bản Rào Tre có 69 cử tri dân tộc Chứt và 2 cử tri dân tộc Mường tham gia bầu cử.
Cử tri Hồ Thị Lĩnh phấn khởi cho biết: Với sự hỗ trợ nhiệt tình của BĐBP và cán bộ trong thôn về thông tin cụ thể từng đại biểu cũng như cách thức bỏ phiếu, chúng tôi đã có lựa chọn riêng để bầu những đại biểu có năng lực góp phần giúp cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào được cải thiện, nâng cao. Chúng tôi rất phấn khởi khi có 2 người dân tộc Chứt ứng cử đại biểu HĐND cấp xã trong nhiệm kỳ này.
Đến bản Rào Tre không ai không biết đến ông Hồ Văn Nam. Nhắc đến người có công cùng chính quyền và BĐBP trong việc tuyên truyền người Chứt tham gia các hoạt động xã hội, chấp hành luật pháp thì người dân nào ở bản Rào Tre luôn kể về ông Nam với một giọng hết sức tự hào. Ông là một trong 90 cá nhân tiêu biểu của cả nước được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vinh danh là điển hình tiêu biểu ở cộng đồng dân cư.
Bản Rào Tre có 43 hộ, 150 nhân khẩu dân tộc Chứt, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Với vai trò người cán bộ mặt trận, ông Hồ Nam đã làm tốt “cầu nối” giữa cấp uỷ, chính quyền, Tổ Công tác BĐBP với người dân ở địa phương trong thực hiện các chính sách của Đảng và nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành bảo tồn, phát triển các giá trị truyền thống văn hoá dân tộc.
Có thể với cuộc sống hôm nay, người Chứt không thấy được hết những đổi thay nhưng với những người đã từng đến đây, sau nhiều năm trở lại đều ngỡ ngàng trước cuộc sống mới của họ. Nhìn những đoàn học sinh vui vẻ đạp xe đến trường, những người phụ nữ ôm những đứa trẻ khỏe mạnh vui đùa trên tay, hay những kế hoạch, những dự định tương lai đang định hình ở đất này người ta có quyền hy vọng những đổi thay ngày càng được mang đến với người dân sống dưới đỉnh núi Giăng Màn của xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.
Lợi Châu
19:47 23/11/2024(Thanh tra) - Ở các huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An và các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều người biết đến ông Sầm Văn Bình, trú tại bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An là bởi lâu nay ông được mệnh danh là “nhà Thái học” với rất nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái Lai Tay. Không những thế, ông còn sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái và có gần hai chục đầu sách có giá trị.
Thảo Nguyên - Anh Mạnh
19:52 23/10/2024Minh Tân - Vũ Linh
08:00 30/07/2024Nam Dũng
21:12 09/12/2023Nam Dũng
11:57 16/11/2023Nam Dũng
22:09 08/11/2023Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân