Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày báo cáo “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

“Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt  Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa  Việt Nam cao đẹp, bền vững: Yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…”, báo cáo gửi đến hội nghị nêu.

Cán bộ đã ý thức hơn trách nhiệm nêu gương

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng.

Đảng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều  chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn  hóa, con người Việt Nam; công tác nghiên cứu lý luận về xây dựng và phát triển văn  hóa có nhiều kết quả. Cán bộ, đảng viên đã ý thức hơn trách nhiệm nêu gương của mình trong xã hội.

Tinh thần yêu  nước, lòng tự hào dân tộc, tính tích cực xã hội của nhân dân về cơ bản được phát  huy. Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh. Các tầng lớp xã hội quan tâm  hơn đến giáo dục con người toàn diện ngay từ tuổi ấu thơ, ở từng cấp học; kết hợp dạy chữ, dạy người, dạy kỹ năng, giáo dục nghệ thuật, năng lực cảm thụ thẩm mỹ  với rèn luyện thể chất, góp phần nâng cao trí tuệ, cải thiện tầm vóc con người Việt  Nam.

Dân chủ xã hội từng bước  được mở rộng và phát huy cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu đã làm  cho con người Việt Nam đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo hơn, có nhiều cơ hội  tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. 

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây  dựng và phát triển văn hóa, con người. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm  pháp luật trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản; đấu tranh phòng,  chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”,  “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa.

leftcenterrightdel
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa 

Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc xây dựng quy ước văn  hóa được quan tâm hơn trong quá trình triển khai thực hiện. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực.

Nền văn học, nghệ thuật của nước nhà khởi sắc, tiếp nối dòng tư tưởng chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước, dân tộc, dân chủ, nhân văn, phản ánh  chân thật đời sống của nhân dân; đấu tranh lên án, đẩy lùi cái xấu, cái ác, những lai căng, lạc lõng; ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, thành tựu công cuộc đổi mới…

Báo chí, truyền thông, xuất bản là vũ khí tư tưởng, văn hóa sắc bén của Đảng, Nhà nước tích cực tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật  của Nhà nước và là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân…

Đặc biệt, bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay.

Một số mặt đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho biết, dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu  kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội. 

Cấp ủy ở không ít nơi chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến các chủ trương,  đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về xây dựng, phát triển  văn hóa, con người, nhất là ở các đơn vị kinh tế.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự hội nghị tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Đ.X 

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong  một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, bước đầu được ngăn chặn, nhưng chưa bị đẩy lùi một cách đáng kể.

Đáng lưu ý, không ít cán bộ, đảng viên chưa tự giác, chưa thường xuyên thực hiện việc nêu gương trước quần chúng, kể cả cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Một số mặt đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp nghiêm  trọng, lối sống thực dụng, hưởng thụ vật chất, khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội đã và đang ảnh hưởng không tốt đến giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách con người. 

Nhận thức, hành động của xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, con người trong phát triển bền vững đất nước có lúc, có nơi còn chưa sâu, văn hóa chưa thật sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội…

Thị trường văn  hóa bước đầu được hình thành, nhưng phát triển còn manh mún, tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp. “Nhập siêu văn hóa” kéo dài. Mức đầu tư cho văn hóa đối ngoại còn thấp.

Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu 6 bài học. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn  biến", "tự chuyển hóa"; xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực sự trong sạch, vững mạnh.

Cùng với đó, cán bộ, đảng viên gương mẫu về mọi mặt, thực sự là tấm gương, là động lực, niềm tin để nhân dân học tập, noi  theo; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

leftcenterrightdel
 

Ông cũng nêu những giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới.

Cụ thể, sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững.

Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy  quản lý nhà nước về văn hóa.

Giải pháp trọng tâm nữa là xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thóai về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một  bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên

Ngoài ra, xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.

Hương Giang