Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vẫn “rộng cửa” cho người tự ứng cử

Thứ ba, 02/03/2021 - 06:38

(Thanh tra)- Là một trong những yếu tố thể hiện sự đảm bảo dân chủ trong hoạt động bầu cử, tự ứng cử đại biểu Quốc hội còn cho thấy các quyền hiến định được thực thi trên thực tế ở Việt Nam.

Để trở thành đại biểu Quốc hội, trước hết mỗi ứng cử viên, trong đó có người tự ứng cử, phải tôn trọng các tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định trong các văn bản pháp luật, đồng thời phải thực sự tiêu biểu về năng lực, đạo đức để xứng đáng đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri cả nước.

Liên quan đến việc tự ứng cử, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và công tác giám sát của Mặt trận để đảm bảo tiêu chuẩn của các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí về một số nội dung xoay quanh những vấn đề này.

+ Xin ông cho biết quy trình dành cho những người tự ứng cử?

Ông Hầu A Lềnh: Quy trình tự ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện theo các quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tất cả mọi công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền ứng cử.

Như vậy, các đại biểu tự ứng cử gửi đơn xin ứng cử và hồ sơ đến Ủy ban bầu cử cấp tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên. Trên cơ sở đó, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ ứng cử của người tự ứng cử tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, thành phố để đưa vào danh sách hiệp thương.

Cán bộ, công nhân viên chức có nguyện vọng tự ứng cử nhưng đang công tác trong bộ máy Nhà nước thì theo quy định phải được cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận đồng ý cho cá nhân đó tự ứng cử thì cá nhân mới tiếp tục nộp hồ sơ. Với những người không công tác trong bộ máy Nhà nước, có nguyện vọng tự ứng cử thì thực hiện căn cứ theo các quy định hướng dẫn về bầu cử.

+ Ông có thể chia sẻ rõ hơn về việc thực hiện thẩm định hồ sơ đối với người tự ứng cử? So với khóa trước, lần này những người tự ứng cử có được tạo điều kiện thuận lợi hơn không? Với cơ cấu như hiện nay thì tỷ lệ dành cho người tự ứng cử có nhiều không, thưa ông?

Ông Hầu A Lềnh: Việc thẩm định hồ sơ đối với người tự ứng cử được thực hiện đồng thời với việc thẩm định hồ sơ của các cá nhân được các cơ quan, đơn vị giới thiệu. Quy trình thẩm định như nhau khi xem xét về các tiêu chuẩn, lịch sử chính trị, những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu có, ý kiến phản ánh của nhân dân, những vấn đề cần phải làm rõ, xác minh...

Tất cả các khóa bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ trước đến nay không có cản trở vì ứng cử là quyền của công dân. Như vậy có thể nói quyền tự ứng cử không bị hạn chế, người ứng cử đều có quyền lợi như nhau.

Theo Nghị quyết số 1185/NQ -UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, số đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 -50 đại biểu, tương đương từ 5 - 10%. Bên cạnh đó, có các cơ cấu kết hợp khác như cơ cấu nữ, cơ cấu tuổi trẻ, cơ cấu cán bộ nghiên cứu khoa học, trí thức... Nếu tính trên tổng số 500 đại biểu được bầu thì có khoảng từ 25 đến 50 đại biểu; nếu đủ tối đa 10% là 50 đại biểu.

Tuy vậy, hiện nay, sau hiệp thương lần thứ nhất chưa đạt được con số 10% mà mới được hơn 7%. Nhưng đây mới là điều chỉnh lần một, sau hội nghị hiệp thương lần hai có thể bổ sung, điều chỉnh thêm, song tỷ lệ phấn đấu là từ 5 - 10% theo dự kiến. Như vậy, vẫn “rộng cửa” cho người tự ứng cử tham gia Quốc hội.

+ Theo báo cáo kết quả hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có 5 tỉnh, thành phố dự kiến có đại biểu tự ứng cử. Vậy số lượng đại biểu tự ứng cử đến hiện tại là bao nhiêu, thưa ông?

Ông Hầu A Lềnh: Hiện nay quy trình vẫn đang ở bước giới thiệu của các cơ quan đơn vị. Những người tự ứng cử mới dự kiến làm hồ sơ. 5 tỉnh, thành dự kiến có người tự ứng cử là ở những địa phương đó đã có người đến xin hồ sơ để làm thủ tục nhưng chưa nộp. Khi người tự ứng cử nộp hồ sơ thì mới xác định được chính xác số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội là bao nhiêu.

+ So với Quốc hội khóa XIV, cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XV tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm đại biểu cơ quan Đảng, Chính phủ. Theo ông, điều này đặt ra yêu cầu như thế nào để bảo đảm đúng điều kiện, tiêu chuẩn của các đại biểu Quốc hội?

Ông Hầu A Lềnh: Để tăng được số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chúng ta đã tính toán để giảm một số cơ cấu các khối khác, trong đó, theo dự kiến phân bổ, giảm cơ cấu đại biểu khối hành pháp, các cơ quan tư pháp, giảm cả cơ cấu của địa phương và một số cơ quan Trung ương để tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội... Sự điều chỉnh đó phù hợp trong nhiệm kỳ này, bởi không nhất thiết phải đầy đủ đại diện tất cả các bộ, ngành, các cơ quan của Chính phủ tham gia Quốc hội, nhưng rất cần thiết tăng số lượng đại biểu chuyên trách để tham gia nghiên cứu sâu hơn trong quá trình xây dựng pháp luật và thực hiện chức năng của Quốc hội.

+ Thực tế ở Quốc hội khóa trước có một số trường hợp đại biểu vi phạm về quốc tịch. Lần này Mặt trận sẽ tham gia giám sát vấn đề đó như thế nào, thưa ông?

Ông Hầu A Lềnh: Theo kế hoạch, Mặt trận sẽ tổ chức giám sát và thành lập các đoàn giám sát gồm Đoàn giám sát do Hội đồng bầu cử quốc gia phân công và Đoàn giám sát riêng của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bắt đầu từ 5/3, chúng tôi sẽ tiến hành giám sát đợt 1. Có rất nhiều nội dung giám sát, trong đó có giám sát về tiêu chuẩn của các đại biểu được giới thiệu, trong đó có hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội và vấn đề quốc tịch.

Trong các đợt giám sát, tất cả các vấn đề liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội đều được lưu ý, nhưng vấn đề quốc tịch sẽ được rút kinh nghiệm rất sâu sắc, bởi những gì vướng mắc ở Quốc hội khóa trước phải được lưu ý trong khóa này. Trong thông tri hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nêu rất rõ các nội dung của từng đợt giám sát là cần phải tập trung giám sát trọng tâm trọng điểm vào một số vấn đề.

+ Nhiều địa phương có kiến nghị giảm số đại biểu Trung ương gửi về địa phương, theo ông, có phải nguyên nhân do là các đại biểu đó hoạt động không thực chất với tình hình của địa phương không?

Ông Hầu A Lềnh: Tôi cho rằng đây chỉ là ý kiến của địa phương với mong muốn số lượng đại biểu ở địa phương tăng lên, chứ không phải vì nguyên nhân đại biểu hoạt động hiệu quả hay không. Đây là mong muốn chứ không phải do bất cập, điều đó hoàn toàn bình thường.

Việc gửi người ứng cử từ Trung ương về địa phương là đương nhiên, vì phải thiết kế chương trình theo các đoàn địa phương chứ không có đơn vị bầu cử riêng của Trung ương. Tuy nhiên đây cũng là dịp để đại biểu khẳng định vị trí, uy tín của mình. Trước khi được đưa vào danh sách chính thức để đưa ra bầu cử, đại biểu còn có các cơ hội để tiếp xúc với cử tri tại nơi ứng cử và các hội nghị liên quan nơi người ứng cử dự kiến sẽ được giới thiệu.

Như vậy, cử tri bỏ phiếu còn tùy thuộc vào việc xem xét chương trình hành động và những hoạt động trên cương vị trí công tác của mỗi ứng cử viên có được người dân tín nhiệm hay không, như thế mới là dân chủ, người dân lựa chọn đại biểu của mình. Nếu người dân thấy rằng đại biểu xứng đáng thì sẽ lựa chọn.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hiền Hạnh (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Bình: Trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề cử tri quan tâm

Ninh Bình: Trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề cử tri quan tâm

(Thanh tra) - Chiều ngày 3/12/2024, tại Kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh Ninh Bình khoá XV đã tiến hành phiên chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm là công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.

Trung Hà

20:40 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm