Sáng ngày 5/12, diễn ra hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc truyền đạt chuyên đề “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Theo ông Phan Đình Trạc, nghị quyết Trung ương lần này khẳng định 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

“Đây là lần đầu tiên, Đảng ta xác định thống nhất, đầy đủ, rõ ràng về các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong một nghị quyết của Trung ương trên cơ sở cương lĩnh, Hiến pháp và văn kiện đại hội của Đảng các nhiệm kỳ”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nói.

Ông Trạc cho hay, 8 đặc trưng này vừa phù hợp với những đặc trưng, giá trị phổ quát Nhà nước pháp quyền đã được thế giới công nhận; vừa thể hiện được tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền của XHCN Việt Nam.

“Đây là điểm mới, nổi bật của nghị quyết lần này”, ông Trạc nhấn mạnh.

Nêu cụ thể 8 đặc trưng, Ủy viên Bộ Chính trị cho hay, đầu tiên là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây là đặc trưng riêng có, cơ bản, nhất quán, xuyên suốt trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

“Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là nền tảng vững chắc, không cho phép ai ngã nghiêng, giao động”, ông Trạc nói.

Hai, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Đặc trưng này khẳng định, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức.

Ba, quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật.

Ông Trạc cho hay, đây là vừa là bản chất, vừa là mục tiêu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

“Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là lấy con người là trung tâm, bảo đảm quyền con người và phát triển con người toàn diện, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, được tạo điều kiện để phát triển toàn diện”.

Ông cũng nhấn mạnh, thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đầu cầu Trung ương - Nhà Quốc hội. Ảnh: Đ.X

Bốn, Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.

“Đây là đặc trưng xuyên suốt, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, ông Trạc nêu.

Theo ông, mọi hoạt động của cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức, viên chức phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật. Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ “chỉ được làm những gì Hiến pháp và pháp luật quy định”.

“Mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh”, ông Phan Đình Trạc nói rõ.

Năm, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Đặc trưng này thể hiện giá trị đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. “Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực Nhà nước. Quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều có chung nguồn gốc thống nhất từ nhân dân”.

Ông Trạc nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả quyền lực Nhà nước, phòng ngừa sự lạm dụng, lạm quyền, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực Nhà nước phải được phân công rành mạch phối hợp chặt chẽ, và kiểm soát một cách có hiệu quả.

Sáu, hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán. Đây là đặc trưng phổ biến của mọi Nhà nước pháp quyền.

Bảy, độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là một đặc trưng cốt lõi được công nhận rộng rãi như một giá trị không thể thiếu của Nhà nước pháp quyền.

Tám, tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

“Đây là đặc trưng phổ biến của Nhà nước pháp quyền, thể hiện trách nhiệm của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế”, Ủy viên Bộ Chính trị nói.

Ông Trạc cũng cho hay, hội nhập quốc tế là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Hương Giang