Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 28/11/2022 - 12:47
(Thanh tra) - Trung ương yêu cầu giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Đ.X
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 27 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tại nghị quyết này, Trung ương đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và trọng tâm.
Theo đó, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật.
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của toà án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Đổi mới cơ chế bầu cử, nghiên cứu tăng kỳ họp Quốc hội
10 nhiệm vụ, giải pháp đã được Trung ương đề ra. Trong đó, tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Trung ương yêu cầu tiếp tục xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao với hoạt động của Nhà nước.
Vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội được đề cao; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu Quốc hội; tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp.
Theo nghị quyết, tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội theo hướng nghiên cứu tăng hợp lý số kỳ họp; xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn; chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.
Trung ương cũng yêu cầu thể chế hoá đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở.
“Đổi mới cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người xứng đáng đại diện cho nhân dân; nghiên cứu việc bỏ phiếu bầu cử của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, làm rõ những trường hợp không được bầu cử”, nghị quyết nêu rõ.
Nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh
Với Chính phủ, chính quyền địa phương, Trung ương yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực.
“Giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện”, nghị quyết nêu.
Cùng với đó, thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện; từng bước xóa bỏ cơ chế phối hợp liên ngành, gắn với xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.
Vị trí, vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội sẽ được phát huy đầy đủ; đề cao tính chủ động, sáng tạo, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công cụ kiểm tra, giám sát, đảm bảo thống nhất, thông suốt, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia.
Trung ương yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số. Các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh sẽ bị cắt bỏ.
Bên cạnh tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Trung ương yêu cầu nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương; xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được hoàn thiện; giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương.
Trung ương cũng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ; giữa các bộ với nhau; giữa Chính phủ, các bộ với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phân định rõ trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Ban hành quy định kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng, tiêu cực
“Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý”, nghị quyết nêu.
Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế để Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các cơ quan báo chí trong giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước.
Trung ương yêu cầu kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
“Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực”, nghị quyết nêu.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thời gian qua, các chế độ, chính sách đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại Điện Biên được chi trả kịp thời, đúng đối tượng; đời sống người có công, thân nhân người có công với cách mạng không ngừng được quan tâm hỗ trợ.
Trần Trung
17:51 22/11/2024(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.
Phương Anh
15:41 22/11/2024Hoàng Nam
15:38 22/11/2024N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024Văn Thanh
12:44 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Trung Hà
Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam