Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV ngày 6/9.
Hội nghị này diễn ra tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội), kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu địa phương.
Một trong những nghị quyết đã được Quốc hội khóa XV ban hành là Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Không lấy phiếu tín nhiệm chủ tịch quận tại Đà Nẵng, TP HCM
Trong tham luận phục vụ sự kiện này, Ban Công tác đại biểu đã nêu rõ những điểm mới của Nghị quyết 96.
Theo Ban Công tác đại biểu, so với Nghị quyết số 85 ban hành năm 2014, đối tượng do Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được bổ sung thêm chức danh Tổng Thư ký Quốc hội.
Đối tượng do HĐND cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã bỏ chức danh Ủy viên Thường trực của HĐND. Nghị quyết số 96 cũng không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã.
“Đây là điểm khác biệt so với Nghị quyết số 85 quy định lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã)”, Ban Công tác đại biểu nêu.
Đáng chú ý, Nghị quyết số 96 cũng sửa đổi quy định về các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm.
Với quy định mới, Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, cấp huyện khoá này không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với người được bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm từ 01/01/2023 trở lại đây, chỉ lấy phiếu tín nhiệm với người được bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm trước ngày 01/01/2023.
Ban Công tác đại biểu cũng cho hay, Nghị quyết 96 đã bãi bỏ điểm đ khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 119 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng và điểm c khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 131 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Chủ tịch UBND quận tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh vì đây là chức danh do Chủ tịch UBND TP bổ nhiệm.
Người được lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị báo cáo, kê khai tài sản phải sớm
Căn cứ quy định tại Nghị quyết số 96, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thứ 6 (dự kiến khai mạc vào ngày 23/10/2023) và HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2023.
Với việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Ban Công tác đại biểu sẽ tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch tổ chức.
Kế hoạch này đó tập trung vào các nội dung như rà soát đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, thành phần ghi phiếu tín nhiệm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm; Ban Kiểm phiếu và cách thức kiểm phiếu; việc công khai và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Với việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND, Ban Công tác đại biểu đề nghị Thường trực HĐND các tỉnh, TP khẩn trương ban hành kế hoạch bảo đảm theo quy trình, thủ tục chặt chẽ, cẩn trọng; dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở cấp tỉnh và tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm của HĐND cấp huyện phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tại Nghị quyết số 96.
“Những nội dung trong giai đoạn chuẩn bị như kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, rà soát danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm; gửi công văn yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị báo cáo, bản kê khai tài sản cần phải thực hiện sớm để đảm bảo tính chủ động cũng như đảm bảo thời gian theo quy định”, Ban Công tác đại biểu nêu rõ.
Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND. Việc này cũng làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Nghị quyết 96 bổ sung 1 điều quy định các hành vi bị nghiêm cấm, gồm các hành vi:
- Vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
- Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc nhằm tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
- Làm sai lệch kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.
“Quy định này nhằm đảm bảo việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khách quan, minh bạch và đúng pháp luật, phản ánh thực chất kết quả tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm”, theo Ban Công tac đại biểu.
|