Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội vào tháng 10

Hương Giang

Thứ sáu, 14/07/2023 - 22:00

(Thanh tra) - Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp 6 vào tháng 10 năm nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: P.Thắng

Chiều 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tổng kết kỳ họp thứ 5 và bước đầu việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Trình bày báo cáo về bước đầu chuẩn bị kỳ họp 6, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến kỳ họp này bố trí hơn 11 ngày cho công tác lập pháp để xem xét, thông qua 9 dự án luật, cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Cạnh đó, Quốc hội dành 11 ngày xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và 2024 và các vấn đề quan trọng khác…

Đáng chú ý, tại kỳ họp 6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Để chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm này, ngày 23/6, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Nghị quyết này quy định, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Nghị quyết 96 quy định “không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm”.

Theo quy định này thì tại kỳ lấy phiếu tín nhiệm vào tháng 10 tới, Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng do ông Võ Văn Thưởng mới được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước vào ngày 2/3 năm nay (trong năm lấy phiếu tín nhiệm).

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Kỳ họp 6 chia làm 2 đợt

Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức kỳ họp thứ 6 theo hình thức họp trực tiếp và chia thành 2 đợt như kỳ họp 5.

Đợt 1, các đại biểu chủ yếu thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp và thảo luận ở tổ các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.

Đợt 2, các đại biểu chủ yếu biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: P.Thắng

Dự kiến Quốc hội làm việc trong 23 ngày, khai mạc vào thứ 2 (ngày 23/10) do ngày 20/10 trùng vào ngày thứ 6 và bố trí 2 đợt họp theo 2 phương án.

Phương án 1, Quốc hội nghỉ khoảng 1,5 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào ngày 30/11 để kỳ họp kết thúc trong tháng 11/2023.

Phương án 2, Quốc hội nghỉ khoảng 2 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào ngày 7/12 để các cơ quan có nhiều thời gian hơn cho việc tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết.

Nêu ý kiến thảo luận về dự kiến kỳ họp 6, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc tổ chức kỳ họp theo 2 đợt. Đồng thời, đồng ý theo phương án 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu không có gì đột suất thì tổ chức như kỳ họp 5. Thời gian nghỉ giữa 2 đợt tối đa là 1 tuần làm việc, cộng các ngày nghỉ cuối tuần là 9 ngày, không nghỉ nhiều hơn.

Trước đó, báo cáo về tổng kết kỳ họp thứ 5, ông Bùi Văn Cường cho hay sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc đã đề ra.

Tại kỳ họp 5, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức họp 2 đợt trực tiếp với việc dành khoảng một tuần giữa 2 đợt họp.

Việc này đã tạo điều kiện cho các cơ quan hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng các nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua, các vị đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm có thời gian giải quyết công việc ở địa phương, cơ quan, đơn vị, theo ông Bùi Văn Cường.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm