Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội nêu ý kiến về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP HCM.

Rà lại khái toán chi phí giải phóng mặt bằng

Dự án đường đai 3 TP HCM có tổng chiều dài toàn tuyến là 76,34 km, bao gồm TP HCM 47,5 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,8 km.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án này được đề xuất đầu tư công, với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đơn giá trung bình dự kiến đền bù đất dân cư trên địa bàn TP HCM trong khái toán cao gấp 1,7 lần đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá.

Cụ thể, TP HCM sẽ tổ chức bán đấu giá các khu đất dọc theo dự án với giá dự kiến 15 triệu đồng/m2 trong khi giá đền bù đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng là 26 triệu đồng/m2.

Còn tại Bình Dương, diện tích đất dân cư tính toán đền bù cao hơn diện tích trong thuyết minh báo cáo của Chính phủ là 11,2 ha và làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng lên 1.677 - 3.920 tỷ đồng.

Diện tích tính toán đền bù là 30 ha trong khi diện tích trong báo cáo là 18,78 ha, giá đền bù tính toán tại Bình Dương là 15 - 35 triệu đồng/m2. 

Ngoài ra, giá đền bù đất nông nghiệp tại Bình Dương đang được xác định trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao gấp 6 lần các địa phương lân cận (trung bình giá đền bù đất nông nghiệp tại TP HCM là 3,3 triệu/m2, Long An là 2,1 triệu/m2; Đồng Nai là 2,9 triệu/m2).

Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP HCM, UBND tỉnh Bình Dương rà soát lại khái toán chi phí giải phóng mặt bằng để đảm bảo chính xác và phù hợp với thực tế.

Nhà nước đầu tư toàn bộ, thu phí hoàn vốn khó khả thi

Về phương án huy động vốn, Kiểm toán Nhà nước thông tin, dù HĐND các địa phương đã có nghị quyết cam kết bố trí vốn cho dự án, tuy nhiên nguồn vốn địa phương lại chủ yếu được đến từ việc khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường của dự án.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, theo tiến độ bố trí vốn thì nguồn vốn địa phương tập trung nhiều trong năm 2023 - 2024 trong khi thời điểm này khó có thể tổ chức đấu giá đất thành công hoặc đấu giá thành công với mức giá thấp do dự án đang trong giai đoạn thi công.

Vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách địa phương một cách kịp thời, theo Kiểm toán Nhà nước, cần có các giải pháp cụ thể, chủ động hơn.

So sánh với dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội (cũng được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này), Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ tính toán lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp thay vì phương án đầu tư công.

Lý do được đưa ra khi so sánh với dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có suất đầu tư cao hơn 1,2 lần và lưu lượng phương tiện dự kiến chỉ bằng 0,8 lưu lượng vành đai 3 nhưng phương án tài chính tính toán khả thi với thời gian thu phí 21 năm.

Như vậy, khi Nhà nước đầu tư 100% với tổng số vốn là 75.378 tỷ đồng (gấp hơn 5 lần) thì việc thu phí để hoàn vốn là khó khả thi.

Đề nghị rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư vành đai 4 Hà Nội

Với tổng mức đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, kiểm toán Nhà nước cho rằng, dự án thành phần 3 tổng chiều dài tuyến bao gồm cả đường, cầu cạn, nút giao, cầu, hầm, trạm thu phí lớn hơn tổng chiều dài tuyến đường (dài hơn khoảng 12,59 km cầu cạn) tương đương với giá trị 4.487 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc tính khối lượng cầu cạn sang cầu vượt dòng chảy làm tăng giá trị khoảng 549,21 tỷ đồng.

Việc xác định khối lượng cầu vượt đúc hẫng nhịp trong báo cáo của Chính phủ cũng đang làm tăng giá trị 494,17 tỷ đồng.

Với chi phí giải phóng mặt bằng giá trị 19.590 tỷ đồng, theo hồ sơ trình đang tính toán toàn bộ số hộ bị mất đất ở đều nằm trong diện tái định cư nên làm tăng chi phí hỗ trợ thuê nhà, chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư.

Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội và cơ quan liên quan rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư, đồng thời nghiên cứu, tham khảo số liệu tổng mức đầu tư của các dự án tương tự để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư cho phù hợp.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư dự kiến 85.813 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2028.

Dự án có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối trên cao tốc Nội Bài - Hạ Long (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), đi qua địa phận 3 tỉnh, thành là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. 

Hương Giang