Sáng nay (25/1), sau khi đặt hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài Tưởng niệm các anh hùng - liệt sĩ, 1.587 đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng họp phiên trù bị.

Tại phiên họp trù bị, các đại biểu thông qua Quy chế làm việc của Đại hội; bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua Chương trình làm việc Đại hội, Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII, Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.  

Sau phiên trù bị, các đại biểu sinh hoạt tại đoàn nghiên cứu các tài liệu Đại hội, gồm báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện Đại hội XIII, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương khóa XII…

Các văn kiện là sự kết hợp trí tuệ và sức sáng tạo

Trước phiên khai mạc, trao đổi với báo chí, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của dân tộc.

“Đại hội XIII là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Trong các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng thì Báo cáo Chính trị là báo cáo trung tâm, cùng với các báo cáo chuyên đề là Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, sự chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng bộ các cấp; sự đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài.

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự phiên họp trù bị Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Đ.X 
 

“Các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là sự kết hợp trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đã thể hiện được những quan điểm, chủ trương, phương hướng lớn, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với nhiều nội dung mới và điểm nhấn quan trọng”, ông Võ Văn Thưởng thông tin.

Điển hình, về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này dành ra một mục riêng là quan điểm chỉ đạo với 5 nội dung quan trọng, có bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà Đảng ta đã đề ra và từng bước hoàn thiện qua các kỳ Đại hội. Đặc biệt, đã nhấn mạnh không chỉ “kiên định và vận dụng” mà còn phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định cần phải “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc… khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”…

Hay phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, dự thảo đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 - 2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với những nội dung mới, quan trọng.

Dự thảo lần này đã điều chỉnh, xác định rõ, chuẩn xác hơn mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Đồng thời bổ sung mối quan hệ mới là giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội…

Niềm tin, khí thế mới để bước vào thời kỳ phát triển mới

Nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhận định, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và sự điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm đạt 6% và là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát. Các chính sách người có công, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh được tăng cường…

Đặc biệt, Việt Nam đã cơ bản khống chế, kiểm soát được dịch COVID-19, thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự chung tay, chung sức, chung lòng của toàn dân, thể hiện truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

leftcenterrightdel
Tại phiên họp trù bị, các đại biểu thông qua Quy chế làm việc của Đại hội; bầu Đoàn Chủ tịch. Ảnh: Đ.X 
 

“Tôi thấy rất vui mừng bởi đất nước ta trải qua những khó khăn, thử thách lớn, nhưng nhờ sự sáng tạo, quyết tâm đã biến nhiều thách thức thành thời cơ và cơ bản hoàn thành tất cả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra”, bà Tuyến nói và nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo niềm tin, khí thế mới để đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Cũng theo bà Tuyến, Hà Nội đã xác định mục tiêu: Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Căn cứ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể, Hà Nội sẽ chỉ đạo xây dựng các chương trình công tác, nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, kế hoạch, đề án theo từng lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, cấp bách, đột phá, khâu yếu, việc khó để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Đột phá quản lý, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, trên cơ sở 3 đột phá chiến lược theo Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, TP vận dụng sáng tạo để xây dựng 3 chương trình đột phá, đồng thời đề ra 1 chương trình trọng điểm với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn.

Chương trình đột phá đổi mới quản lý TP Hồ Chí Minh thể hiện ở sự chủ động xây dựng, kiên trì kiến nghị, triển khai các cơ chế, chính sách quản lý TP phù hợp tính chất đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước; đề xuất tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách TP; xây dựng chính quyền đô thị; hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với thành lập TP Thủ Đức; thực hiện nhanh chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng TP trở thành đô thị thông minh. Khơi dậy tiềm năng, niềm tự hào của các tầng lớp nhân dân TP tham gia tích cực các phong trào hành động cách mạng, thi đua sáng tạo xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Đ.X
 

Chương trình đột phá phát triển hạ tầng TP thì tập trung phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư.

Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP là tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cạnh đó, là chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Thành Phong tin tưởng, với sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới của người dân, doanh nghiệp TP và sự hợp tác cùng phát triển của các địa phương, bạn bè quốc tế, TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đưa đất nước phát triển và bền vững, ngày càng nâng cao uy tín, vai trò, vị thế trên trường quốc tế.

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII đề ra các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Dự thảo Văn kiện đề ra 3 đột phá chiến lược. Đó là nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại…

Hương Giang