Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chi tiêu ngân sách: Mời cả nội chính, thanh tra, công an vào hội đồng mua sắm vẫn không mua được, lạ thế!

Hương Giang

Thứ tư, 25/05/2022 - 17:40

(Thanh tra) - “Có người nói, tôi cũng hay nói, cần có giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ. Nhưng giải pháp mới là gì? Không bàn thì Quốc hội họp xong, Chính phủ họp xong rồi vẫn tắc”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ lo lắng khi đầu tư công giải ngân chậm, gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế “chưa giải ngân được đồng nào”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ lo lắng khi đầu tư công giải ngân chậm, gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế “chưa giải ngân được đồng nào”. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022.

Gói hỗ trợ, kích thích kinh tế “chưa giải ngân được đồng nào”

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề cập đến giải ngân vốn đầu tư công chậm. Theo bà, đây là vấn đề “đã nói nhiều tại các kỳ họp”, vì vậy cần phải có giải pháp căn cơ để có chuyển biến tích cực.

Đại biểu đoàn Kiên Giang cũng bày tỏ lo lắng khi gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế triển khai rất chậm, địa phương rất lo.

“Thủ tục giải ngân từ trên xuống giờ rất khó khăn, địa phương rất tâm tư”, bà Bé nói, trong khi gói hỗ trợ này chỉ thực đến năm 2023 nên cần quan tâm, sớm triển khai thực hiện cho tốt.

Vấn đề nữa, qua nắm bắt tình hình về bảo hiểm y tế, bà Bé thấy thấy vấn đề thuốc điều trị cho người bệnh không đáp ứng được yêu cầu.

“Danh mục thuốc được Bộ Y tế quy định cụ thể nhưng bác sĩ, cơ quan điều trị nói không có, người dân phải đi mua ở ngoài. Nếu đã có tên trong danh mục thì phải thanh toán cho dân chứ, nhưng không thanh toán được”, đại biểu đoàn Kiên Giang nói.

Đại biểu nhận xét rắc rối này dẫn đến bức xúc của người dân khi tham gia BHYT là do BHXH và ngành Y tế chưa phối hợp chặt chẽ trong đấu thầu thuốc.

Theo nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 6-6,5%. Nếu cộng cả phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội thì chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 8-8,5%.

“Đây là thách thức rất lớn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ.

Theo ông Vương Đình Huệ, hiện chi ngân sách vô cùng khó khăn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế “rất thấp”. Giải ngân vốn đầu tư công thì như đại biểu nêu. Trong khi, gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế thì “chưa giải ngân được đồng nào” vì hôm qua (24/5) Chính phủ mới gửi danh mục dự án.

“Đặc biệt 14.000 tỷ cho lĩnh vực y tế chưa có danh mục nào. Rồi Chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, tiền có sẵn mà không tiêu được”, Chủ tịch Quốc hội nói và băn khoăn, không biết lý do là gì vì thể chế không vướng.

Cơ chế “mở hết cỡ”, tiền không thiếu, sao không tiêu được?

Trước ý kiến của đại biểu Bé, Chủ tịch Quốc hội nói thêm, không chỉ thuốc trong phòng chống COVID -19 mà thuốc thông thường khác cũng thiếu vì không dám mua dù ngân sách có.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cũng bày tỏ lo lắng khi gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế triển khai rất chậm. Ảnh: Đ.X

“Ngay cả vấn đề mua sắm liên quan đến phòng chống dịch, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt nhưng xuất hiện 2 trạng thái: Một số nơi không dám mua, có nơi mua thì sai. Không hiểu lý do vì sao”, ông Vương đình Huệ cho rằng vấn đề này phải làm rõ.

Ông còn dẫn lại báo cáo quyết toán ngân sách năm 2020 để thấy chuyển nguồn sang năm sau hơn 600 nghìn tỷ do không tiêu được ngân sách, chứ không phải không có tiền. Đây cũng là vấn đề “Chính phủ băn khoăn, Quốc hội cũng băn khoăn”.

“Có người nói, tôi cũng hay nói, cần có giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ. Nhưng giải pháp mới là gì? Ta không bàn thì Quốc hội họp xong, Chính phủ họp xong rồi vẫn tắc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Một lần nữa ông Huệ tiếp tục nhấn mạnh vướng mắc giờ không chi tiêu được ngân sách và lo nhất là gói kích thích kinh tế 347 nghìn tỷ cho các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế…. chưa phân bổ được đồng nào.

“Chúng ta phải bàn vì sao lại thế này”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, phải chăng là khâu chuẩn bị đầu tư? Rồi mua sắm, có tỉnh mời cả cơ quan nội chính, thanh tra, công an vào Hội đồng nhưng vẫn không mua được, lạ thế?

Bởi theo ông, trong mua sắm thể chế không vướng gì, thậm chí còn cho cơ chế đặc thù, đặc cách, chỉ định thầu.

“Mở hết cỡ rồi, sao không chuyển biến được thì tôi cũng không hiểu. Mong các đại biểu Quốc hội góp ý, hiến kế”, ông Vương Đình Huệ phát biểu.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói những tâm tư rất tha thiết của cử tri, đặc biệt là cử tri ngành Y tế.

Theo ông, sau chống dịch, chúng ta ghi nhận, tôn vinh lực lượng y tế như những người hùng. Nhưng những tháng gần đây, tiến hành thanh tra, kiểm tra việc mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế thì giờ trên mạng xã hội và trong xã hội đang có xu hướng “nhìn bất kỳ cái gì, bất cứ việc mua sắm nào của y tế cũng có chủ ý sai phạm”.

Ông Mãi cho rằng, chúng ta phải lãnh đạo, định hướng như thế nào để phát hiện, xử lý được những vụ việc vi phạm nhưng phải bảo vệ được uy tín của ngành Y tế.

“Bây giờ các cơ sở y tế sợ không dám mua sắm, dẫn đến thiếu thuốc men, trang thiết bị, cũng như việc chăm sóc sức khỏe cho người dân không bảo đảm. Đây là việc tôi cho rằng rất cấp bách, chúng ta cần trao đổi để có giải pháp tức thì”, Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm