Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về lĩnh vực lao động, việc làm ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc “chia lửa”, giải đáp một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu.

Phản hồi đề xuất xây dựng gói hỗ trợ lao động vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ trưởng Tài chính cho biết, năm 2021, đã chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 47.356 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến năm 2023, số dư quỹ còn là 59.357 tỷ đồng.

“Chúng tôi đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chi khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn này”, ông Phớc nói.

Như vậy, nếu gói hỗ trợ lao động 23.000 tỷ đồng được Chính phủ và Thường vụ Quốc hội thông qua, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ còn dư hơn 36.000 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ mới cho thấy các cơ quan rất quan tâm đến người lao động trong giai đoạn khó khăn này và bằng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ họ, ông Phớc chia sẻ.

Trước đó, khi chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Tráng A Dương nêu thực trạng, những năm qua, đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động mất việc làm nên họ chọn rút bảo hiểm 1 lần để trang trải cuộc sống.

Tình trạng này không những tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

“Có ý kiến đề nghị Trung ương xem xét thành lập Quỹ Hỗ trợ người lao động như chính sách hỗ trợ lao động trong đại dịch COVID -19, đồng thời xem xét bổ sung Quỹ Quốc gia việc làm với địa phương”, ông đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm.

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, thời gian qua tình hình rút bảo hiểm một lần có chiều hướng gia tăng, nhất là cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Ghi nhận ý kiến đại biểu, nhưng ông Dung nói việc lập Quỹ Hỗ trợ người lao động là một trong những giải pháp. Để giảm và không còn tình trạng rút bảo hiểm một lần đòi hỏi nhiều giải pháp, nhất là tạo công ăn việc làm, thu nhập, giúp đời sống người lao động tốt hơn.

“Việc lập Quỹ Hỗ trợ người lao động cũng là một giải pháp, chúng tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo vấn đề này”, ông Dung nói và cho biết khi lập quỹ phải đánh giá tác động kỹ lưỡng, xem căn cứ như thế nào, hiệu quả ra sao và báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thu bảo hiểm bắt buộc với 4.000 hộ kinh doanh là sai, chưa phát hiện có tiêu cực

Vấn đề thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trái luật với hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh gây bức xúc cũng là vấn đề đại biểu chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

“Chia lửa” với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Nghị định 01 năm 2023 của Chính phủ với chủ trương mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc nên Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn cho một số tỉnh, thành về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể.

Trong đó, có 54 tỉnh, thành thu hơn 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể từ năm 2003 - 2016 thì dừng lại. Tuy nhiên, một số chủ hộ kinh doanh vẫn tiếp tục nộp tới năm 2020 với số lượng khoảng 1.032 người.

Bộ trưởng Tài chính nhìn nhận, việc thu bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh về bản chất và đạo lý thì “không có gì sai nhưng theo quy định pháp luật thì vẫn vướng”.

Ông Phớc phân tích, theo quy định, đối tượng đóng bảo hiểm xã hội thì phải có hợp đồng giao kết lao động. Tuy nhiên, nhiều chủ hộ kinh doanh cũng là người trực tiếp lao động song lại không có hợp đồng lao động với ai cả nên không thuộc diện đóng.

“Về bản chất, họ vừa là chủ hộ, vừa là lao động trực tiếp nên có thể chấp nhận được nhưng quy định pháp luật thì là sai đối tượng”, ông Phớc nói.

Về hướng giải quyết, ông Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã trao đổi với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để làm sao sửa luật Bảo hiểm xã hội tới đây cho phép chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trước đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu 3 hướng giải quyết với hơn 4.000 trường hợp đã thu sai kể từ năm 2003 tới nay.

Thứ nhất, bộ này đang đề xuất tới đây nếu Quốc hội cho phép thì chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang diện bảo hiểm xã hội bắt buộc, đảm bảo quyền lợi cho họ;

Thứ hai là trường hợp không có nhu cầu thì chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Thứ ba, nếu các bên không đồng ý thì thoái thu, trả lại quyền lợi cho người lao động, tính lãi bằng tăng trưởng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc này chưa “chưa phát hiện tiêu cực, trục lợi”, nhưng sai là có sai nên sẽ xử lý. “Chúng tôi đã trao đổi với Tổng Giám đốc Bảo hiểm rồi, chắc chắn phải xử lý, còn xử lý như thế nào thì theo quy định của pháp luật”, ông Dung nói.

Hương Giang