Sáng nay (21/1), Bộ Chính trị chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hội nghị có sự tham gia của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội nghị họp trực tuyến từ Tòa nhà Quốc hội đến 63 điểm cầu ở các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách rất quan trọng

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được tiến hành vào ngày chủ nhật, 23/5/2021.

Quán triệt Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu rõ, nhiệm vụ đầu tiên là phải xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với tình hình của địa phương, đơn vị.

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ.

Gắn kết quả nhân sự của Đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Chỉ thị cũng nhấn mạnh kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Giải thích rõ yêu cầu này, theo ông Trần Quốc Vượng, bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách rất quan trọng, phải phấn đấu đạt được.

“Làm tốt nhiệm vụ thứ ba này rất quan trọng, quyết định sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sắp tới cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp, của từng đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp”, Thường trực Ban Bí thư lưu ý.

Không để lợi dụng “khe hở” để đưa người không đủ tiêu chuẩn vào Quốc hội, HĐND

Yêu cầu nữa của Bộ Chính trị là phải nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cụ thể, chặt chẽ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quy định cụ thể đối với việc tự ứng cử, phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đồng thời, quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh; khắc phục hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các khoá gần đây.

Thường trực Ban Bí thư cho rằng, phải vừa đảm bảo quyền bầu cử, ứng cử, quyền tự ứng cử, đề cử của công dân nhưng cũng phải đảm bảo quy trình, tránh việc lợi dụng “khe hở” để đưa người không đủ tiêu chuẩn vào HĐND và Quốc hội.

Phải tiến hành lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú thực chất vì đây là ý kiến của người dân đánh giá đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

“Dân là người giám sát, không ai qua mắt được dân. Phải lấy ý kiến của người dân thực chất chứ không nên tổ chức hình thức, như vậy mới chọn được người đúng tiêu chuẩn”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối. Có các phương án chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.

Nói thêm về nhiệm vụ này, theo ông Trần Quốc Vượng, thời điểm diễn ra bầu cử là thời điểm các thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá, tạo nên những “điểm nóng”, cho nên các địa phương cần nắm chắc từng tình huống để xử lý, bảo vệ an ninh cho cuộc bầu cử.

Hương Giang