Với mục đích tiếp tục tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tỉnh Quảng Nam nói chung, Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An nói riêng đến với bạn bè trong nước và quốc tế, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư vào Quảng Nam.

Đồng thời, kêu gọi nâng cao ý thức và sự đồng thuận của cộng đồng chung tay, góp sức tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và thiên nhiên cho thế hệ tương lai, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức các hoạt động và Lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, vào tháng 5, tháng 9 và tháng 12/2019 tại huyện Duy Xuyên, TP Hội An, Tam Kỳ và một số địa phương trong tỉnh.

Điểm nhấn quan trọng của sự kiện là “Lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới” được tổ chức vào lúc 20 giờ tối nay tại Khu Đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên.

Chùa Cầu, Hội An luôn thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: Ngọc Phó

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm, chiều ngày 7/9, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức Hội nghị đánh giá và tuyên dương công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn qua 20 năm được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

20 năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Hệ thống đền tháp, nhà cổ đều được bảo tồn nguyên vẹn, đảm bảo tính chân thực của di tích, góp phần tạo nên sức hấp dẫn thu hút khách tham quan. 

Lượng khách tham quan tăng đều hằng năm, năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 1999, khách tham quan chỉ vài trăm lượt, đến năm 2018 số lượng khách đạt được gần 400 ngàn lượt, doanh thu đạt 62,1 tỷ đồng. Đối tượng khách ngày càng đa dạng, thị trường khách ngày càng mở rộng; nhất là thị trường khách quốc tế. 

Cùng với việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đa dạng tại Hội An, Mỹ Sơn và nhiều địa phương khác cũng được phục hồi và phát huy giá trị. Công tác nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ… đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Hoạt động hợp tác quốc tế đã tạo những tiền đề, kinh nghiệm quý trong công tác bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích.

Việc phát huy giá trị di sản với những sản phẩm du lịch độc đáo đã khẳng định thương hiệu, điểm đến 2 Di sản văn hóa Hội An, Mỹ Sơn trên bản đồ du lịch miền Trung, Việt Nam và có sức lan tỏa đến khu vực và thế giới. 

Khu Đền tháp Mỹ Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Phó

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đã trao bằng nghệ nhân ưu tú cho 13 cá nhân và Bộ Ngoại giao cũng đã tặng bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn qua 20 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam còn tặng thưởng cho một số tổ chức, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn các di sản thế giới.

 Ngọc Phó