Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định biểu tượng của Thủ đô

Chủ nhật, 07/10/2012 - 07:19

(Thanh tra) - Đa số ý kiến Thường vụ Quốc hội (TVQH) tại phiên thảo luận chiều 6/10, đã đề nghị quy định Thủ đô có biểu tượng và giao Uỷ ban TVQH quyết định biểu tượng của Thủ đô trên cơ sở đề nghị của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tờ trình tại phiên họp

Theo tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Thủ đô lần này có 29 điều (lược bỏ 4 điều so với Dự thảo cũ), giữ nguyên 7 điều và chỉnh lý 22 điều.

Dự thảo Luật làm rõ các quy định cho Thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước, hạn chế việc quy định các chính sách dành cho Hà Nội với tư cách là đô thị đặc biệt. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước, trước hết là xây dựng Thủ đô tiêu biểu, làm tròn trách nhiệm là Thủ đô của cả nước. 

Ngoài ra, quy định rõ chính sách, chế độ, định mức cụ thể đối với một số vấn đề mà Dự thảo Luật lần trước quy định còn mang tính nguyên tắc; giảm bớt quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, HĐND và Uỷ ban nhân dân (UBND) TP Hà Nội ban hành văn bản quy định chi tiết. 

Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung đã đạt được sự nhất trí cao, một số vấn đề còn có ý kiến trao đổi như quy định về quản lý dân cư, xử phạt vi phạm hành chính và thu phí cao hơn ở nội thành trong lĩnh vực giao thông, văn hóa, xây dựng đất đai. Đây là 3 vấn đề thực sự mang tính đặc thù và có ý nghĩa rất quan trọng có liên quan mật thiết với nhau, cần phải được quy định đồng bộ trong Dự thảo Luật Thủ đô để vừa góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề mang tính lâu dài vừa xử lý những vấn đề bức xúc  đang đặt ra đối với của Thủ đô hiện nay.

Về nội dung quản lý dân cư (Điều 19), Dự thảo Luật Thủ đô quy định việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú. Riêng điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội ngoài áp dụng đối với các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật Cư trú, người muốn đăng ký phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Thẩm tra dự luật, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tán thành quy định trên, vì cho rằng thực tế tình trạng gia tăng dân số cơ học ở Thủ đô hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải đối với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên những áp lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm… Do đó, việc bổ sung các điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội đối với một số đối tượng chặt chẽ hơn tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư, nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư cư trú trong nội thành.

Nội dung quy định các biện pháp bảo đảm việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (Điều 15), Dự thảo Luật quy định HĐND, UBND Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm ban hành biện pháp bảo đảm việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thủ đô.

Qua thảo luận, Uỷ ban TVQH tán thành cần phải có các biện pháp bảo đảm việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để bảo đảm tính khả thi thì các biện pháp này cần phải được quy định cụ thể ngay trong Luật. Hơn nữa, việc ban hành các biện pháp này phải trên cơ sở xem xét, cân nhắc đến lợi ích hài hoà của Nhà nước, doanh nghiệp, lợi ích người dân ở những khu vực có đất bị thu hồi và phải được xây dựng thành các nguyên tắc cơ bản, để bảo đảm hiệu lực thi hành và tránh việc áp dụng tuỳ tiện, không thống nhất trên địa bàn Thủ đô dẫn tới ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi bị thu hồi đất.

Về mức xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành Hà Nội (Điều 20), một vài ý kiến còn băn khoăn tại khoản 2 Điều 20, Dự thảo Luật quy định mức phạt tiền cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hoá, đất đai, xây dựng tại các thành phố trực thuộc trung ương. Hơn nữa, các vấn đề phát sinh trong 3 lĩnh vực này có nguyên nhân chính là do việc tổ chức thực hiện pháp luật.

Tuy nhiên, đa số ý kiến tán thành với quy định của Dự thảo Luật về bổ sung 3 lĩnh vực trong nội thành Hà Nội được áp dụng mức xử phạt tiền cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay của Hà Nội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Dự án Luật Thủ đô cần tiếp tục có sự chuẩn bị tốt và làm thế nào để thuyết phục được các đại biểu Quốc hội rằng những cơ chế này được đưa ra cho một Thủ đô duy nhất, khác biệt với các đô thị khác.

Dự Luật Thủ đô sẽ được Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 4 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013.

 Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm