Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thuyền trưởng tàu không số đầu tiên

Chủ nhật, 30/10/2011 - 06:30

(Thanh tra) - Liệt sĩ Lê Văn Một - người thuyền trưởng của tàu không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1 - sinh năm 1921, thuộc dòng dõi thủ khoa yêu nước Nguyễn Hữu Huân đất Tiền Giang. Cha ông là Đốc học Lê Văn Giỏi nổi tiếng đất Mỹ Tho.

Thuyền trưởng Lê Văn Một

Là con thứ 11 trong một gia đình giáo học quốc tịch Pháp nên ông có tên là Abel René.

Cách mạng tháng Tám 1945 là bước ngoặt đối với ông. Cùng với bạn bè tìm đường theo cách mạng kháng chiến, Abel René đổi tên thành Lê Văn Một.

Tháng 12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Lực lượng vũ trang Nam bộ “thuốc súng kém, chân đi không” đành phải lùi dần về Đồng Tháp Mười và rừng U Minh. Ban sưu tầm vũ khí ở nước ngoài được thành lập. Lê Văn Một và 12 người nữa được đồng chí Năm Phúc (tức nhà lão thành cách mạng Dương Quang Đông) chọn vào lực lượng vận tải vũ khí, lên đường sang Băng Cốc (Thái Lan) bằng ghe buồm để tìm mua vũ khí và tổ chức con đường xuyên Tây, vận chuyển vũ khí từ Thái Lan về Nam bộ.

Lê Văn Một được giao trọng trách mang theo 25kg vàng - kỳ tích của “Tuần lễ vàng” vì lòng yêu nước của nhân dân quyên góp để mua vũ khí.

Chuyến đầu tiên, Lê Văn Một tổ chức 10 xe bò, 10 voi và 70 người, vận chuyển bằng đường bộ qua Campuchia về nước. Súng theo voi, đạn đeo lưng người. Trải qua 16 ngày vượt núi, qua sông và đối mặt với địch, đơn vị vừa hành quân vừa tác chiến 11 trận trên đất Campuchia. Đầu tháng 1/1948, đoàn về đến Nam bộ với 11 người hy sinh và mất tích.

Thấy vận chuyển đường bộ gian khổ, hiệu quả thấp, Lê Văn Một tìm cách chuyển sang vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, gian khổ, hy sinh vẫn không hề nhỏ. Có lần đoàn vận tải do “cặp đôi” Lê Văn Một - Bông Văn Dĩa chỉ huy gặp gió bão, phải ghé vào đảo Phú Quốc để tránh. Gần 1 tháng nằm tại đây, cả đoàn phải đào củ chuối rừng ăn cầm hơi... Cứ như vậy, trong nhiều năm liền, đi và về trên vịnh Thái Lan, đơn vị đã vận chuyển được hàng trăm tấn vũ khí, hàng hóa về Nam bộ. Những chiến công thầm lặng đó đã tạo tiền đề cho ý tưởng vĩ đại mở con đường Hồ Chí Minh trên biển Đông.

Từ cuối năm 1961, đầu năm 1962, lần lượt 6 thuyền gỗ của các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa, Trà Vinh (trong đó thuyền gỗ Cà Mau do ông Bông Văn Dĩa phụ trách) đã ra đến miền Bắc an toàn. Con đường vận chuyển trên biển Đông khẳng định là “có thể đưa vũ khí vào được”.

Lê Văn Một lúc đó đang tập kết ngoài Bắc, làm Cảng trưởng Cẩm Phả, được điều chuyển về Đoàn 759 chuẩn bị làm nhiệm vụ đặc biệt - mở đường đưa vũ khí từ Bắc vào Nam trên những con tàu không số.

Phải nói rằng, cấp trên đã khéo chọn, khéo sắp xếp một “cặp bài trùng”, Lê Văn Một - Thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa - chính trị viên, cùng chung chuyến mở đường, cũng như họ từng kề vai sát cánh trên vịnh Thái Lan thời chống Pháp đưa vũ khí về Nam bộ. Họ đã biết tính nết nhau, tôn trọng nhau, đoàn kết yêu thương nhau, chèo lái con tàu không số đầu tiên vượt biển Đông, mở đường tiếp viện quan trọng đưa vũ khí vào miền Nam đánh Mỹ.

Đêm 11/10/1961, tại Bến K15, Đồ Sơn, Hải Phòng (Bến K15 đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia), con tàu gỗ Phương Đông 1 lặng lẽ nhổ neo ra khơi, hướng về phía Nam, chở 30 tấn vũ khí, mang theo cả niềm tin, tình thương của Đảng, của Bác Hồ, của nhân dân miền Bắc tới đồng bào miền Nam.

Chuyến đi mở đường đã thành công. Một lần nữa, “bộ đôi” Lê Văn Một - Bông Văn Dĩa lại ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc.

Một năm sau, Lê Văn Một được cử làm Thuyền trưởng tàu gỗ 41, đưa vũ khí vào miền Đông Nam bộ, mở bến Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngay trước đồn Phước Hải, đêm 3/10/1963. Đây là chuyến đi gian khổ bởi tàu bị mắc cạn ngay trước đồn địch. Lê Văn Một đã ứng xử rất linh hoạt, thông minh, bảo đảm đưa hàng tới bến an toàn.

Hai chuyến đi này đều ghi những dấu ấn đặc biệt trong hành trình vận chuyển vũ khí bằng đường biển của những con tàu không số. Đây là những chuyến mở đường, vào bến mới, đầy khó khăn và thử thách. Bằng kinh nghiệm đi biển, bản lĩnh dày dạn, đặc biệt là tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Thuyền trưởng Lê Văn Một đã xử trí rất thông minh nhiều tình huống phức tạp trong hiểm nguy và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Lê Văn Một mất năm 1982.

Chiến công của ông đã được ghi trong Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, được đánh giá cao trong tập chuyên khảo mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển Bà Rịa - Vũng Tàu” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 1993. Ông được Nhà nước công nhận Liệt sĩ và truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba vì những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.


Phương Dung

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm