Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 25/07/2012 - 07:12
(Thanh tra) - Tôi vừa trở lại thăm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sau gần 36 năm xa cách. Lòng vừa khấp khởi mong tìm lại những người bạn cũ, vừa nặng trĩu nhiều suy tư và trăn trở…
Ngư dân Lý Sơn kiên cường bám biển
Bể dâu của cuộc đời đã xô dạt bạn bè tôi đi muôn ngả, kẻ đã khuất bóng, người tha hương cầu thực. Trong số hàng trăm bạn bè quen biết và thân thương của gần 2 năm mưu sinh trên đảo, tôi chỉ gặp lại có 1 người. Gần nửa đời người mới gặp lại, nhưng làm sao tôi quên được chất giọng thô mộc ấy của người Lý Sơn, từ hai phát âm thành hoi, ba thành boa… cùng nhiều câu thổ ngữ có nguồn gốc lịch sử từ quá trình của người Chăm học nói tiếng Việt.
Cái tên xưa cù lao Ré gợi lên lịch sử mở cõi về phương Nam và kết nạp một dân tộc Chăm (hay Chămpa, Chiêm Thành) vào cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất mẹ Việt Nam.
Với diện tích chỉ gần 10km2 nhưng có trên 21.000 người dân sinh sống, đảo Lý Sơn có một bề dày lịch sử gắn kết máu thịt với sự thăng trầm của lịch sử đất nước.
Từ nhiều thế kỷ trước, ngư dân cù lao Ré đã tham gia Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, vượt muôn trùng sóng dữ ra 2 quần đảo này khẳng định chủ quyền quốc gia. Trong dân gian ngày ấy đã có những câu vè đầy bi tráng như “Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi” hoặc “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”… thể hiện sự gian khổ và gương hy sinh của người dân cù lao Ré khi thực hiện nghĩa vụ cao cả.
Trước khi ra đi, họ biết rõ những hiểm nguy sẽ gặp phải nên chuẩn bị sẵn cho mình 1 chiếc chiếu, 7 sợi dây mây và đòn tre, kèm theo tấm thẻ ghi họ tên, quê quán. Khi có người hy sinh, bạn đồng ngũ bó thi thể lại, thả xuống biển với hy vọng thân thể này trôi dạt về đất mẹ. Trên đảo Lý Sơn hiện có đến 25 đền miếu mang nhiều dấu tích lịch sử và văn hóa, trong đó nhiều đền miếu lập ra để tế sống những người chuẩn bị ra đi làm nhiệm vụ ở đảo xa.
Cù lao Ré xưa kia nay là quê hương của một thương hiệu tỏi nổi tiếng không đâu sánh bằng. Nhưng, người dân nơi đầu sóng ngọn gió này đang phải chiến đấu gian khổ, chịu thiệt thòi rất nhiều trong cuộc sinh tồn.
Hãy đến Lý Sơn mà xem mỗi luống tỏi thẳng tắp như kẻ chỉ đã thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của nông dân như thế nào. Trải qua bao đời, bao mùa vụ trồng trọt trên những khoảnh đất được chia nhỏ dần cho các đời con cháu, thì đất còn đâu là chất màu nữa. Mùa vụ nào cũng vậy, họ phải liên tục đảo đất, lấy đất mềm và sâu bên dưới trải lên lớp đất bạc màu ở trên, rồi tận dụng những vỏ đậu xanh, đậu nành, đậu đen… làm phân bón kiêm một lớp đệm. Tiếp đó phủ một lớp cát trên bề mặt đất, loại cát họ phải đội trên đầu về, từ những bờ bãi cách xa nhiều trăm mét, thậm chí hàng cây số…
Cho tới ngày thu hoạch, không biết bao nhiêu mồ hôi đã đổ xuống qua đôi vai của những người phụ nữ gánh nước từ những giếng xa để tưới cho ruộng tỏi của mình. Tỏi lắm khi được mùa, nhưng cũng nhiều phen thất bát. Giá cả cũng lên xuống như khi nắng, khi mưa.
Vì thế, nghề chủ yếu nuôi sống cư dân Lý Sơn vẫn là đi biển đánh cá cha truyền con nối, dù mỗi ngày mỗi gian truân và nguy hiểm hơn. Với áp lực dân số gia tăng, đội tàu càng ngày càng đông đảo, cá tôm gần bờ hầu như đã cạn kiệt, ngư dân phải ra xa vài trăm cây số tìm kiếm những nguồn hải sản giá trị cao. Tàu nhỏ, đi xa luôn bị thiên tai rình rập. Trong số những nạn nhân của bão tố trên vùng biển Việt Nam, không năm nào thiếu vắng ngư dân Lý Sơn.
Nguy hiểm hơn, ngư dân đảo Lý Sơn gần đây thường trực bị “tàu lạ nhưng thủ đoạn hèn hạ thì quen” bất ngờ tấn công vào ban đêm rồi bỏ chạy! Chẳng những thế, ngay trong vùng lãnh hải của Tổ quốc, họ vẫn bị tàu Trung Quốc chặn bắt, đập phá tài sản, bị tra tấn, giam cầm… Các vụ “tai nạn” này liên tiếp xảy ra, đồng thời với những âm mưu thâm độc từ nước ngoài nhằm xâm chiếm lãnh hải, tài nguyên biển của Việt Nam.
Mặc dù vậy, dân Lý Sơn nói riêng và tại “khúc ruột” miền Trung nói chung, vẫn tiếp tục ra khơi, bám biển. Sự hiện diện của họ trên vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa đang góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo này. Thiết nghĩ, các đoàn thể, hiệp hội ngành nghề rất nên vận động thành lập một quỹ tài chính để trợ giúp hiệu quả, xứng đáng cho gia đình các ngư dân ngoan cường, đang ngày đêm phải đối mặt, thậm chí hy sinh trong cuộc đấu tranh với “kẻ thù hèn hạ ấy”!
Thương quá, Lý Sơn ơi!
Phan Thân
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Văn Thanh
08:28 14/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh