Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thảo luận đề án tái cơ cấu nền kinh tế

Thứ sáu, 20/04/2012 - 08:52

(Thanh tra) - Sáng ngày 19/4, Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII.

• Đề nghị lùi thời hạn trình Luật Đất đai (sửa đổi).

Đề án gồm 5 phần: Đánh giá những thành tựu chủ yếu, những yếu kém cơ cấu nội tại và xác định những nguyên nhân; xác định mục tiêu tổng quát, nguyên tắc chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nội dung, định hướng và điều kiện tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hệ thống 13 nhóm giải pháp để tái cơ cấu nền kinh tế và tổ chức thực hiện.

Bàn về nội dung định hướng chung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với đề án trong việc cơ cấu kinh tế theo vùng lãnh thổ; cơ cấu kinh tế theo ngành, lĩnh vực; cơ cấu kinh tế xét theo kết cấu các nhân tố sản xuất (vốn, lao động, nhân tố năng suất tổng hợp - TFP). Tuy nhiên, phải làm rõ và bổ sung thêm một số nội dung về định hướng phân bổ lực lượng sản xuất giữa các vùng, địa phương trong các mạng sản xuất, chuỗi cung ứng, sự liên kết và hiệu ứng lan tỏa và việc quy hoạch phát triển các khu kinh tế, vùng kinh tế, mạng sản xuất, chuỗi cung ứng dựa trên việc lựa chọn những vùng có lợi thế phát triển để lôi kéo, thúc đẩy các vùng khác phát triển. Những nội dung này phù hợp với 3 đột phá trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, sắp xếp thứ tự ưu tiên và lộ trình thực hiện.

Nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, Đề án chưa đánh giá chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bao gồm cả chi phí kinh tế, xã hội, thời gian… Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí...

Liên quan đến nhóm giải pháp chủ yếu để tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, các nhóm giải pháp chưa có sự gắn kết với nhau cũng như chưa thực sự đồng bộ, gắn kết với các đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực và thiếu các giải pháp mang tính xã hội.

Ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nên rút gọn thành 9 nhóm giải pháp.

Có ý kiến cho rằng, cần đổi mới vai trò của doanh nghiệp Nhà nước với tư cách là công cụ để điều tiết vĩ mô, bình ổn nền kinh tế. Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với ý kiến này và cho rằng doanh nghiệp Nhà nước có nhiệm vụ quan trọng là “mở đường” trong những lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp thuộc thành phần khác không đủ năng lực. Do vậy, cũng cần phải có tiêu chí đánh giá, giám sát về hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, cũng như thực hiện lộ trình tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an sinh xã hội không vì mục tiêu lợi nhuận…

* Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh 2012.

Tính đến ngày 17/4/2012, Chính phủ đã trình Quốc hội 13/30 dự án (D.A) thuộc Chương trình chính thức năm 2012; 7 D.A UBTVQH đã cho ý kiến còn 10 D.A sẽ được trình UBTVQH trong quý III/2012.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời hạn trình 3 D.A luật trong năm 2012, gồm: D.A Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Đô thị và Luật Đất đai (sửa đổi).

Riêng Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị UBTVQH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Về nội dung Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, Chính phủ đề nghị với 59 D.A (56 luật, 3 pháp lệnh), trong đó có 38 D.A thuộc chương trình chính thức và 21 D.A thuộc chương trình chuẩn bị.

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến giao Uỷ ban Pháp luật phối hợp với các bộ, ngành đối chiếu với Nghị quyết của Quốc hội, rà soát kỹ xem D.A luật nào đủ điều kiện, chưa đủ điều kiện để điều chỉnh, bổ sung theo đúng chương trình đề ra.

Quỳnh Trang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm