(Thanh tra) - Sáng nay (21/5), Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC); báo cáo thẩm tra Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố.
Huy động mọi nguồn lực xã hội cho phòng và chữa cháy
Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật PCCC được Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2001 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/10/2001. Qua 10 năm triển khai thực hiện, các quy định của Luật PCCC đã thực sự đi vào đời sống xã hội, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác PCCC; phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện và đưa công tác này trở thành nhiệm vụ của toàn dân.
Số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra đã được kiềm chế so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là tỷ lệ số vụ cháy lớn đã giảm nhiều so với trước thời điểm Luật PCCC được ban hành (1%/1,7%); các lực lượng PCCC đã kịp thời dập tắt có hiệu quả trên 28.000 vụ cháy, cứu nạn và hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng nghìn người, bảo vệ tài sản trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.
Hiện cả nước đã thành lập được 122.718 đội dân phòng và đội PCCC cơ sở với 1.441.355 cán bộ, đội viên; lực lượng cảnh sát PCCC đã từng bước được kiện toàn về tổ chức, bộ máy và được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, vật chất, phương tiện phục vụ công tác PCCC; đã thành lập thí điểm 8 Sở Cảnh sát PCCC tại 8 tỉnh, thành phố trọng điểm về kinh tế - xã hội. Đến nay, cả nước đã thành lập được 185 đội Cảnh sát PCCC; công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC được tăng cường, qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm trong công tác PCCC.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Luật PCCC cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC trong tình hình mới.
Thẩm tra Dự thảo Luật PCCC, Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật PCCC. Tuy nhiên Ủy ban đề nghị, Ban Soạn thảo nghiên cứu mở rộng phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng bao quát hết những quy định không còn phù hợp của Luật PCCC hiện hành nhằm giải quyết những bất cập, vướng mắc, gây khó khăn cho công tác PCCC, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ nhằm phát huy được sức mạnh của lực lượng nòng cốt trong PCCC; đồng thời, huy động được mọi nguồn lực xã hội cho công tác PCCC, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về PCCC trong tình hình mới.
Cần thiết phải thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố
Dự án Luật Phòng, chống khủng bố đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4. Đến kỳ họp này, Dự thảo Luật trình Quốc hội có nhiều nội dung đã được chỉnh lý hoàn thiện, đã giảm 6 điều so với Dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 4.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật, đa số Đại biểu Quốc hội đều tán thành với báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng Dự thảo Luật đã được nghiêm túc hoàn thiện trên cơ sở các ý kiến của Đại biểu Quốc hội góp ý. Đồng thời, phát biểu làm rõ, bổ sung thêm một số vấn đề quan trọng, trong đó có những điều, khoản cụ thể.
Về Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố, đa số ý kiến đại biểu nhất trí thành lập, nhưng cần bổ sung, làm rõ thêm thành phần Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh, vai trò thường trực của Bộ Công an, của Công an cấp tỉnh, nên có bộ phận tham mưu giúp việc. Ngoài ra, cũng có ý kiến là chưa nên thành lập, khi cần thiết mới thành lập nhưng đại đa số nhất trí cần thiết phải thành lập.
Thảo luận trách nhiệm quyền hạn của người chỉ huy chống khủng bố, một số đại biểu yêu cầu cần quy định, làm rõ thẩm quyền của từng cấp để bảo đảm tính khả thi. Đề nghị làm rõ là khi chưa có quyết định người chỉ huy do Ban Chỉ đạo quyết định thì người đứng đầu cơ quan trực tiếp sẽ là người chỉ huy. Đối với cấp tỉnh, cũng có ý kiến cho rằng khi chưa có quyết định người chỉ huy do Ban Chỉ đạo quyết định ở cấp tỉnh thì có thể trưởng công an là người chỉ huy.
Về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, một số đại biểu có ý kiến đề nghị làm rõ hơn vai trò của quân đội trong phòng, chống khủng bố. Quy định như trong Dự thảo Luật còn chung chung, mờ nhạt, quy định chưa đầy đủ, nhất là chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng. Trách nhiệm của Bộ Tài chính, của hải quan và các bộ, ngành có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ phối hợp phòng, chống khủng bố.
Ánh Tuyết