Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

ĐBQH “truy” Bộ trưởng chuyện dạy sử, số liệu trồng rừng “nhảy múa”

Thứ hai, 16/11/2015 - 17:40

(Thanh tra)- Hôm nay 16/11, Quốc hội (QH) bắt đầu hoạt động chất vấn trực tiếp tại hội trường. Một loạt vấn đề “nóng” từ việc dạy sử đến trồng rừng sau khi thực hiện các dự án thủy điện… được các đại biểu (ĐB) phát biểu ý kiến và đặt câu hỏi “truy” các Bộ trưởng.

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định). Ảnh: TN

Hoan nghênh Bộ trưởng xuất hiện ở “điểm nóng”

Là người đầu tiên phát biểu, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) ghi nhận một số bộ ngành đã quyết tâm khắc phục những vấn đề nêu ra trong các phiên chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, như Ngân hàng Nhà nước xử được nợ xấu, ngân hàng yếu kém, Bộ Xây dựng không để bất động sản đổ vỡ...

"Chúng tôi đánh giá cao một số bộ trưởng, trưởng ngành kịp thời xuất hiện ở những điểm nóng, hành động quyết đoán, đầy trách nhiệm, được người dân đồng tình, hoan nghênh. Dù các Tư lệnh ngày chủ yếu nhiệm vụ là tham mưu chứ không phải trực tiếp đi giải quyết từng trường hợp cụ thể, nhưng trong khi “trên bảo dưới chưa chắc đã nghe, trên bảo một đằng dưới triển khai một nẻo thì việc lãnh đạo đi trực tiếp như vậy là tốt. Mong các bộ trưởng, trưởng ngành sâu sát hơn nữa", ông Sơn nói.

ĐB Nguyễn Anh Sơn chưa yên tâm khi thấy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng dù rất mạnh mẽ nhưng quốc nạn này vẫn đang nhức nhối. "Cử tri nhận thấy hình như vào những năm cuối của nhiệm kỳ QH, trước ĐH Đảng các cấp, cuộc chiến này chưa được đẩy lên ở mức quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa" ông Sơn nói.

Cũng ghi nhận chuyển biến, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) dẫn chứng, một số lĩnh vực đầu nhiệm kỳ có nhiều vấn đề bức xúc sau đó tư lệnh các ngành này đã có nhiều cố gắng, quyết tâm, đề ra những giải pháp cụ thể, khả thi, huy động nguồn lực toàn ngành để khắc phục như ngân hàng, giao thông vận tải, thanh tra, Tổng Thanh tra trực tiếp tiếp dân…

Tuy nhiên, các ĐB lưu ý, một số vấn đế chưa chuyển biến rõ nét, Bộ trưởng các lĩnh vực đó đã nhận trách nhiệm, nhưng điều ĐBQH và cử tri mong muốn là nhận trách nhiệm rồi thì khắc phục thế nào.

Số liệu trồng rừng “vênh” giữa hai bộ

Các ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), Trương Văn Vở (Đồng Nai) cùng đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng những câu hỏi về nhiệm vụ trồng rừng thay thế cho diện tích bị mất do thực hiện các dự án thủy điện. “Đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT giải thích sự “nhảy múa” giữa số liệu về trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện, cụ thể là sự khác biệt rất lớn so với số liệu của Bộ Công Thương. Đến nay đã lỡ hẹn kế hoạch trồng bù năm 2015 mà chưa chưa thấy cam kết cụ thể cho năm 2016”, ĐB Trương Văn Vở thẳng thắn chất vấn.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum). Ảnh: TN

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát thừa nhận có thực tế một số dự án thủy điện khi phê duyệt không nhắc đến chuyện trồng rừng thay thế nên giờ không có tiền để làm. Chuyện này chỉ được siết chặt sau khi QH nhắc nhở. "Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp (DN) phải nghiêm tục thực hiện theo pháp luật. DN nào không thực hiện đúng thời hạn sẽ bị rút giấy phép. Hai năm nay, tình hình đã chuyển biến tích cực hơn nhiều”, Bộ trưởng Phát nói.

Về sự vênh nhau trong số liệu, Bộ trưởng Phát cho rằng là do thời điểm thống kê. “Chúng tôi đã gửi đến ĐBQH diện tích trồng thay thế cụ thể của từng tỉnh, từng dự án một và tới đây sẽ ngồi lại với Bộ Công thương để thống nhất số liệu”. Có cùng lời giải thích, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói thêm: “Tổng diện tích rừng trồng thay thế còn bao gồm cả các dự án thủy lợi, nhưng Bộ Công Thương chỉ tính dự án thủy điện”. Sự chênh con số, ông Vũ Huy Hoàng xin "rút kinh nghiệm", khẳng định không có ý làm sai lệch số liệu.

Dạy lịch sử không bị coi nhẹ

ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) chất vấn, “Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo (GDĐT) Phạm Vũ Luận có dự định gì, hoặc hoãn thực hiện chủ trương thay đổi chương trình sách giáo khoa giảng dạy môn Lịch sử chương trình phổ thông theo hướng tích hợp không? Nếu không hoãn thì Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?”. “Xin được nói ngay là sai lầm về phương pháp sẽ dẫn đến sai lầm về kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử trong thế hệ trẻ và sẽ không có chỗ cho sự khắc phục và rút kinh nghiệm”, ĐB Lai nhấn mạnh.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, môn lịch sử không bị coi nhẹ mà còn coi trọng hơn so với chương trình hiện hành. Nội dung và khối lượng học đều tăng lên về số tiết học và là môn học bắt buộc. Còn việc dạy môn lịch sử theo hướng tích hợp là để tránh trung lắp. Ngoài nội dung lịch sử trong phần giáo dục công dân, bảo vệ tổ quốc thì khi dạy các môn học khác cũng lồng ghép học lịch sử.

“Dạy văn học về tác phẩm Bình ngô đại cáo hay Hịch tướng sỹ mà không gắn với lịch sử thì các cháu học sinh không hiểu được, không rung động được”, Bộ trưởng Luận nói và cho biết, việc để môn dạy lịch sử là môn độc lập hay tích hợp thì Bộ đang lấy ý kiến để quyết định.

Chưa hài lòng, ĐB Lai trao đổi lại, môn lịch sử được dạy độc lập, có hệ thống, có giáo viên chuyên ngành mà còn bộc lộ hạn chế rất rõ, liệu chuyển sang tích hợp thì bảo đảm chất lượng không? Tôi thấy chắc chắn rất khó.

Ngoài ra, tại phiên họp các ĐB còn nêu một số vấn đề khác như áp dụng công nghệ tiên tiến sản xuất; tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” vẫn chưa được giải quyết, năng suất lao động không cao; quản lý thuốc bảo vệ thực vật; bẫy trung bình…

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm