Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 26/01/2012 - 15:04
(Thanh tra) - Năm Nhâm Thìn 2012, 82 tuổi Đảng, có lẽ bà Phạm Thị Trinh sống hồn hậu, thanh bạch tại ngôi nhà nhỏ số 16, ngõ 315, phố Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội là một trong rất hiếm các bậc lão thành cách mạng đang hiện hữu và có tuổi Đảng cao nhất nước ta.
Bà trường thọ 99 tuổi ta, vẫn còn minh mẫn. Tôi vô cùng cảm kích khi nhớ lại lần mừng sinh nhật bà năm rồi vào ngày 8 tháng 3, bà bảo ban con cháu rằng, người ta ai cũng muốn sống lâu, sống lâu cũng là niềm hạnh phúc; nhưng đời người chỉ thật sự có ý nghĩa khi thời gian ảnh hưởng tốt đẹp đến cuộc sống của xã hội...
Cuộc đời hoạt động của bà gắn chặt và phản ánh sinh động cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng ta, nhân dân và phong trào phụ nữ Việt Nam trong suốt thế kỷ 20, có sức hấp dẫn như một thiên truyện truyền hình nhiều tập kỳ thú lạ thường.
Trò chuyện với bà, dù là thường dân hay nhà lãnh đạo, nhà trí thức, tướng lĩnh, nhà văn, nhà báo... nhất là cán bộ nữ và các bạn trẻ đều có thể nhận được những bài học có giá trị. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cũng đồng cảm như vậy khi trân trọng nói về bà.
Trong phạm vi hạn hẹp, bài báo này ghi lại một phần rất nhỏ, người viết chỉ mong sao cố gắng gửi đến bạn đọc một cách hết sức trung thực những nét lớn thật cao đẹp và vĩ đại của đời bà.
Bà sinh trưởng trong một gia đình nông dân có 10 anh chị em ở làng An Phú, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Bà là con út, nên thường gọi là Út Trinh, cô Một hoặc Một Trinh. Thời Pháp thuộc, nhà bà nghèo khổ đến cùng cực còn bị ghép tội "theo giặc", bị bắt bớ, giam cầm, đánh đập, tra tấn dã man vì cả gia đình đều tham gia các phong trào yêu nước, tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và ủng hộ Đảng Cộng sản. Bà mồ côi cha từ năm lên bảy, mù chữ, quanh năm chỉ biết mò cua bắt ốc, cấy mướn gặt thuê đỡ đần mẹ già.
Những năm 1928 - 1929, mới 14 -15 tuổi, các anh "Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội" không cho bà tham gia hội họp, đi biểu tình, chỉ biết nhờ Út Trinh canh gác, báo tin. Nghe các anh đọc chuyện cụ Phan Bội Châu hay quá mà mình mù chữ, bà tự ái, tự mày mò từng chữ a, b, c... giở sách ra tập ghép vần, chạy ra trường làng học lén, rồi biết đọc, biết viết khiến mọi người hết sức ngạc nhiên, thán phục, không tin đó là sự thật.
Sang Xuân 1930, cô Một tròn 16 tuổi. Một anh nhờ bà làm một việc nguy hiểm đến tính mạng, hỏi bà có sợ chết không? Út Trinh trả lời rắn rỏi: "Nếu chết vì nước vì dân, thì sợ gì chết". Vậy là, 3 đêm liền Út Trinh chui lủi rải truyền đơn khắp nơi, sáng ra, xóm làng ầm ầm náo động hẳn lên. Bọn hương lý và tay chân vô cùng hốt hoảng, cuống cuồng. Bà có sáng kiến đặt những xếp truyền đơn trên những chỗ khuất của mái đình làng. Mỗi lần gió thổi mạnh, truyền đơn bay liệng vung vãi khắp nơi. Bọn mật thám, tuần đinh canh phòng cẩn mật, lùng sục không tìm thấy người rải, không hiểu nguyên do, hết sức hoang mang, tức tối, còn bà con bị bắt tụ tập ở sân đình thì hởi lòng hởi dạ, rất khâm phục cộng sản.
Thấy Út Trinh thông minh, gan dạ phi thường, Tỉnh ủy bí mật móc nối và điều về đào luyện công tác tuyên truyền, bắt đầu cuộc đời hoạt động chính trị chuyên nghiệp.
Ban đầu, bà lo sợ không làm nổi không dám nhận nhiệm vụ. Nhưng, được sự động viên giúp đỡ tận tình, bà nhanh chóng làm thành thạo công việc in ấn tài liệu, qua đó càng đọc thông, viết thạo, nắm chắc được chủ trương, đường lối của Đảng, được phái đi diễn thuyết, vận động thành lập các tổ chức quần chúng cách mạng của Đảng. Đêm nay ở làng này, sáng sau đã lánh sang thôn xóm khác, được bà con hết lòng che chở, đùm bọc; địch truy lùng ráo riết nhưng không làm gì được Út Trinh. Cô Một còn dám cả gan "xuất quỷ nhập thần" diễn thuyết ban ngày giữa chợ đông người, rồi cải trang biến mất, khiến cho địch hoảng loạn, khiếp sợ.
Hưởng ứng chủ trương của Đảng, bà con ta hăng hái tham gia "Nông hội đỏ", "Tự vệ đỏ", "Phụ nữ cứu quốc"... đồng lòng bãi đồng, bãi chợ, bãi đò, làm cho địch thất thu thuế, thất thu tô, phải tăng tiền công cày, công cấy; địch vô cùng tức tối nhưng đành phải nhượng bộ.
Đặc biệt, tháng 11/1930, Út Trinh được giao và sẵn lòng nhận nhiệm vụ cầm cờ đi đầu chỉ huy cuộc biểu tình "Truy điệu Sơn Tịnh" nhằm phản đối địch đàn áp, bắn giết người trong các cuộc biểu tình lần trước, nâng cao uy thế của Đảng và tinh thần quật khởi của quần chúng ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Với gần 2.000 người gia nhập đoàn biểu tình, vũ trang đầy đủ gươm đao, giáo mác, đòn gánh, gậy gộc áp sát cổng huyện đường Sơn Tịnh, trống mõ thúc giục liên hồi, tiếng la hét phản đối vang dậy long trời, lở đất, tự vệ đỏ khống chế lính canh của địch, Út Trinh đã buộc tên tri huyện Nguyễn Bính không dám bỏ trốn, phải ra trực diện xin lỗi nhân dân. Hắn run sợ xin hứa sẽ "đệ trình" các yêu sách lên cấp trên và đổ hết tội cho quan thầy...
Sau thử thách và thắng lợi lịch sử này, Út Trinh được kết nạp vào Đảng ở tuổi tròn 16. Đồng bào, đồng chí rất tin tưởng, mến phục Út Trinh. Trong các đồng chí có ông Nguyễn Chánh tuy đồng tuổi nhưng có tầm hiểu biết khá sâu rộng, đã giúp đỡ bà học hỏi được rất nhiều điều.
Qua năm 1931, Xô Viết Nghệ Tĩnh thoái trào. Từ kinh nghiệm "Nghệ An đỏ", địch huy động cả lính lê dương khủng bố trắng cực kỳ tàn khốc ở huyện Sơn Tịnh và nhiều địa phương khác. Được bầu Bí thư Tổng ủy tổng Thượng, bà cùng các đồng chí trung kiên rút vào núi Hòn Dầu tiếp tục bám đất, bám dân khôi phục, củng cố tình hình cơ sở tan vỡ khắp nơi ở các xã vùng cao Tây Sơn Tịnh. Đây là thời gian vô cùng gian khổ, khó khăn đối với bà và với Đảng. Sống giữa rừng sâu chưa từng có dấu chân người, chỉ thấy toàn dấu chân thú dữ, phải làm chòi ngủ trên cây cao, gió mưa ướt như chuột lột, rét buốt thấu xương. Để tránh khói bay lên bị lộ, nhiều ngày phải ăn khoai khô, gạo sống, uống nước khe. Đói lạnh, sốt rét rừng hành hạ liên miên, sống nhờ vào các cơ sở trung kiên bí mật tiếp tế, bà càng thấm thía nghĩa Đảng, tình dân, càng bền gan chí chiến đấu.
Tháng 8/1931, do có kẻ phản bội chỉ điểm, bà bị vây bắt. Tri huyện Nguyễn Bính, án sát Nguyễn Đình Chi, tuần phủ Nguyễn Bá Trác, chánh mật thám Ly-véc-si-ê thay nhau dùng đủ mọi chiêu độc: Dụ dỗ, mua chuộc, treo ngược bà lên đánh đập, tra tấn man rợ nhưng đều vô hiệu. Bọn lính canh hết sức khâm phục Út Trinh đã thốt lên: "Ít thấy ai gan lì, cứng đầu quá trời như con nhỏ nầy, gầy ốm xanh xao, bị đánh đập, tra tấn máu me đầy người, chết đi sống lại, mà vẫn cười, đối đáp thiệt hay, khiến các "thầy" đều phải chào thua luôn...".
Có một sự kiện thật phi thường làm chấn động dư luận trong nước và cả nước Pháp. Tên Toàn quyền Đông Dương Pasquier cho tổ chức một cuộc thẩm vấn 2 nữ tù chính trị của Quảng Ngãi, báo chí được mời dự. Hắn không moi được điều gì ở chị Trần Thị Hiệp, Tỉnh ủy viên và là người cầm cờ chỉ huy cuộc biểu tình đầu tiên ở Quảng Ngãi. Ra khỏi phòng hỏi cung, chị Hiệp dặn Út Trinh: "Tên cáo già nầy vừa muốn "gài bẫy" lại vừa muốn thử trình độ chị em mình để nhạo báng uy tín của Đảng trước công luận, em cần bình tĩnh đối phó...".
Út Trinh hiên ngang, chững chạc bẻ gãy hết các câu thẩm vấn của Pasquier. Ví như Út Trinh trả lời:
- Vâng, tôi còn nhỏ tuổi, nhưng không nhỏ dại như ông nhầm tưởng. Xin lỗi ông, tôi chỉ duy nhất có một nước mẹ là Việt Nam, hoàn toàn không có một "mẫu quốc" nào khác, ngoài Việt Nam. Nước Pháp không phải là mẫu quốc của tôi và đồng bào tôi.
- Tôi không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng tôi và đồng bào tôi yêu quý Đảng Cộng sản Việt Nam, vì họ đấu tranh chính nghĩa, giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và đất nước tôi.
- Tôi yêu đất nước tôi. Tôi không muốn và cực lực phản đối đế quốc thực dân Pháp xâm lược, cai trị, nô dịch nhân dân, đất nước tôi. Điều đó cũng giống như trước kia người dân yêu nước của nước các ông đã đứng lên chiến đấu không cho quân Đức chiếm đóng, cai trị nước Pháp. Là người yêu nước, tôi không có tội gì khi chống lại kẻ xâm lược.
- Ông nói nhiều điều vô lý! Ông nghĩ xem, thực dân Pháp bóc lột nhân dân tôi đến tận xương tủy, còn tôi là đứa con gái chưa thành niên, đã bị các ông giam cầm, đánh đập, tra tấn dã man, vậy thử hỏi cái thứ văn minh mà ông rêu rao là văn minh theo kiểu gì? Ông bảo cộng sản không một tấc sắt trong tay, không có vũ khí làm sao thắng được ư? Chúng tôi có sức mạnh của lòng dân yêu nước, 20 triệu người cùng đồng lòng đứng lên thì không súng đạn tối tân nào của các ông có thể thắng chúng tôi...
- Tôi quả quyết với ông rằng, không có một sự "giả sử" nào hết như ông nêu lên. Nhất định cuối cùng chúng tôi sẽ thắng hoàn toàn. Và khi ấy, không riêng gì việc đối xử với người Pháp, với bất cứ nước nào, người ngoại quốc nào thật sự ủng hộ, thân thiện với chúng tôi, đều được bắt tay như người bạn, ai chống phá sẽ bị trục xuất, ai xâm lược sẽ bị trừng trị đích đáng...
Chánh mật thám Ly-véc-si-ê rất sõi tiếng Việt. Hắn dịch cho Toàn quyền Pasquier nghe rành rọt, đầy đủ. Pasquier như luôn bị dội những gáo nước bẩn đến bẽ mặt trước giới báo chí.
Tờ Tiếng Dân, đặc biệt là tờ Nhân Đạo của Pháp có 2 phóng viên dự cuộc thẩm vấn, trong bài phóng sự điều tra về tình hình cai trị thuộc địa và tù chính trị ở Đông Dương, đã tường thuật khá tỉ mỉ sự kiện này. Dư luận tiến bộ Pháp đánh giá rất cao Đảng Cộng sản và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, hết sức bất bình Chính phủ Pháp, dẫn đến một cuộc biểu tình lớn và tấn công tòa nhà Quốc hội Pháp, đòi trả độc lập cho Việt Nam...
Nhà lao Quảng Ngãi lúc này đã biến thành một địa ngục trần gian hòng dập tắt ngọn lửa cách mạng. Tù chính trị đã vào đây là không còn ngày về. Bà tự nhủ: "Khi nào chết hẵng hay. Còn sống là còn đấu tranh và phải học để không hoài phí tuổi thanh xuân". Chỉ cần lộ một mẩu giấy, cây bút, tờ báo là bị địch đánh đập tàn nhẫn và nhốt ngay vào nhà xí. Bằng cục gạch non viết trên sàn nhà, bà nhờ các chị có học vấn cao hơn dạy làm các phép toán, học văn phạm, học chính tả. Đầu hồi hai nhà lao nam nữ đối diện nhau có hai nhà xí có lỗ thoát hơi cách nhau không xa. Cứ "đến hẹn lại lên", nhờ bạn tù canh gác, ông Nguyễn Chánh đã giảng giải cho bà qua hai lỗ thoát hơi ấy về cách thức làm một bài văn, niêm luật thơ Đường, phúc đáp những câu hỏi về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, thời cuộc... Địa ngục trần gian đã thật sự trở thành trường học, trường đời cách mạng lớn nhất của bà và các đồng chí.
Nhờ có Mặt trận bình dân lên nắm chính quyền ở Pháp và nhà lao đấu tranh quyết liệt, các tù chính trị, ông Nguyễn Chánh và bà đều được tha về giam lỏng ở địa phương. Cùng chí hướng, cùng cảnh ngộ, từng sát cánh chiến đấu bên nhau, cảm phục và yêu quý nhau, ông bà đã kết hôn với nhau. Đây là mối duyên thiên định cho hai con người cần phải có nhau để làm nên nghiệp lớn cho đất nước.
Bà tranh thủ thời gian quí báu này để học văn hóa. Bà sinh dày hai con và ông được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư liên Tỉnh ủy Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên. Bà được giao nhiệm vụ dựng lều buôn bán lặt vặt làm địa điểm liên lạc của Đảng, kiếm tiền nuôi con, che giấu, giúp đỡ các đồng chí trong Nam, ngoài Bắc ra vào hoạt động, lui tới cần bảo bọc. Mỗi lần hai con lên cơn sốt run người, không có chăn đắp, bà ôm chặt hai con vào lòng, truyền hơi ấm của mình cho con lui cơn rét.
Phong trào cách mạng lại phục hồi và phát triển nhanh chóng. Địch ngày đêm theo dõi chặt ông bà. Mặt trận bình dân đổ, Nguyễn Chánh lập tức bị bắt đi đày biệt xứ từ năm 1939. Và năm 1941, bà cũng bị tống giam vào nhà lao Quảng Ngãi. Đoạn đường lúc này thật cay đắng đến tận cùng. Chồng bặt tin, hai con đói rét, nheo nhóc, mẹ già khổ nghèo, cơ cực, đất nước lầm than, bà làm thơ và sáng tác khá nhiều bài để nén mọi đau thương, nuôi chí phục thù, cứu nước.
Lần ở tù thứ hai này, có vài câu chuyện của bà cũng rất đỗi lạ kỳ.
Tên cai ngục ở đây khét tiếng độc ác, đánh đập bà và phụ nữ không hề chùn tay. Bà bày mưu và bàn với chị em phải trừng trị một trận đòn đích đáng thì nó mới nhượng bộ. Một hôm, nó xuất hiện trước cửa phòng giam định kiếm cớ hành hung. Thừa lúc sơ hở, bà và chị em bất ngờ kéo mạnh xô ngã nó trong phòng, xúm nhau đấm đá túi bụi đến thâm tím mặt mày, bò lê bò càng không đứng dậy nổi. Tù nhân các phòng tiếp ứng hô vang đả đảo ầm ầm. Nhà lao báo động. Quan Tây liền có mặt. Bà chất vấn phủ đầu ngay: "Thưa quan lớn, điều luật nào của Chính phủ Pháp cho phép anh ta vào đây giở trò sàm sỡ quấy rối tình dục phụ nữ?". Tên cai ngục chưa kịp phân bua, tên quan Tây đã gạt phắt: "Đã có quy định rồi, sao mày lại vào sâu trong phòng giam nữ tù? Thôi! Im đi! Giải tán ngay!".
Từ đó về sau, hễ thấy chị em siết chặt hàng ngũ nhìn nó chằm chằn là nó lảng đi nơi khác.
Cuối năm 1944, sau hơn 3 năm xa vắng, bé Tuyết Minh - con gái bà, nhớ mẹ quá, suốt ngày đòi bà ngoại cho đi thăm mẹ. Bà ngoại đành phải chiều lòng cháu. Gặp mẹ, con bé ôm khóc nức nở. Nhìn con ốm nhom, rách rưới, bà cũng không cầm được nước mắt. Hết giờ thăm hỏi, mặc lính canh giục, con bé ôm chặt mẹ quyết không chịu rời. Bà cũng định bụng phải nuôi con trong nhà lao. Bà kéo tuột con bé vào trong phòng giam. Không biết thủ từ lúc nào, bà rút con dao phay lăm lăm trước mặt, khiến tên lính gác không dám xông vào. Nhà lao buộc phải yêu cầu tuần phủ Nguyễn Bá Trác đến giải quyết. Sát khí đằng đằng, bà vung cao dao nói với Nguyễn Bá Trác: "Ông hiểu rõ hơn ai hết người cộng sản không bao giờ sợ chết. Đã vào đây lại càng không tiếc cái chết. Tôi sẵn sàng đổi mạng với ông phen này. Ông đã từng được ưu ái xuất dương tham gia phong trào Đông Du, nhưng trở về lại từ bỏ lý tưởng, làm tuần phủ cho Pháp. Vậy mà cách mạng chưa hỏi tội ông. Ông nghĩ xem, con ông ở nhà cao cửa rộng, ăn sung mặc sướng, còn con tôi mới 6 tuổi đói rách như thế này đây, nó ở đây ăn gạo mốc, cơm thiu, mắm thối hóa dòi, có hại gì cho ông? Dù sao, ông cũng là người trí thức, tôi hỏi thiệt, ở trong ông có còn chút lương tâm nào của con người không?".
Bà bước lên một bước, trông rất dữ tợn. Bất thình lình bị vạch mặt hoạt đầu phản bội, tuần phủ Nguyễn Bá Trác vội lùi ngay một bước, mặt tái mét. Có lẽ do sợ chết và đã nhận lệnh thuyên chuyển vào Quy Nhơn làm việc, hắn phán một câu xanh rờn với bầy tôi: "Thôi, cho con nhỏ ở với mẹ nó ít ngày nữa. Nếu cấp trên có đến kiểm tra, thì nhốt kín hai mẹ con nó vào nhà xí...".
Vậy là bé Tuyết Minh trở thành một tù nhân ngoại lệ đặc biệt, được bà và các đồng chí nuôi trong nhà lao, mang lại niềm vui ngày ngày cho mọi người.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Tù chính trị đồng lòng vùng lên đấu tranh dữ dội và được trả tự do. Bà và bé Tuyết Minh được ra tù. Thời cơ trực tiếp cách mạng đã bùng nổ, chỉ còn tính bằng ngày tháng.
Trong Đảng, bà được bầu làm Tỉnh ủy viên và công khai bên ngoài là Ủy viên Ủy ban Cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi. Bà gửi hai con cho bà ngoại và các cô chăm nuôi, ngày đêm dốc tâm trí vượt qua mạng lưới gián điệp, tai mắt của giặc Nhật, vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ lương thực, tài chính, thuốc men, rèn đúc vũ khí, bảo đảm hậu cần cho công cuộc Tổng khởi nghĩa.
Lúc này, ông Nguyễn Chánh là một tử tù nguy hiểm nhất đang bị biệt giam ở ngục tối nhà lao Thừa Phủ (Huế). Ông nói với các đồng chí: "Trước tình hình này, nhất định các đồng chí ở căng an trí Ba Tơ sẽ khởi nghĩa. Tôi phải trở về...".
Quả thật, đúng như nhận định của Nguyễn Chánh, 2 ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp, tức ngày 11/3/1945, đã nổ ra cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ nổi tiếng, do ông Phạm Kiệt (người anh ruột thứ 10 kề bà) lãnh đạo, chỉ huy, giành thắng lợi hoàn toàn. Phạm Kiệt lập tức sáng lập, làm Đội trưởng chỉ huy Đội Du kích Ba Tơ anh hùng, sẵn sàng đánh Nhật và chuẩn bị cho thời cơ đại sự mới.
Nguyễn Chánh tìm cách móc nối chị Hồng (người Huế) và chị Đính (em gái cụ Đào Duy Anh) ở nhà lao nữ, liên lạc nhờ ông Tôn Quang Phiệt và ông Phan Nghị Đệ (con trai cụ Phan Bội Châu) đấu tranh với Nhật và Chính phủ Trần Trọng Kim trả tự do cho tù chính trị. Được cơ sở bí mật che chở trở về Quảng Ngãi an toàn, Nguyễn Chánh được tăng cường làm chính trị viên Đội Du kích Ba Tơ kiêm Tổng chỉ huy Lực lượng vũ trang toàn tỉnh.
Ngày 12/8/1945, được tin cấp báo Nhật đầu hàng đồng minh, không chờ chỉ thị của Trung ương, chớp thời cơ thuận lợi, Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát lệnh Tổng khởi nghĩa lập tức vào ngày 14/8/1945. Trước buổi lễ xuất quân trang nghiêm, hùng thiêng sông núi, đầy xúc động lòng người, Ủy ban Cứu quốc tỉnh cử bà đại diện trao thanh gươm báu cho Đội Du kích Ba Tơ lên đường. Bà không ngờ người ra nhận thanh gươm thiêng lại là ông Nguyễn Chánh...
Cho đến tận bây giờ, đồng chí, bạn bè và những ai chứng kiến, biết sự kiện này đều mắc cười đến muốn bể bụng khi nhắc lại cổ tích đẹp đẽ, lãng mạn như tiểu thuyết: Bà Trinh đã trao gươm thiêng cho chồng xuất quân lên đường diệt giặc Nhật trừ gian, giành chính quyền về cho nhân dân...
9 năm kháng chiến chống Pháp, bà được cử làm Hội trưởng Phụ nữ tỉnh, rồi lên làm Hội trưởng Phụ nữ Liên khu 5. Bà sinh thêm 3 con. Công việc nặng nề, khó khăn gian khổ càng chồng chất. Thời gian này, ông Nguyễn Chánh được bầu Ủy viên Trung ương Đảng, làm Bí thư Liên khu ủy kiêm Chính ủy và Tư lệnh Liên khu 5. Việc nước, việc quân bề bộn, trăm sự gia đình đều cậy vào bà. Bà hiểu rõ hơn ai hết trọng trách của mình. Trải nghiệm bản thân và trường đời, bà luôn tâm niệm: "Phụ nữ là một lực lượng chiến đấu vô cùng hùng hậu, đạt hiệu quả hết sức to lớn".
Bà sắp xếp phân tán 5 con cho gia đình nội, ngoại nuôi nấng, đóng góp hết sức mình cho công cuộc giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ và nâng tầm phụ nữ lên. Thương con đói rách, khổ cực nhưng bà nén đau thương, đoàn kết cùng chị em các cấp hội đẩy mạnh phong trào "Phụ nữ đời sống mới". Bà lên rừng xuống biển, sâu sát cơ sở, động viên chị em xóa nạn mù chữ, hăng hái tăng gia sản xuất, tự túc phục vụ kháng chiến, nuôi dưỡng thương bệnh binh, thực hiện nam nữ bình quyền, tổ chức hàng vạn chị em đi dân công hỏa tuyến... Riêng bà, không bao giờ quên bao giờ quên tranh thủ học tập nâng cao trình độ văn hóa và kiến thức trên nhiều mặt của xã hội, nhằm đáp ứng được chức trách của bản thân. Phong trào "Phụ nữ đời sống mới" trong kháng chiến 9 năm ở vùng tự do Liên khu 5 có một bước chuyển biến sáng sủa và khá tốt đẹp. Chị em tràn đầy phấn khởi, tin tưởng vươn mình lên trong chế độ mới.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 được ký kết. Bà xin ở lại miền Nam tiếp tục cùng nhân dân chiến đấu. Xét thấy bà đang mang bầu đã hơn 3 tháng và xét lợi hại nhiều mặt, Khu ủy quyết định bà phải đi tập kết ra Bắc. Bà gạt nước mắt, chào tạm biệt bạn bè, người thân mà lòng đau như cắt, đi chuyến tàu biển của Ba Lan cuối tháng 11/1954 ra Bắc. Bà được điều động về công tác ở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tham gia Ủy viên Đảng đoàn, phụ trách Thường trực Ban Phụ vận. Lúc này, ông Nguyễn Chánh là Phó Tổng tham mưu Trưởng, đang ở miền Nam tiếp tục chỉ huy cuộc tập kết quân. Bà sắp xếp mọi việc gia đình.
Ở Thủ đô mới được 1 tháng, một hôm dự giao ban, bà nghe Nghệ An đang xảy ra nạn đói rất nghiêm trọng. Nghĩ mình đã có kinh nghiệm cứu đói ở miền biển Quảng Ngãi, bà xin đi cứu đói, may ra có giúp được gì chăng? Đang mang bầu tháng thứ 5, thuyết phục mãi, các chị lãnh đạo mới cho bà đi và giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn. Nạn đói ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc khủng khiếp và phức tạp hơn nhiều so với những gì bà được biết. Dân Xã Đoài đói đến 90%. Có những gia đình sắp chết cả nhà. Cả làng không tìm đâu ra một cọng rau má. Tàu há mồm của địch đậu ngấp nghé bờ biển phát loa hỗ trợ bọn phản động cưỡng bức bà con giáo dân di cư vào Nam. Bà chưa gặp tình huống này bao giờ.
Bà bàn với các anh ở Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và anh Tiếu - Bí thư Huyện ủy dùng ngay số gạo tiêu chuẩn của đoàn mang theo, nấu cháo cứu ngay những người sắp chết, nhờ đó không một ai bị chết. Bà khai hội nhân dân, đem tình yêu thương đồng bào của Bác Hồ nói chuyện, vay các nhà còn lương thực và hứa Chính phủ sẽ trả đầy đủ, tập trung cứu sống các gia đình sắp chết đói, vạch trần âm mưu của bọn phản động lừa bịp giáo dân, lập tức tìm ngay những mảnh ruộng tốt nhất trồng ngô, khoai, rau ngắn ngày, kịp thời cứu chữa, dập tắt dịch bệnh. Cả đoàn đều ăn cháo nhiều ngày. Bà sống trong một gia đình nông dân không còn một thứ gì bán để mua gạo, ăn cháo bằng số gạo bà mang theo, ngủ chung trong một ổ rơm, đắp chung chiếc chăn của bà, chấy rận lây qua áo len của bà, bụng con nào cũng đỏ đầy máu.
Sau 4 tháng vật lộn với tình hình phức tạp, vất vả chưa từng thấy, xã Nghi Diên đẩy lùi được nạn đói, dịch bệnh. Màu xanh trở lại dần với vườn tược, ruộng đồng. Bà con giáo dân trở lại cuộc sống bình yên. Buổi chia tay, bà con tập họp rất đông. Kẻ ở người đi lưu luyến, xúc động trào nước mắt. Bà con xem đoàn và bà như người thân yêu trong gia đình, rất mong có ngày gặp lại...
Rất nhạy cảm, về đến Hà Nội, bà xin được báo cáo ngay tình hình với các chị lãnh đạo. 5 ngày sau, lần đầu tiên trong đời bà được sinh trong bệnh viện cậu con út thứ sáu.
Sau cuộc cải cách ruộng đất, Bác Hồ và Trung ương Đảng huy động cán bộ có trình độ Tỉnh ủy viên trở lên đi sửa chữa triệt để những sai lầm nghiêm trọng đã xảy ra. Lần này, có ông ở nhà, cậu con út đã biết chạy, bà yên tâm và xin đi sửa sai, được cơ quan đồng ý. Bà được bổ sung vào Huyện ủy Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và làm cụm trưởng một cụm. Không tham gia công cuộc cải cách ruộng đất, không biết hết những sai lầm, nên việc sửa sai vốn đã rất phức tạp, càng thêm khó khăn với bà.
Để giải bài toán hóc búa này, bà nghĩ không cách nào tốt hơn là dựa hẳn vào nhân dân, cán bộ địa phương, lắng nghe kỹ mọi ý kiến và nguyện vọng chính đáng, nắm tình hình đúng sự thật, giải quyết vấn đề phải được sự đồng thuận vui vẻ của mọi người, lợi ích riêng chung phải thật hài hòa. Nhờ đó, một loạt vấn đề lớn rất khó xử như "lấy gần bù xa", "lấy tốt bù xấu", "xáo trộn cũ và mới nhưng không ảnh hưởng toàn bộ dây chuyền ruộng đất của thôn, xã", "phục hồi danh dự và đem lại sự công bằng cho những người bị oan sai", "đồng bào lương giáo sống đoàn kết, vui vẻ", "mang lại uy tín và sự vững mạnh của Đảng và chính quyền cơ sở"... đã có được đáp số khá đúng đắn, hợp tình hợp lý, thỏa đáng nguyện vọng của mọi người...
Sau 6 tháng "ba cùng" sửa sai đầy gian khổ, khó khăn, tình hình đã ổn định, bà được triệu tập về đi học khóa 1 Trường Nguyễn Ái Quốc. Tạm biệt huyện Lý Nhân, lòng bà bồi hồi xúc động và cảm phục nhân dân, đảng viên, cán bộ vùng chiêm trũng. Mấy trăm cán bộ đi sửa sai ăn uống, tắm giặt trong một cái ao lớn bọt váng nổi lềnh bềnh, nước bốc mùi hôi thối, hàng tuần phải đổ vôi xuống lọc nước, khử mùi, diệt khuẩn. Mùa mưa phải đi lại bằng đò, nhân dân ăn uống nước lụt lẫn cả phân người và xác súc vật chết. Cán bộ, nhân viên mang lều bạt, cơm gạo, con dấu lên đê trực lụt và làm việc suốt ngày đêm để phục vụ dân. Bà thầm mong có một ngày về thăm lại nơi đây sẽ là một vùng nông thôn mới tốt đẹp như mình hằng mơ ước.
Quả thật, trò chuyện với bà, ta sẽ cảm nhận được những niềm vui lớn đến bất ngờ nhưng cũng có những nỗi đau đến xé lòng. Cậu con thứ 5 sinh trong kháng chiến chống Pháp từ bị viêm tai giữa, dẫn đến tổn thương não, bị điếc và câm. Ngày ấy, cơ quan ở cách xa nơi gửi con hơn mấy trăm cây số, lại đang mùa chiến dịch bộn bề công việc, bà không thường xuyên về thăm con được. Đến khi phát hiện ra bệnh thì đã quá muộn. Từ đó về sau, dù đã tìm đủ cách nhưng vô phương cứu chữa. Bà luôn ân hận như mình thiếu trách nhiệm, gây cho con nông nỗi này.
Còn về ông, ông đột ngột qua đời quá sớm đầu thu 1957, khi mà cả ông và bà mới ở tuổi 43, con trai đầu lòng ở tuổi 20 và cậu con út mới hơn 2 tuổi. Ngày ấy, ông được giao trọng trách làm Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ - một tổng cục có tầm quan trọng đặc biệt đến sự nghiệp xây dựng quân đội. Ông mất đang độ tài năng phát triển, là một tổn thất lớn của Đảng, Nhà nước và quân đội. Sáu lần bà sinh con, ông đều không có mặt. Giờ đây, bà vừa làm mẹ vừa thay ông làm cha nuôi dạy các con. Nợ nước tình nhà trĩu nặng hai vai. Ai đã từng làm mẹ suốt hai cuộc chiến tranh cực kỳ gian khổ khó khăn, đã từng chứng kiến cảnh tượng Hà Nội sơ tán trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt hồi năm 1972, đã từng sống qua thời bao cấp... mới có thể hiểu hết những khổ đau của đời bà. Song, nhớ những lời tâm sự của ông khi còn sống, bà đã vượt lên tất cả và vượt lên chính mình để làm tròn nhiệm vụ của một đảng viên.
Bà dốc lòng học xong bậc trung học phổ thông "một năm ba lớp" của Trường Bổ túc Công nông Trung ương, hoàn thành chương trình lý luận khóa 1 của Trường Nguyễn Ái Quốc. Ở tuổi 55, người ta thấy bà vẫn nghiêm túc và tổ chức động viên chị em trong cơ quan dự đều đặn các lớp học "Chuyên đề cụ thể" về kinh tế, văn - sử - địa... do các giáo sư đầu ngành giảng dạy. Bà đã làm tròn nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa II và III của nước ta.
Bà đã nuôi dạy 5 con có trình độ đại học, trong đó cô bé Tuyết Minh ngày nào giờ là tiến sĩ khoa học, 4 người là sĩ quan cao cấp, trung cấp trong quân đội. Cậu con bị câm làm công nhân quốc phòng cũng rất sáng trí và hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, các con đã trưởng thành, bà trả lại ngôi biệt thự cùng với khuôn viên 2.000m2 vườn ở phố Lý Nam Đế cho Bộ Quốc phòng, tạo điều kiện ăn ở thuận lợi cho cán bộ về Bộ công tác. Bà về ở trong khu của Trung ương Hội theo tiêu chuẩn của mình.
Trong chiến tranh, bà thường trực cơ quan giải quyết công việc của Trung ương Hội, không gờm ngại địch đánh phá ác liệt Thủ đô, đạp xe vượt đạn bom giải quyết chu toàn việc sơ tán con em trong đơn vị, cùng các chị lãnh đạo Hội tổ chức, động viên phong trào "Phụ nữ ba đảm đang" luôn sôi nổi dâng cao, phục vụ tiền tuyến rất đắc lực và hiệu quả to lớn. Suốt đời bà luôn tâm niệm chiến đấu không mệt mỏi và làm hết sức mình cho sự tiến bộ của chị em phụ nữ.
Năm 1975, miền Nam quê hương hoàn toàn giải phóng, bà vô cùng mãn nguyện. Nghĩ mình đã ngoài 60, bà tâm sự với mọi người: "Làm cách mạng, phải có một lớp người trẻ thay thế, thì phong trào cách mạng mới phát triển". Bà xin nghỉ hưu, mặc dù các chị lãnh đạo mong bà công tác thêm một thời gian nữa.
Nhìn thấy trước nhiều khó khăn phía trước của đất nước, để thực hiện chủ định của mình trong tương lai, bà tạm biệt cuộc sống nội đô, ra lập vườn và sống trong ngôi nhà nhỏ hiện nay, từ đó đến tận bây giờ.
Có nhiều điều khá kỳ thú ngoài sức tưởng tượng của nhiều người trong thời gian bà nghỉ hưu. Từ 4 giờ sáng, bà đã dậy luyện tập y-ô-ga, tập dưỡng sinh, đẩy lùi căn bệnh suy tim đã có lần sắp kết liễu đời bà. Bà tăng gia sản xuất tiếp tế thường xuyên cho gia đình các con rau xanh, bầu bí, trứng gà và cả những con gà, vịt nặng 3 - 4 cân. Bà cung cấp cả heo giống cho bà con láng giềng và các bà bạn thân chăn nuôi, đỡ phần nào khó khăn cho đời sống. Bà tham gia Câu lạc bộ Thơ Sông Tô.
Không thể nào ngờ được, từ những buổi "thính giảng kỳ lạ" trong các nhà xí của tù ngục, bà được xếp riêng tên và giới thiệu với tư cách một tác giả trong tập 35 của Tổng tập Văn học Việt Nam cùng với những bài thơ hay tuyển chọn trong 400 bài thơ bà đã sáng tác.
Một lần nữa, bà làm cho nhiều đồng chí, bạn bè thân quen và nhiều người đọc ngạc nhiên, khâm phục khi đã ngoài bát tuần, trong vòng chỉ 5 năm, cho ra mắt 3 cuốn sách có giá trị. Năm 1995, bà tự tay viết cuốn hồi ký "Những chặng đường của người mẹ" do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. Với giọng văn vô cùng thật thà, chất phác kể lại một cách hết sức trung thực, giản dị cuộc đời hoạt động đầy gian lao, khổ hạnh của đời mình, mà ai đã có dịp đọc thì không thể nào cầm được nước mắt, rất đỗi xúc động và tự hào.
Kế đó, bà trực tiếp giúp ông Thân Hoạt - một đội viên Du kích Ba Tơ và nhà văn Nguyên Ngọc hiệu đính tư liệu, sắp xếp bài, biên soạn cuốn hồi ức dày 600 trang "Nguyễn Chánh - Con người và sự nghiệp" (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1997), được dư luận đông đảo đồng chí, bạn bè, người đọc cả nước hoan nghênh.
Nhận nhiệm vụ Trưởng ban Chỉ đạo, bà đã giúp bà Hoàng Mai, phu nhân Đại tướng Nguyễn Quyết biên soạn cuốn sử ký "Phụ nữ Nam Trung bộ (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1999), một công trình khoa học lịch sử quý giá.
Năm 2000, Nhà xuất bản Phụ nữ đã chọn bà là một trong 10 nhà văn nữ tiêu biểu nửa đầu thế kỷ XX.
Còn biết bao sự tích kỳ thú khác của bà không thể viết được nhiều. Từ một con bé quê mùa, mù chữ, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí nghị lực phi thường, không ngừng nỗ lực tự học, bà đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trí thức cách mạng, một cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng, một người mẹ bao dung, nhân hậu tuyệt vời của các con, một tấm gương sáng ngời của phụ nữ Việt Nam thế hệ Hồ Chí Minh: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Bà đã được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Rất nhiều người thấy bà rất xứng đáng được tặng danh hiệu Anh hùng, nhưng tiếc thay điều đó chưa trở thành hiện thực. Điều đó không quan trọng khi ta nghĩ về bà. Điều cao đẹp hơn nhiều, có giá trị nhất, đó là bà đã lưu lại cho đời nhân cách mẫu mực của một chiến sĩ cộng sản: Kiên trung, bất khuất trước kẻ thù, sống vì nước vì dân trên hết, sẵn sàng hy sinh thân mình cho lý tưởng vĩ đại của Đảng, không tham quyền cố vị, không tơ hào, đòi hỏi đặc ân, đặc lợi, tự lực, tự cường vượt mọi khó khăn, gian khổ đi lên bằng chính tim óc, đôi tay của mình, sống giản dị, trong sáng, chân thành, chan hòa với tất cả mọi người.
Và đó chính là bài học lớn nhất, đẹp đẽ nhất, gây ấn tượng sâu đậm không thể nào quên, khi tôi được trò chuyện với bà...
Xuân Nhâm Thìn, 2012
Đại tá Hồ Ngọc Sơn
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Văn Thanh
08:28 14/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh