Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học:

Cần phổ cập tiếng Anh từ đầu ra của các trường đại học

Công Thắng

Thứ hai, 14/10/2024 - 17:08

(Thanh tra) - Đất nước đang mở rộng hội nhập để phát triển, nhưng nguồn nhân lực đạt yêu cầu trình độ “công dân toàn cầu” của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân không thể phủ nhận, đó là trình độ và khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của lực lượng lao động còn rất hạn chế.

Trong hai năm qua, 4.000 học sinh tại Mù Cang Chải (Yên Bái) đã được học tiếng Anh thông chương trình iLINK của iSMART - Ảnh: VGP/LN

Một thực tế không thể phủ nhận, đó là việc đào tạo ngoại ngữ từ cấp phổ thông đến đại học trong hệ thống giáo dục của chúng ta chưa được thực hiện quyết liệt, chưa đúng yêu cầu là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển, bởi phần lớn sinh viên ra trường không đủ kiến thức ngoại ngữ để làm việc trong môi trường hội nhập của đất nước.

Tại hội nghị (sáng 21/9) giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn thuộc khu vực kinh tế tư nhân, bàn về những giải pháp để chung tay phát triển đất nước, một ý kiến trong những đề xuất của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là đề nghị Chính phủ tăng đào tạo, phổ cập tiếng Anh trong toàn xã hội. "Việc này không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu", ông Vượng nói.

Tốc độ hội nhập mạnh mẽ của đất nước với sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia đang diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng giao tiếp thông thạo với các đối tác nước ngoài. Việc này thể hiện rõ nhất là tất cả các thỏa thuận hợp tác quốc tế hay hợp đồng kinh tế trên toàn thế giới đa phần bằng tiếng Anh.

Để chuẩn bị cho tiến trình hội nhập đất nước, đã từ lâu việc trang bị kiến thức và trình độ ngoại ngữ đã được Đảng và nhà nước quan tâm, định hướng phát triển và chỉ đạo quyết liệt.

Nghị quyết Số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đã đặt ra yêu cầu rất rõ: “Dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học”.

Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 12/8/2024 về việc “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI” cũng chỉ rõ: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.

Tuy nhiên, việc thực hiện học ngoại ngữ của các địa phương, ở các trường thời gian qua không đạt yêu cầu, nhiều nơi không có vì thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất phục vụ học tiếng Anh.

Qua hội nghị ngày 21/9, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup đại diện cho các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam phát biểu rằng, các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho giáo viên lên vùng sâu vùng xa. "Đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu, vùng xa đến thành thị sẽ tạo 'cần câu cơm' tốt hơn cho trẻ, góp phần phát triển những nơi khó khăn này trong tương lai". Việc này thể hiện rằng, các doanh nghiệp lớn của nền kinh tế đất nước đã sẵn sàng chung tay cùng Chính phủ và ngành giáo dục, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW và Kết luận số 91-KL/TW, nhằm phục vụ tốt nhu cầu hội nhập kinh tế toàn cầu của đất nước.

Để thực hiện hóa việc phổ cập tiếng Anh cho học sinh, sinh viên nói riêng và toàn dân nói chung, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, vấn đề này rất cần sự chỉ đạo kịp thời và sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi nếu có đào tạo tiếng Anh tốt ở bậc Tiểu học và phổ thông mà buông lỏng ở bậc đại học, thì các em học sinh sau khi vào đại học sẽ không học tiếng Anh nữa. Việc này dẫn tới lãng phí công sức, tiền bạc của nhà nước và nhân dân, và quan trọng hơn là không đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 29 - Ban chấp hành Trung ương, và Kết luận 91 của Bộ Chính Trị đối với việc trang bị trình độ tiếng Anh cho nguồn nhân lực của đất nước.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: NTCC

Thực tiễn cho thấy, hiện nhiều trường đại học đào tạo sinh viên học ngoại ngữ vẫn thực hiện mang tính đối phó, lấy quyền tự chủ đại học ra để đối phó với quy định chuẩn đầu ra đại học cho sinh viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thiếu sự đồng nhất trong hệ thống giáo dục đại học. Có trường quy định đầu ra của sinh viên là chứng chỉ ngoại ngữ, trường thì quy định chứng nhận nội bộ của trường mình cấp cho sinh viên khi ra trường. Điều này dẫn đến hệ quả, sinh viên tốt nghiệp đại học, nhưng trình độ và kiến thức ngoại ngữ không đáp ứng được yêu cầu làm việc.

Từ thực tiễn nêu trên, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ đạo sát sao chuẩn đầu ra cho sinh viên trong hệ thống giáo dục đại học, thì chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu hội nhập, vì chúng ta sẽ không có được lực lượng lao động chất lượng cao như Thạc sĩ và Nghiên cứu sinh cho tương lai, do không có khả năng sử dụng ngôn ngữ (tiếng Anh) để tiếp cận với tài liệu và nghiên cứu quốc tế, cũng như giao tiếp trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và hợp tác nghiên cứu phát triển kinh tế.

Việc đầu tiên để hội nhập quốc tế như Nghị quyết 29 - Ban chấp hành Trung ương và Kết luận 91 của Bộ Chính Trị, đáp ứng được mong muốn của các doanh nghiệp Việt Nam và Quốc tế đầu tư tại Việt Nam, đó là việc chỉ đạo sát sao và nhanh chóng của Bộ GD&ĐT về chuẩn đầu ra của sinh viên. Việc này sẽ thúc đẩy định hướng của học sinh, đối với việc học ngoại ngữ ngay từ khi ngồi trên ghế phổ thông, nếu các em muốn học lên bậc học cao hơn là đại học và thạc sĩ, nghiên cứu sinh, cũng như để làm được công việc trong môi trường hội nhập quốc tế của quốc gia.

Làm tốt được việc này, ngành giáo dục nước nhà sẽ thực hiện được chỉ đạo của Nghị quyết 29 - Ban chấp hành Trung ương và Kết luận 91 của Bộ Chính Trị, cũng như mong muốn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đào tạo liên tục đối với việc học ngoại ngữ ở các bậc học cũng là việc làm thiết thực của ngành Giáo dục, đối với vấn đề chống lãng phí trong công tác đào tạo – là việc làm hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Chủ tịch nước Tô Lâm đối với vấn đề chống lãng phí, tiết kiệm được nhiều nguồn lực quốc gia trong công tác đào tạo nhân lực, phục vụ phát triển đất nước. Bởi vậy, xiết chặt việc phổ cập tiếng Anh từ đầu ra của các trường đại học là việc cần được làm ngay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm