Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bước tiến quan trọng về quyền con người và kiểm soát quyền lực

Thứ tư, 23/01/2013 - 14:42

(Thanh tra) - Sáng nay (23/1), Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Bảo đảm nhân dân thực hiện quyền lực của mình

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Biên tập Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo lần này nhấn mạnh các hình thức nhân dân thực hiện quyền lực của mình, thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, không chỉ qua cơ quan dân cử mà cả các cơ quan Nhà nước khác.

Một nội dung khác rất mới, quan trọng là phát huy nhân tố con người, đặc biệt nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân. Trong chương về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường... cũng có nhiều điểm sửa đổi về cách hiến định các thành phần kinh tế phù hợp với từng giai đoạn phát triển, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm công bằng, bảo đảm môi trường... quy định chặt chẽ, hài hòa, lược bỏ đi những quy định quá chi tiết trong Hiến pháp 1992.

Trong chương về bộ máy Nhà nước, có nhiều điểm sửa đổi bổ sung, xác định rõ hơn các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, mối quan hệ giữa các cơ quan, quy định về kiểm soát quyền lực Nhà nước.

“Chúng ta cũng thấy có điểm mới về cách thức hiến định đơn vị hành chính lãnh thổ và chính quyền địa phương, trong bối cảnh chúng ta tiến hành cải cách hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Đặc biệt, Dự thảo bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia”, ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Bổ sung ý kiến, ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Tổ trưởng Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 cho biết, Dự thảo có 11 chương với 124 điều, trong đó, giữ nguyên 12 điều, bổ sung, sửa đổi 101 điều, bổ sung 11 điều mới. Ngoài khẳng định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, thì khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực. Điểm mới ở đây là kiểm soát quyền lực, toàn bộ Dự thảo Hiến pháp tập trung thể hiện nội dung kiểm soát quyền lực

“Chúng ta thiết lập một số thiết chế hiến định độc lập, thực hiện kiểm soát quyền lực như Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Chúng ta khẳng định cơ quan nào làm gì, Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, Tòa án thực hiện quyền tư pháp, đó là cơ sở hiến định để thực hiện phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực”, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nói.

Mở ra hành lang pháp lý về quyền con người

Một điểm mới trong Dự thảo mà nhiều chuyên gia có chung nhận xét là đã khẳng định quyền con người trong hiến pháp và đưa chương về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” lên vị trí số 2 là bước tiến quan trọng trong lịch sử lập hiến nước ta.

Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhận định, quyền con người trong Dự thảo lần này đã nói rõ hơn quyền sống, bảo hộ tính mạng, sức khỏe, quyền được hiến mô, tạng, hiến xác, đây là điểm mới nhưng cũng phù hợp với thông  lệ quốc tế. Về quyền công dân, ngoài quyền tự do cư trú, đi lại, tự do tín ngưỡng còn có quyền lập hội, quyền biểu tình… Đây là những vấn đề mới, bước đầu đã được chúng ta triển khai và khi sửa đổi Hiến pháp thì sẽ có cơ sở triển khai mạnh mẽ hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Thế Liên cho biết, trước đây, quyền con người chúng ta cho là nhạy cảm và né tránh nhưng nay thì thấy đây là giá trị phổ biến của nhân loại, do đó, lần này chúng ta quy định quyền con người cũng không xa lạ, lấy từ những quyền trong công ước quốc tế mà chúng ta tham gia.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, chúng ta ghi nhận quyền công dân có ghi thêm công dân thực hiện quyền theo pháp luật, nhưng với hệ thống chính quyền của chúng ta hiện nay thì mỗi cấp đều có thể ban hành quy phạm pháp luật, vì vậy gây nguy cơ hạn chế việc thực hiện quyền công dân. Dự thảo sửa đổi quy định quyền con người, quyền công dân được bảo đảm bằng luật của Quốc hội quy định. “Chúng ta quy định những quyền này chỉ bị hạn chế thực thi trong một số trường hợp nhất định liên quan đến an ninh quốc phòng, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng… Tôi cho đấy là nhận thức mới trong cơ chế bảo đảm thực hiện hiện quyền con người của chúng ta”.

Không hạn chế người dân tham gia đóng góp ý kiến


Trả lời câu hỏi “làm sao để lấy ý kiến của người dân không phải là hình thức”, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định, nếu tổ chức hình thức, tập hợp, tổng hợp không đầy đủ, tiếp thu hình thức thì không đúng yêu cầu trong Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, cũng không đáp ứng yêu cầu của người dân. “Chúng ta thực hiện đúng như trong quy định thì không thể có chuyện người dân không thể góp ý vào Dự thảo”.

Theo ông Hoàng Thế Liên, lần sửa đổi này có một ý nghĩa lớn là tư duy về hiến pháp, xem đây là đạo luật cơ bản, tức là tất cả các quy định đều có giá trị pháp lý và buộc phải thực hiện. Khi người dân góp ý thì không nên nghĩ đây là việc của chuyên gia, mà đã là đạo luật gốc thì sẽ quyết định các quyết sách lớn của quốc gia, ai cũng có thể đóng góp. Còn từ chính sách đó được biến thành các điều luật thì là nhiệm vụ của các nhà làm luật.

“Tôi luôn tâm niệm đã là Hiến pháp, một văn bản rất quan trọng, thì phải rất chú trọng ý kiến của nhân dân, vì vậy phải làm thế nào để nhân dân đóng góp nhiều ý kiến và ý kiến đó có chất lượng nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải tập hợp để lắng nghe ý kiến nhân dân một cách đầy đủ. Đấy là trách nhiệm ghi rất rõ trong kế hoạch lấy ý kiến nhân dân”, ông Hoàng Thế Liên nhấn mạnh.

Tháng 5/2013, Ủy ban Sửa đổi Hiếp pháp phải trình Dự thảo Sửa đổi đã được tiếp thu ý kiến nhân dân trong 3 tháng qua ra Quốc hội thảo luận một lần nữa. Sau đó tiếp tục hoàn thiện. Trong thời gian từ 31/3 đến ngày Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, cuối năm 2013 thì cũng không hạn chế người dân tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến. Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp có trách nhiệm tiếp nhận đơn thư, ý kiến đóng góp.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, trong gần 1 tháng qua, thông qua trang duthaohienphaponline của Quốc hội, có 630 ý kiến đóng góp, tập trung vào chế độ chính trị, quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Cụ thể, có 209 ý kiến về chế độ chính trị, điều 4 về Đảng cũng có 5 ý kiến. Điều 13 nói về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh cũng rất được quan tâm với 26 ý kiến. Trong đó, rất nhiều ý kiến rất thú vị, cụ thể và rất đáng phải suy nghĩ.

Về quyền và nghĩa vụ của công dân, có 153 ý kiến. Ví dụ, với điều 21 về quyền sống, nội dung mới có nhiều ý kiến nhất với 22 ý kiến, chứng tỏ nhân dân rất quan tâm. Nhân dân rất ủng hộ những bổ sung như vậy trong bản Dự thảo Hiến pháp, phù hợp với các công ước quốc tế.

Ngoài ra, rất nhiều ý kiến bàn sở hữu đất đai trong chương về kinh tế. Rồi các điều về bộ máy Nhà nước, thành lập Hội đồng Hiến pháp hay Tòa án Hiến pháp. Như mọi nội dung của bản Dự thảo Hiến pháp đều nhận được ý kiến đóng góp của người dân. Theo thống kê, 97/127 điều đều được người dân tham gia đóng góp ý kiến.


Nguyễn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm