Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng GTVT giải trình trước Ủy ban Pháp luật

Thứ ba, 24/04/2012 - 20:02

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình các bộ, ngành, địa phương liên quan về nội dung “Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ-Thực trạng và giải pháp.”

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng phát biểu tại phiên giải trình. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chủ trì phiên giải trình với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Công an; Bộ Tài chính, cùng đại diện lãnh đạo Hà Nội,Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Báo cáo Thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nêu rõ vi phạm hành chính về giao thông đường bộ trong nhiều năm qua luôn là vấn đề bức xúc trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông đường bộ. Trong năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012, toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 8,3 triệu trường hợp vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 2.382 tỷ đồng.

Năm 2011 và hai tháng đầu năm 2012 cả nước đã xảy ra 49.518 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, làm chết 12.399 người, bị thương 54.192 người, so với cùng kỳ năm 2010 đã giảm về cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và bị thương. Tình hình ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua phân tích số liệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu thực trạng nhóm hành vi vi phạm bị phát hiện và xử lý nhiều nhất là vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, đây là những vi phạm do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Cùng với đó các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh, bình quân trên 15%/năm, vượt khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông; tốc độ phát triển và chất lượng vận tải hành khách công cộng chưa cao, chưa thuận lợi, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại ở các đô thị.

Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính tuy đã phát huy được hiệu lực, hiệu quả nhưng còn nhiều bất cập cần điều chỉnh cho phù hợp thực tế.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nêu lên các giải pháp khắc phục của Bộ Giao thông Vận tải bao gồm xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm tính đồng bộ với các chế tài mạnh, đủ tính răn đe và khả thi; phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến an toàn giao thông đường bộ, xử phạt vi phạm hành chính; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe…

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Luật Xử lý vi phạm hành chính cần quy định đầy đủ các chức danh đã được quy định trong các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt chú ý đến các chức danh từ cơ sở vì đây là lực lượng chủ yếu phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính; đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ (200 triệu đồng)...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển và nhiều đại biểu khác đề nghị cho biết, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải trong việc để xảy ra tình trạng số lượng người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, số vụ tai nạn, người chết, bị thương còn quá lớn.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong ba năm qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, tai nạn giao thông đã giảm trên cả ba mặt, cả về số vụ, số người chết và người bị thương.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định và tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Nguyên nhân do ý thức của người dân chưa cao, bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước và cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Bộ giao thông Vận tải đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình nhằm tiếp tục giảm thiểu tai nạn giao thông; xây dựng triển khai đề án nâng cao trách nhiệm và năng lực nghiệp vụ của cán bộ, công chức ngành giao thông trong khi thực thi nhiệm vụ, góp phần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị làm rõ việc chậm tiến độ tại hầu hết các công trình giao thông và công tác thu phí, lập Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, công trình giao thông chậm tiến độ không chỉ là bức xúc của người dân mà là bức xúc của cả ngành giao thông. Bộ đã xây dựng đề án nhằm tăng cường sự quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân đối với tiến độ và chất lượng các công trình giao thông đồng thời triển khai đề án nhằm nâng cao chất lượng quản lý công trình, quản lý nhà thầu và thay thế các Ban quản lý dự án không đáp ứng nhu cầu.

Về việc thu phí và lập Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc thu phí và lập quỹ nhằm bảo đảm nguồn thu để duy tu, sửa chữa đường bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Điều này phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật.

Liên quan đến tình trạng chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe còn nhiều bất cập dẫn đến học giả, bằng thật như đề cập của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng đề án nâng cao chất lượng đào tạo và thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Sắp tới ngành giao thông sẽ thực hiện một số giải pháp, không để xảy ra tình trạng làm giả bằng lái xe. Về xử lý xe ôtô vi phạm chở quá tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng các trạm cân hiện đại trên các tuyến quốc lộ nhằm kiểm tra, xử lý xe vi phạm.

Xung quanh đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải liên quan về việc nâng cao mức xử phạt đối với người vi phạm an toàn giao thông, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền và một số ý kiến cho rằng nâng mức phạt tiền không phải là giải pháp tối ưu và không phải là giải pháp căn cơ nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Thực tế hiện nay, đã có đủ các chế tài xử phạt và quá nhiều lực lượng có quyền tham gia xử phạt như cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông.... nhưng tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.

Tại phiên giải trình, đại diện Bộ Công an, Bộ Tài chính đã báo cáo phân tích những hạn chế, vướng mắc và đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những bất cập trong thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng tham gia giải trình, làm rõ tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải tại địa phương mình.

(Theo TTXVN)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm