Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xuất khẩu lao động về đích sớm

Phương Anh

Thứ sáu, 21/10/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Sau 2 năm “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) dần hồi phục. Cùng với các chính sách hỗ trợ, thị trường XKLĐ đã lấy lại đà tăng trưởng và về đích sớm. Trong đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản là nơi thu hút lượng lớn lao động Việt Nam.

Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản là những thị trường thu hút lượng lớn lao động Việt Nam. Ảnh minh hoạ: Internet

Thống kê mới nhất của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, tính riêng tháng 9/2022, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 8.180 người. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động. Trong khi đó, chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022 là đưa 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Như vậy, XKLĐ năm 2022 của Việt Nam đã về đích sớm và vượt chỉ tiêu đề ra. Nhật Bản dẫn đầu về tiếp nhận số lượng lao động Việt Nam, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore…

Đây là thành quả của cả quá trình vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc kịp thời nắm bắt các thông tin kiểm soát dịch bệnh, chính sách, quy định mới của các nước tiếp nhận lao động Việt Nam đã giúp cho hoạt động liên quan đến XKLĐ gần như phục hồi rất nhanh.

Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng lao động của các thị trường nước ngoài, trong đó có các thị trường truyền thống đã và đang tăng nhanh là yếu tố thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh công tác XKLĐ.

Thị trường các nước châu Âu mở lại từ năm 2021, Hàn Quốc mở lại từ tháng 5/2021, Đài Loan (Trung Quốc) mở lại từ ngày 15/2/2022, Nhật Bản mở lại từ tháng 3/2022 và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện, quy định phù hợp.

Với thị trường Nhật Bản, Bộ LĐTB&XH đánh giá là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc. Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây cũng là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích.

Thị trường Hàn Quốc cũng đang mở thêm những cánh cửa việc làm đối với lao động có kỹ năng của Việt Nam. Thực hiện Chương trình Hợp tác lao động kỹ thuật (E-7) giữa Việt Nam và Hàn Quốc, cơ quan chức năng của hai nước đang thúc đẩy hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực đóng tàu.

Theo Bộ LĐTB&XH, thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã mở rộng được lên tới 25 thị trường; đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tạo việc làm cho khoảng từ 7 - 10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm. Hiện nay, có trên 600.000 người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 tỷ USD/năm…

Cùng với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, các quốc gia trên thế giới đang có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài. Đây được xem là cơ hội để thị trường XKLĐ ở Việt Nam bứt tốc trong những tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bộ LĐTB&XH cho biết, trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động theo thỏa thuận đã ký với các nước tiếp nhận lao động; các biện pháp ổn định và phát triển thị trường truyền thống; đàm phán với phía Hàn Quốc để ký kết biên bản ghi nhớ phái cử và tiếp nhận người lao động đi làm việc theo Chương trình EPS; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Algeria, Kuwait.

Theo các chuyên gia, ngoài việc giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động, lượng kiều hối do người đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước đã góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, giúp được rất nhiều gia đình thoát nghèo, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Tuy nhiên, về lâu dài, cần thay đổi mạnh mẽ cả nhận thức và kỹ năng nghề của người lao động.

Thống kê cho thấy, hiện 90% người đi làm việc ngoài nước chủ yếu là nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Tỉ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia không quá 10%. Các chuyên gia XKLĐ cho rằng, bên cạnh việc tăng số lượng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngành LĐTB&XH cần có các giải pháp nâng cao chất lượng lao động, tận dụng nguồn nhân lực hậu XKLĐ.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian tới, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc hơn. Bộ LĐTB&XH sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động. Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa đi nước ngoài làm việc nhằm học tập kinh nghiệm, sau này trở về phục vụ đất nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm