Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trọng Tài
Chủ nhật, 30/01/2022 - 13:47
(Thanh tra)- Mùa Xuân về, trên rẻo cao Bình Liêu, hòa trong tiếng then, đàn tính dập dìu khúc nhạc Xuân là tiếng cười nói trong veo của bọn trẻ đang vui đùa trên con đường bê tông, uốn lượn giữa những cánh rừng hồi, rừng quế ngút ngàn.
Bản văn hóa người Tày Đồng Thanh, Bình Liêu. Ảnh: Hùng Sơn
Những con đường bê tông chạy dài, tít tắp đã góp phần hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối 104 thôn, bản ở huyện miền núi biên giới Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, làm thay đổi diện mạo bản làng, mang lại cho đồng bào nơi đây cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn.
Đổi thay bản làng…
Đã nhiều năm trôi qua, huyện Bình Liêu vẫn được xem là vùng “lõi nghèo” của tỉnh, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất cả nước, chiếm 96,02% dân số. Toàn huyện có 8 xã, thị trấn thì có đến 6 xã đặc biệt khó khăn. Hệ thống các công trình giao thông kết nối 104 thôn, bản huyện Bình Liêu được triển khai từ năm 2016, với tổng chiều dài hơn 250km.
Tết năm nay, với đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu, niềm vui như được nhân đôi khi hệ thống các công trình giao thông kết nối đã được hoàn thiện trọn vẹn, bản làng có thêm nhiều tuyến đường được bê tông hóa sạch, đẹp. Ở nhiều nơi, nhờ có đường mới, những ngôi nhà sàn, nhà tranh cũ, xiêu vẹo giờ đã được thay thế bằng nhà cấp bốn, ngói đỏ khang trang nổi bật giữa màu xanh của núi rừng; ô tô đã vào được tận trong thôn bản, trẻ con hào hứng đạp xe bon bon trên những con đường rực rỡ sắc Xuân.
Trong câu chuyện về sự đổi thay của vùng quê nghèo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Húc Động La Ngọc Dương cho biết, Húc Động vốn là địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn của huyện Bình Liêu. Nhờ được sự quan tâm của các cấp, hơn 70km các tuyến đường nội thôn, liên thôn trên địa bàn đã được đầu tư nâng cấp, mở mới; các đường trục thôn, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng, trục xã đã được bê tông hóa, nhựa hóa, tạo thuận lợi cho bà con giao thương với các xã trong, ngoài huyện. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, tạo diện mạo mới cho địa phương.
Hợp tác xã Phát triển Đình Trung, thôn Nà Ếch là một trong những cơ sở sản xuất miến dong dẫn đầu sản lượng của xã Húc Động. Trong khuôn viên rộng chừng 500m2 với khoảng 20 công nhân là người Sán Chỉ đang miệt mài bên dây chuyền sản xuất được đầu tư khá bài bản, anh La A Nồng, Giám đốc Hợp tác xã hồ hởi khoe: “Cơ sở đang phấn đấu sản xuất khoảng 20 tấn miến dong phục vụ nhu cầu cho nhân dân dịp Tết. Năm nay, nhờ đường sá thông thoáng, thuận lợi nên giá thu mua củ cho bà con cao hơn năm ngoái. Trung bình sau mỗi vụ dong riềng, mỗi hộ thu được từ 60 - 80 triệu đồng. Bà con trong xã phấn khởi vì thu nhập năm nay tốt hơn nhiều”.
Nhờ giao thông thuận lợi, miến làm ra đến đâu, bán hết đến đấy. Đường bê tông thênh thang, không chỉ giúp bà con dễ dàng vận chuyển nông sản, mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu mà còn góp phần đưa sản phẩm miến dong Bình Liêu đến được các siêu thị và người tiêu dùng. “Năm nay bà con vui lắm vì không chỉ được mùa dong riềng mà còn được cả mùa hồi, quế. Thôn bản bây giờ đã có nhiều nhà đẹp, có rất nhiều xe máy, có nhà đã mua được ô tô, Tết năm nay chắc chắn bà con ăn Tết vui tươi, no ấm hơn rồi!” - anh Nồng chia sẻ thêm.
Không chỉ riêng các thôn bản khó khăn của xã Húc Động, Tết năm nay, bà con thôn Cao Sơn (xã Hoành Mô) cũng vui, phấn khởi hơn nhiều. Anh Chìu Quay Nàm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cao Sơn tâm sự, Cao Sơn là một trong những thôn khó khăn nhất và xa nhất với trung tâm xã của huyện Bình Liêu. Những năm trước, 34 hộ dân của thôn chỉ có một con đường đất độc đạo, đi lại rất khó khăn, nhờ chủ trương của Đảng, của Nhà nước, hơn 10km đường bê tông liên thôn đã được hoàn thành.
Những con đường mòn, bùn lầy khó đi trước kia, nay đã được mở rộng, bê tông hóa sạch, đẹp. Bao đời nay, người dân ở đây chưa bao giờ nghĩ sẽ có một con đường như thế. “Ngày xưa, không có đường, bà con lên rừng đi nhặt hồi, bóc vỏ quế phải đi bộ, thu hoạch xong phải gánh trên vai rất vất vả; giờ đi lại khác rồi, thuận tiện, sung sướng lắm, xe máy lên tận nơi, lại có người đến tận cửa rừng thu mua; nhờ vậy, hồi, quế cũng được giá hơn, đời sống ổn định hơn trước, bà con chúng tôi mừng lắm” - Trưởng thôn Chìu Quay Nàm hồ hởi khoe.
Cũng giống như Húc Động, Hoành Mô, xã Đồng Văn trước đây vốn được xem là vùng “rốn” nghèo của huyện Bình Liêu. Trong trí nhớ của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn Mạ Dì Sơn, những năm trước, việc đi lại, giao thương của người dân trong xã rất khó khăn, từ bản xa nhất, bà con phải đi bộ mất khoảng 3 giờ đồng hồ mới ra đến trung tâm xã. Nhờ hệ thống đường giao thông kết nối thôn bản, Đồng Văn hôm nay như được “lột xác”. Đời sống nhân dân đã có nhiều thay đổi, nhà tầng, nhà mái bằng mọc lên nhiều hơn. Việc giao thương, vận chuyển nông, lâm sản phục vụ phát triển kinh tế thuận tiện; trẻ em đến trường, bà con đi lại khám chữa bệnh, giải quyết thủ tục hành chính cũng trở nên dễ dàng và quan trọng hơn cả là đồng bào từ những bản làng xa xôi như Phạt Chỉ, Cẩm Hắc, Khe Tiền… vẫn có thể xuống chợ phiên sắm Tết, giao lưu văn hóa với các dân tộc khác mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Con đường của ý Đảng, lòng dân
Những năm gần đây, nhờ hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện và các định hướng, chính sách phù hợp đã giúp đánh thức "sơn nữ vùng Đông Bắc". Người Bình Liêu hôm nay không chỉ biết trồng hồi, quế, sở mà còn sản xuất sản phẩm OCOP chất lượng cao, làm du lịch cộng đồng.
Để đảm bảo phát triển sản xuất gắn với du lịch, cùng với phát huy vai trò của tuyến đường giao thông kết nối, Bình Liêu đang tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến đường giao thông, hoàn thành các tuyến đường tuần tra biên giới, đường lên các cột mốc có cảnh quan đẹp phục vụ du khách đến thăm và tạo việc làm cho bà con tại địa bàn.
Đường giao thông thuận lợi, đồng bào các dân tộc huyện miền núi, biên giới Bình Liêu đã nỗ lực vượt khó, đem lại những cơ hội đổi thay tích cực. Cũng nhờ đó, góp phần giúp Bình Liêu hoàn thành Chương trình 135, Đề án 196, thu nhập bình quân người dân đạt trên 33 triệu đồng/người/năm, tăng 17 triệu đồng so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 44,31% (năm 2016) xuống chỉ còn 1,31% (năm 2021). Đến nay, huyện đã hoàn thành 17/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đã có 6 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân ở các thôn bản đã hồ hởi đóng góp kinh phí hỗ trợ, trực tiếp tham gia vào việc làm đường, hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối. Đã có hàng trăm hộ dân, tự nguyện hiến hàng trăm nghìn m2 đất, hàng nghìn cây trồng có giá trị kinh tế để tạo mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng giao thông. Từ đó, tạo thành phong trào mạnh mẽ, nhà nhà, người người chung sức đồng lòng với Nhà nước làm đổi thay diện mạo nông thôn, đem đến những thay đổi tích cực, tươi sáng.
Chia sẻ ý nghĩa to lớn của hệ thống giao thông kết nối 104 thôn, bản đối với sự phát triển của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh đánh giá, công trình này đã minh chứng cho sức mạnh tổng hợp, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cán bộ, Đảng viên và bà con nhân dân đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu. Đây là công trình có tính nhân văn sâu sắc; khẳng định và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Với địa phương miền núi biên giới, địa hình phức tạp như Bình Liêu, giao thông đồng bộ, thuận lợi, không chỉ tạo động lực cho chính người dân tự lực vươn lên thoát nghèo, mà còn là điều kiện quan trọng thu hút đầu tư, phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp, gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
“Nhờ “sợi dây” kết nối 104 thôn, bản, diện mạo của huyện đã thay đổi nhanh chóng; nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã trực tiếp được hỗ trợ về sinh kế, cải tạo sản xuất, gia tăng thu nhập. Những năm trước, việc lo Tết cho người nghèo cũng là một gánh nặng không nhỏ đối với các xã đặc biệt khó khăn. Năm nay, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, bà con không còn tâm lý trông chờ vào quà, gạo hỗ trợ ăn Tết của chính quyền nữa” - Chủ tịch huyện Bình Liêu tâm sự.
Hoa đào nở rộ ven đường, những cung đường như dẫn lối Xuân tới các bản, làng, đem đến niềm vui hân hoan cho đồng bào các dân tộc vùng cao nơi đây. Các chàng trai, cô gái lại í ới gọi nhau trẩy hội Soóng cọ, xem phụ nữ Sán Chỉ mặc váy đá bóng, nghe tiếng then, đàn tính dập dìu khúc nhạc Xuân…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương