Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trọng Tài
Thứ tư, 07/02/2024 - 06:30
(Thanh tra)- Khi những làn gió Xuân tràn ngập, những nụ đào đá ở khắp các sườn đồi, chân núi khoe sắc, tô điểm thêm cho bản làng, cũng là thời điểm bà con Sán Chỉ ở Quảng Ninh đón Tết…
Giờ đây, những mái nhà tranh, vách đất đã được thay bằng những ngôi nhà khang trang nổi bật giữa ngút ngàn màu xanh của núi rừng. Ảnh: CTV
Độc đáo nét Xuân
Người Sán Chỉ ở Quảng Ninh hiện chiếm khoảng 12% dân số toàn tỉnh, sống tập trung nhiều nhất ở xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) và một số xã của huyện Bình Liêu như Lục Hồn, Húc Động.
Tết Nguyên đán được người Sán Chỉ coi trọng nhất trong năm. Thời gian ăn Tết của người Sán Chỉ kéo dài từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Từ 27 tháng Chạp, các gia đình đã bắt đầu gói bánh chưng để chuẩn bị đón Tết; bánh chưng của người Sán Chỉ tròn, dài, nhân thịt và đỗ xanh, có điểm thêm chút lá cơm lông để nhân bánh có màu đỏ, hàm ý may mắn vào dịp Tết.
Với đồng bào dân tộc Sán Chỉ, ngày 30 Tết là ngày quan trọng và đặc biệt nhất trong năm. Vào ngày này, bàn thờ tổ tiên được lau chùi sạch sẽ, dán giấy đỏ lên bàn thờ, cổng, cửa ra vào và các vật dụng trong nhà. Theo quan niệm của người Sán Chỉ, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành, sung túc, mùa màng bội thu; cùng với đó, còn mang ý nghĩa tâm linh là xua đuổi ma quỷ, thú dữ, sâu bọ.
Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng với đồng bào dân tộc Sán Chỉ chính là bắt đầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc. Họ cũng chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên trong ngày cuối cùng của năm cũ. Đêm 30 Tết, chủ nhà lấy giấy đỏ, vàng cắt hình con cá, cùng nhau ngân nga bài hát “Slạn nin cọ” (bài hát chúc mừng năm mới của người Sán Chỉ), chờ đến giây phút giao thừa.
Mùng 1 Tết, chủ nhà hỏi thầy mo hướng xuất hành đầu năm rồi chặt một cây tre cao khoảng 2m, để nguyên cả cành lá cắm vào hướng đó trước sân. Cũng trong ngày đầu tiên của năm mới, mọi người dậy sớm nấu cơm, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sửa soạn bàn thờ mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình. Sau khi hoàn thành nghi lễ thắp hương cúng tổ tiên và cầu phúc, gia đình quây quần bên mâm cơm Tết, vừa ăn uống, vừa chúc tụng nhau một năm mới đủ đầy, ấm no.
Theo ông Trần A Chiu, dân tộc Sán Chỉ, thôn Khe Lặc, xã Đại Dực, trong những ngày Tết, ẩm thực của người Sán Chỉ chủ yếu là các món từ thịt gà, thịt lợn, bánh chưng, bánh dày. Sáng mùng 1 Tết, người Sán Chỉ thường chọn nhờ người đàn ông đứng tuổi, hợp mệnh để xông nhà trước, rồi mọi người mới đến nhà nhau. Khách, chủ thường chúc nhau một năm mới mạnh khoẻ, làm ăn gặp nhiều may mắn.
Người Sán Chỉ kiêng ăn thịt mỡ, kiêng quét nhà, kiêng đi nương rẫy vào mùng 1. Các gia đình chọn ăn Tết mùng 1 bên nhà nội, mùng 2 nhà ngoại, mùng 3 làm lễ khai Xuân đốt cành tre, con cá được cắm từ mấy hôm trước và gõ kẻng, gõ trống để xua đuổi những điều không may, bệnh tật ra khỏi nhà. Họ khai Xuân bằng tục lệ mời tất cả các nhà trong xóm tập trung giúp một nhà trồng ngô vào buổi sáng. Đầu buổi chiều, chủ nhà mời tất cả mọi người bữa ăn đầu năm, múa hát đến khi mặt trời lặn.
Trong tháng Giêng, người Sán Chỉ còn tổ chức nghi lễ cúng cầu may. Địa điểm chọn là một nơi có gốc cây to, xung quanh bằng phẳng. Mỗi gia đình trong bản có trách nhiệm góp lễ vật để tổ chức. Lễ vật của mỗi gia đình không quy định cụ thể, đó có thể là miếng thịt, đĩa cá, con gà, xôi, rượu, cùng với giấy vàng, hương.
Thầy mo thực hiện các nghi thức báo cáo thổ địa, thần linh, cầu xin thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, đồng thời, cầu mong sự bình yên và may mắn cho bản làng, cho gia đình và cho những người tham dự. Sau khi kết thúc, mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ, hát những khúc soóng cọ truyền thống đến quá buổi trưa.
Từ mùng 3 Tết, đồng bào Sán Chỉ cùng nhau tổ chức hội Xuân. Bà con tụ tập chơi kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh cù, ném còn... Đặc biệt, người Sán Chỉ thích hát soóng cọ giao duyên vào những ngày Xuân. Các bản hát đối với nhau, hát nhóm nam nữ, nội dung của các bài hát để chúc Tết hoặc ngợi ca tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước, lao động. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên từ các buổi đi hát như thế này…
Đổi thay bản làng
Trong câu chuyện kể về bà con đồng bào dân tộc Sán Chỉ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Dực Nình Móc Mộc tâm sự, Đại Dực là xã miền núi, vùng cao, cách trung tâm huyện Tiên Yên khoảng 23km; xã có 7 thôn, 636 hộ với 2.904 nhân khẩu; dân tộc thiểu số chiếm đến 99%, trong đó, người Sán Chỉ chiếm gần 90%.
Một thời, nhắc đến Đại Dực, người ta thường nghĩ đến hình ảnh của một xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tiên Yên. Trước năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 17,7%, cận nghèo còn 21,11%; giao thông đi lại khó khăn, đời sống nhân dân lạc hậu. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư các công trình phúc lợi, đến nay, tất cả trục đường chính của xã và các thôn đều đã được bê tông hóa, tạo điều kiện đi lại thuận tiện và phát triển kinh tế.
Nhờ đó, cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số cũng dần khấm khá, có của ăn, của để; thu nhập bình quân đầu người đạt 67,7 triệu đồng/người/năm; năm 2019, xã về đích nông thôn mới. Đến nay, Đại Dực không còn hộ nghèo; hộ cận nghèo còn 1,26% theo tiêu chí của Trung ương.
Người Sán Chỉ ngày nay, ngoài giỏi nghề canh nông, trồng rừng, bà con còn rất nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình kinh tế ở các vùng dân tộc ít người của Quảng Ninh được người Sán Chỉ đi đầu, làm mô hình điểm. Giờ đây, những mái nhà tranh, vách đất “phủ” màu thời gian, nằm nép mình bên những sườn đồi đã được thay bằng những ngôi nhà mái bằng đủ sắc màu, mái đỏ nằm chen chúc nhau nổi bật giữa ngút ngàn màu xanh của núi rừng, cùng nhiều công trình cơ sở hạ tầng khang trang.
Khe Lặc là thôn có đồng bào dân tộc Sán Chỉ sinh sống nhiều nhất ở xã Đại Dực. Không giấu nổi vui mừng về sự đổi thay của bà con trong thôn, Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Khe Lặc Nình A Mả hồ hởi khoe, toàn thôn có 144 hộ với 670 nhân khẩu; 100% dân trong thôn đều là người đồng bào dân tộc Sán Chỉ.
Những năm gần đây, để xoá nghèo và vươn lên làm giầu chính đáng, thôn đã tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất; tập trung chăm sóc rừng thông lấy nhựa, cây quế và cây dong riềng để nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhờ vào lao động, nhiều gia đình đã thoát được cảnh nghèo khó, cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn; nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên, bà con sắm sửa các đồ dùng sinh hoạt hiện đại…
Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, làm thay đổi diện mạo bản làng, bà con dân tộc Sán Chỉ nơi đây còn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu của cha ông để lại.
Trong đời sống tâm linh của người Sán Chỉ, đồng bào rất coi trọng các lễ cúng, các vật tổ, với quan niệm các vị thần luôn bảo trợ, che chở họ mọi lúc, mọi nơi. Người Sán Chỉ không có chữ viết riêng mà sử dụng hệ thống bộ chữ Hán, phần biểu nghĩa, phần biểu âm ghép lại thành chữ nôm Sán Chỉ, giống như chữ Hán Nôm người Kinh để ghi chép các bộ sách cúng, sách dạy học, các tập sách hát soóng cọ.
Trang phục của người Sán Chỉ do những bàn tay khéo léo của phụ nữ Sán Chỉ làm ra; đơn giản, mộc mạc, không rực rỡ, cầu kỳ như trang phục của những dân tộc khác nhưng vẫn toát lên nét độc đáo riêng, thể hiện bàn tay cần cù, mỹ cảm tinh tế của người phụ nữ Sán Chỉ. Khi mặc trang phục truyền thống, phụ nữ Sán Chỉ phải vấn tóc, đội khăn màu xanh và kèm theo các đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay bằng bạc; trang phục nam mộc mạc hơn nhưng vẫn thể hiện sự khoẻ khoắn của người đàn ông Sán Chỉ…
Ngày nay, người Sán Chỉ ở Đại Dực vẫn còn gìn giữ được nhiều nét văn hoá đậm đà bản sắc riêng có của dân tộc mình như nghi lễ cầu mùa, hát soóng cọ, các phong tục ẩm thực độc đáo. Ngoài ra, Đại Dực còn có lễ hội mùa vàng với những ruộng bậc thang óng ả thu hút du khách khám phá và trải nghiệm…
Trải qua bao đời, với đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở Quảng Ninh, Tết Nguyên đán là dịp để quây quần, gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng thôn bản. Mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày Tết, qua lời chúc tụng vui vẻ, qua câu hát soóng cọ giao duyên…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh