Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nguyễn Điểm
Thứ bảy, 21/01/2023 - 13:35
(Thanh tra) - Chẳng biết có phải do nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, với những dãy núi dựng đứng, trùng điệp, chờn vờn mây phủ mà Xuân ở Sin Suối Hồ thường đến sớm. Mùa Xuân, Sin Suối Hồ bạt ngàn sắc hoa, hoa đào màu hồng phai, hoa địa lan vàng, hoa mận, hoa lê trắng tinh. Hơn thế nữa, nơi đây cuộc sống người dân dường như vô ưu, họ sống hạnh phúc trên đỉnh mây ngàn.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh là người tiên phong khi mạnh dạn, quyết tâm thay đổi thói quen lạc hậu của đồng bào người Mông nơi đây để giúp bản phát triển nhờ làm du lịch cộng đồng, mở homestay và trồng địa lan. Ảnh: Nguyễn Điểm
Điều diệu kỳ bên đỉnh Sơn Bạc Mây
Đường lên bản Mông Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) mùa này thật thơ mộng. Mây trắng bồng bềnh tựa như người mẹ hiền từ ôm lấy bản làng. Mây vờn quanh núi rừng, khe suối khiến Sin Suối Hồ như chốn bồng lai tiên cảnh.
Thấy tôi ngẩn ngơ trong cảnh sắc đẹp đẽ, ông Chẻo Quẩy Hòa, Chủ tịch UBND xã bảo, nơi đây còn nhiều điều diệu kỳ mà phải ở lâu mới thấm được.
Rồi ông Chẻo Quẩy Hòa giới thiệu, xã có bản Sin Suối Hồ, một điển hình trong phát triển du lịch cộng đồng. Không chỉ đơn thuần sống nhờ cấy lúa, dặm thêm ngô, thảo quả, sơn tra… bản Sin Suối Hồ mỗi năm còn thu về tiền tỷ từ trồng địa lan.
Quả vậy, có ghé đến bản Sin Suối Hồ mới thấy điều ông nói là thực. Ở Sin Suối Hồ bây giờ người dân ai nấy đều biết làm du lịch. Điều này có thể thấy được qua sự khác biệt của bản với nhiều làng vùng cao khác. Nhà ở của người dân Sin Suối Hồ đều được làm bằng gỗ theo lối truyền thống người Mông. Trước mỗi ngôi nhà, người dân xây dựng cổng chào, biển báo bằng gỗ. Bên hông nhà, người dân thường trang trí các họa tiết độc đáo gắn với cuộc sống canh tác nông nghiệp như khèn Mông, búa, liềm, đao, hay những gốc cây xù xì ghép lại. Mọi thứ đều thân thiện với thiên nhiên.
Vàng A Chỉnh - người được đồng bào tín nhiệm bầu là Trưởng bản suốt hơn 10 năm nay, cũng là người tiên phong đưa mô hình du lịch cộng đồng đến với đồng bào Mông nơi đây, nói: Sin Suối Hồ trong tiếng Mông có nghĩa là “suối có vàng”. Bên đỉnh Sơn Bạc Mây chờn vờn mây phủ, cá nhân tôi và người trong bản đang nỗ lực từng ngày để gây dựng miền đất hạnh phúc, no ấm.
Nhắc chuyện làm du lịch, Vàng A Chỉnh ví von điều này như một cuộc cách mạng ở nơi đây, góp phần làm thay đổi tư duy, lối sống của người Mông. Anh bảo, đã làm du lịch thì thói xấu, tập quán lạc hậu phải bỏ. Bỏ cũ, học mới thì phải tự giác. Cái tốt đầu tiên Sin Suối Hồ học được khi tổ chức và làm du lịch là không hút thuốc và bỏ uống rượu. Thứ nữa, nhiều người lớn trong bản cũng bỏ được thói nghiện thuốc phiện. Dân bản bây giờ theo học tiếng Anh, học lái ô tô, học trồng địa lan... Nhiều nhà trong bản làm du lịch. Nếp ăn, nếp ở sạch sẽ, gọn gàng và thân thiện với thiên nhiên.
Theo lời Trưởng bản Vàng A Chỉnh, chừng quãng hơn 10 năm về trước, Sin Suối Hồ là bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Cùng đó, nhận thức cũng như hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Chứng kiến cảnh như vậy, là người đứng đầu có uy tín trong bản, suy nghĩ mình phải làm gì cho bà con cứ mãi thôi thúc anh.
Nắm bắt chủ trương phát triển du lịch từ huyện và xã, năm 2014, gia đình Vàng A Chỉnh tiên phong hiến 8.000m2 đất cho bản làm nơi xây dựng chợ Sin Suối Hồ. Anh nghĩ, có chợ để bà con giao thương, việc phát triển kinh tế cũng sẽ thuận lợi. Quả vậy, khi chợ được hoàn thiện, chợ Sin Suối Hồ nhanh chóng trở thành nơi mà bà con khắp nơi đổ về. Người trong bản cũng không còn phải vất vả gùi nông sản đi những nơi khác, không còn vất vả chịu cảnh nắng mưa.
Vàng A Chỉnh còn là người đi đầu, anh đến từng nhà trong bản để vận động bà con xây dựng đường bê tông để cảnh quan sạch đẹp.
Có đận đi rừng, Vàng A Chỉnh thấy một loại cây cho hoa rất đẹp nên anh lấy về trồng thử ở trước cửa nhà. Giáp Tết 2012, những chậu hoa thử nhiệm ấy đều cho nhiều nụ rất đẹp. Tình cờ có mấy người dưới xuôi lên chơi, họ nhìn chậu hoa của nhà Vàng A Chỉnh tỏa sắc rực rỡ nên trả giá luôn 3 triệu đồng/chậu. Thấy thứ cây của mình cho thu nhập cao, anh Chỉnh đã hướng dẫn người trong bản tìm và nhân giống địa lan. Sau 2 năm thì lứa lan của bản bắt đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi hộ thu gần 100 triệu đồng. Thấy lợi nhuận từ địa lan rất cao nên các hộ trong bản đã cùng nhau làm và ngày càng mở rộng.
Để làm du lịch thì cần luôn luôn đổi mới, Vàng A Chỉnh lại tiên phong làm các “nhà tổ chim” để du khách tận hưởng không gian mới lạ khi về với bản vùng cao. Đến nay, bản Sin Suối Hồ có 11 hộ làm du lịch và cũng nhân rộng mô hình này. Nhờ sự đoàn kết, phân chia công việc phù hợp, tất thảy người trong bản Sin Suối Hồ đều nỗ lực để giữ gìn hình ảnh bản du lịch cộng đồng đẹp nhất, thân thiện và vui tươi nhất.
No ấm ngày Xuân
Có một điểm kỳ lạ mà tôi tìm hiểu được từ những người Mông ở Sin Suối Hồ. Với người Mông nơi đây, Tết cổ truyền sẽ bắt đầu từ ngày mùng 1 đến hết ngày 6 tháng Giêng Âm lịch. Để chuẩn bị cho Tết, người Mông đều tất bật chuẩn bị từ nhiều tháng. Họ cố công ra đồng thu hoạch cho xong mùa màng, hong khô lúa ngô. Trong những ngày Tết, họ cũng cho nông cụ nghỉ ngơi và để trang trọng ở một nhà kho nhỏ.
Theo quan niệm của người Mông, mỗi nông cụ sản xuất đều có linh hồn, do vậy khi Tết đến con người được mặc quần áo mới thì nông cụ cũng vậy, cũng phải được nghỉ ngơi... Điều này cũng gửi gắm mong muốn bản làng cả năm đều gặp may mắn, mùa màng tươi tốt.
Lang thang trong vườn lan ở Sin Suối Hồ, tôi gặp vợ chồng Chang A Xà, khi đang mải miết chăm sóc, tỉa bớt lá và nhổ cỏ trên chậu lan. Chang A Xà bảo, chăm địa lan không khó, người trong bản chẳng khi nào cần dùng các loại thuốc hóa học để thúc ép. Thay vào đó chỉ cần bón cho lan phân bò hoai mục, chịu khó nhổ cỏ, tỉa lá. Lan lớn, lan cho hoa và cho thu nhập. Đơn giản chỉ vậy. Chang A Xà bảo tôi, trồng lan năm nay khó hơn một chút, bởi giáp Tết, những đợt rét đậm khiến địa lan bị chững lại, tưởng chừng không trổ hoa kịp. May thay, Xuân đến sớm, những cành lan giờ lại vươn lên mạnh mẽ, hứa hẹn mang lại những ngày Tết ấm no cho người trong bản.
Tôi nhìn những chậu địa lan trổ hoa với đủ màu vàng, xanh, đỏ, tím rồi nhẩm tính, một cành hoa tại bản đã có giá 300.000 đồng. Một chậu địa lan giá trị là có nhiều cành hoa to, dài, nụ to, màu đậm, được uốn thành các hình khác nhau. Như vậy, mỗi chậu lan nếu đem về xuôi hẳn có giá không dưới 2 triệu đồng. Đó là rẻ. Thế nên, nếu nói mỗi hộ dân trồng lan ở Sin Suối Hồ có thu nhập vài trăm triệu đồng từ lan, có lẽ chẳng phải là nói quá.
Theo lời Chang A Xà, Sin Suối Hồ là điểm du lịch thu hút khách từ khắp nơi trong cả nước, thế nên địa lan vì vậy cũng theo du khách có mặt khắp nơi để tô điểm sắc màu cho cuộc sống. Địa lan Sin Suối Hồ được ưa chuộng vì màu sắc đẹp và độ bền lâu. Hiện nay, giống hoa tím thuộc hàng hiếm nên người dân trong bản bảo nhau kết hợp nhân giống và giữ giống. Những hộ có loại hoa tím sẽ chia sẻ giống cho những hộ khác để phát triển dần. Nhà nọ giúp đỡ nhà kia, không để ai phải đói nghèo.
Trước khi về Hà Nội, tôi hỏi Trưởng bản Vàng A Chỉnh: Sin Suối Hồ trong tiếng Mông có nghĩa là “suối có vàng”. Vậy thứ vàng người Mông kiếm tìm đã thấy chưa?
Nở nụ cười chân chất, Vàng A Chỉnh bảo tôi: Nơi được gọi tên “suối có vàng” này, thì chính là tiềm năng tự nhiên và nét văn hóa. Đây là mỏ vàng vô giá, vô tận giúp đồng bào Mông vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương. Người dân nơi đây đã tìm ra vàng của bản thân, để từ đó thay đổi cuộc sống.
Bên lề câu chuyện, tôi được biết nhiều khách du lịch sau khi ghé thăm Sin Suối Hồ đã thích mảnh đất này quá đỗi. Khi đến đây, tất cả đều cảm tưởng như được sống trong vườn địa đàng. Họ hỏi mua nhiều nhà, trả giá cao để tính toán ở hoặc kinh doanh homestay, nhưng không ai bán. Dân bản nói, chả đâu sướng bằng ở miền đất của mình. Dĩ nhiên rồi, tôi thầm nghĩ, ở mảnh đất hạnh phúc như vậy, có lẽ chẳng ai còn muốn bán đi để kiếm tìm những thứ xa vời khác.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chiều 13/12/2024, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn đã đi thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở thành phố Nam Định và huyện Nam Trực.
Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024N. Phê
10:24 13/12/2024Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải