Theo dõi Báo Thanh tra trên
Song Nguyên
Thứ năm, 11/11/2021 - 17:19
(Thanh tra) - Đây là lần thứ 2 tôi vào Cấm Sơn (Bắc Giang), địa danh đã làm cho người thi sĩ, chiến sỹ Thôi Hữu (tên thật là Nguyễn Đức Giới), nổi tiếng trong văn đàn bằng bài thơ “Lên Cấm Sơn”. Ngày ấy cách đây khoảng 10 năm, sau bước chân của ông Thôi Hữu hơn 70 năm, thú thực tôi hoang mang vô cùng.
Khai thác du lịch để nâng cao thu nhập của người dân lòng hồ Cấm Sơn. Ảnh: Song Nguyên
Cấm Sơn nghèo quá, lội khắp 6 thôn vùng lòng hồ và đồi núi này đâu tôi cũng thấy cảnh, hệt như ông Thôi Hữu đã “liệt kê” trong bài thơ nổi tiếng của mình. “Ở đây bản vắng rừng u tối… Ở đây những mặt buồn như đất…”. Nhưng nay vùng đất với nhiều anh em dân tộc sinh sống có tên Cấm Sơn này đã khác!
Ký ức ở miền chiến khu
Vào Cấm Sơn chỉ có 2 con đường “độc đạo” duy nhất. Một, từ TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) cắt lên thị trấn Chũ (quê hương của vải thiều) rồi qua Biên Sơn, Phong Vân, Tân Sơn để vào. Hai, theo quốc lộ 1, lên Lạng Sơn, đến Chi Lăng rẽ phải, qua chiếc đèo ngoạn mục có tên Quao cũng sẽ sang được.
Cách đây 10 năm, dù có chọn đường nào cũng gặp những “lộ hành nan”. Sau hành trình này là sự đối mặt với nghèo khó. Ngày ấy tôi vào, ông chủ tịch xã, sau khi bù đi sớt lại để “gỡ gạc cho thanh danh” quê mình cũng đã phải đau xót mà công bố tỷ lệ đói nghèo toàn xã lên đến gần 80%, “ngang ngửa” với 2 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc xa tít của tỉnh Hà Giang.
Vì nằm ở nơi “lam chướng, nghìn trùng” nên những ngày tiền khởi nghĩa, Cấm Sơn đã có những con người qủa cảm và miền đất này nhanh chóng được chọn làm vùng chiến khu. Trước ngày Nhật suy, trong sự đói khổ, nhân dân ở đây đã nổi lên phá kho thóc của Nhật ở Đồng Cốc tận thu được tới 100 tấn lương thực để chia cho dân trong vùng và các vùng miền kề cận để cứu đói.
Pháp hất cẳng Nhật, tạo dựng những đô hộ khắp miền thì nhiều thanh niên quả cảm Cấm Sơn đã vượt nơi “lam sơn chướng khí” để tìm lên tận Bắc Sơn (Lạng Sơn) để tham gia cuộc Khởi nghĩa nổi tiếng Bắc Sơn. Sau đó, họ lại về Cấm Sơn để mở chiến khu Ba Hòn nổi tiếng của lịch sử tỉnh Bắc Giang. Những người như ông Giáp Thái Bách, Ngô Đình Vận, Vi Văn Lăng, Vi Văn Lẫm, Nông Văn Phẩm, Giáp Văn Kỷ đã mãi mãi đi vào lịch sử cùng với sự vẻ vang.
Cũng ngày ấy, vì nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt, án ngữ đường lên Lạng Sơn, rồi từ Biển Động, Đồng Cốc, Quý Sơn, lên An Châu, sang Quảng Ninh nên miền quê nghèo này đã được Pháp tận dụng triệt để về lĩnh vực quân sự. Bên cạnh đó, được sự kích động của Pháp, các toán phỉ hung hãn cũng đã đồng loạt nổi lên. Pháp, phỉ đã liên kết, tạo ra một áp lực khiếp đảm với người dân suốt 1 vùng rộng lớn từ An Châu, qua Đồng Cốc, Thanh Hải. Những tên phỉ khét tiếng như Khán Ba, Lý Pút, Chánh Poòng, Tổng Đoàn Long cầm đầu đã gây tội ác, giết hại dân lành không tiếc tay.
Để giữ vững vùng phên dậu và thông thương các vùng miền đặc biệt quan trọng, nối kết các vùng chiến khu, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Việt Bắc, chiến khu Ba Hòn đã được dựng lên. Dưới sự lãnh đạo của các ông Giáp Thái Bách, Ngô Đình Thông, Vi Văn Lăng, Vi Văn Lẫm… 3 trung đội du kích với vũ khí thô sơ đã được thành lập. Với sự mưu trí dũng cảm, với một lòng căm thù giặc sâu sắc, thoắt ẩn, thoắt hiện, du kích Ba Hòn đã tổ chức được 3.000 ngày đánh giặc, với 53 trận đánh, tiêu diệt 275 tên địch, bắt sống và cảm hóa 53 tên. Bên cạnh đó họ còn cảm hóa được hàng trăm tên thổ phỉ về với cuộc sống đời thường, nối liền cách mạng cho 1 vùng rộng lớn.
Miền tối đã sáng
Giờ tìm vào Cấm Sơn, người ta đã hết mủi lòng trước cảnh nghèo khó của vùng đất chiến khu này. Người dân ở đây đã không còn cảnh chân giẫm bùn, tay chèo thuyền để đi nữa. Có cái gì đã đem lại sự đổi thay đến kỳ diệu ở một xã vùng sâu vùng xa, có tới trên 1000 hộ, 40% là đồng bào các dân tộc và bị 307 triệu m3 nước vây hãm này?
Câu hỏi khó này thật ra lại rất dễ trả lời nếu đem tinh thần đoàn kết và sự vượt khó của người dân nơi đây để lý giải. Trước đây, thú thực ở miền quê cách mạng nổi tiếng, đi đâu ai cũng biết, nhưng khi nói về phát triển kinh tế thì người Cấm Sơn cảm thấy tủi hổ vô cùng. Chẳng biết kể gì, chỉ biết kể về nghèo đói. Thế là tủi, thế là bực, thế là quyết tâm đi lên.
Cùng với các chủ trương, cùng với sự trợ giúp, người dân Cấm Sơn đã chủ động vào cuộc. Để khắc phục sự cắt sẻ, không thuận lợi về giao thông của 1 xã vùng hồ, đường đã được người dân đưa lên hàng đầu. Kế hoạch và chủ trương được đưa xuống, lại cho cán bộ ngày đêm đi vận động, với phương châm “tự mình cứu mình”, nên chỉ trong vài năm ngắn ngủi, hàng chục km đường giao thông liên thôn đã “hòa mạng” tất cả các xóm thôn. Các thôn xa thẳm như Làng Họa, Chằm Khoa đã được đường “kéo” về gần xã, gần huyện hơn.
Đường xong, dân đi lại thuận tiện, có gì cần bán mua đổi chác là có thể “vù” ra chợ, không còn cảnh tự cung tự cấp vì nước nôi vây hãm nữa thì “chiến dịch” nâng cao sản lượng lương thực cũng được đưa vào. Cán bộ nhiệt tình, dân đồng thuận là những gì Cấm Sơn có và biến thành thế mạnh để phát triển. 600km đường kênh mương, thủy lợi nội đồng đã đồng loạt được khởi công, xóa bỏ câu nói đau đớn ngàn đời “khát trên biển nước” của người dân Cấm Sơn. Hàng trăm ha ruộng 1 vụ nay đã trở thành 2 vụ, tạo điều kiện cho Cấm Sơn đảm bảo về an ninh lương thực cho mình.
Cảnh “hưu hắt nến trám” ngày xưa cũng đã có điện thay thế, điện lưới quốc gia đã được kéo về 100% các hộ gia đình. Nông lâm sản đã không còn là nỗi lo, để có bước đi lên, người dân Cấm Sơn đã mạnh dạn đi vào chăn nuôi các cây con để tăng thêm thế mạnh kinh tế của mình. Từ một xã thuần nông, lác đác vài con gia súc, gia cầm nuôi theo kiểu quảng canh thì nay Cấm Sơn đang tự hào về các mô hình chăn nuôi của mình.
Không chỉ thoát nghèo, làm giàu nuôi các con ăn học, gia đình ông còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm giúp các hộ khác trong xã. Đến nay, toàn xã đã nhân rộng diện tích cây vải thiều, nhãn lên gần 400 ha và hơn 40 ha cây có múi; một số cây trồng mới cũng bước đầu được đưa vào thử nghiệm cho hiệu quả kinh tế cao như na, ớt, táo.
Một số nghề mới được người dân đưa về địa phương, tăng thu nhập, như ngoài khai thác cá tự nhiên trên hồ, đã có 7 hộ tại thôn Cấm, thôn Mới ứng dụng kỹ thuật nuôi cá lồng bè bước đầu đem lại nguồn thu đáng kể.
Bà con trong xã tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế vườn đồi, hiệu quả cao. Đơn cử, gia đình ông Luân Văn Phượng, thôn Chằm Khon trồng hơn 400 cây bưởi Diễn, thanh long, vải thiều cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Hay hộ ông Nguyễn Văn Đức, thôn Họa đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng cơ sở sản xuất gạch không nung, kinh doanh vật liệu xây dựng. Đồng thời, mua 2 máy múc, 3 ô tô tải phát triển dịch vụ vận tải, thi công công trình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm…
“Có khi gạo hết tiền vơi, ổi xanh hái xuống đành xơi lo lòng, có đêm giá rét lạnh lùng, áo quần rách nát lá dùng che thân…” câu thơ trong bài thơ nổi tiếng “Lên Cấm Sơn” của nhà thơ Thôi Hữu lại dồi lên trong tôi trên con đường trở về. Và tôi chợt nghĩ, với những thay đổi hiện nay ở Cấm Sơn thì hương hồn nhà thơ Thôi Hữu - người chiến sỹ, thi sỹ đang nằm ở đồi Vô Tranh (Xã Giang Tiên, Thái Nguyên) kia chắc sẽ ấm lòng vô cùng!.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh