Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xóa nghèo ở xã Chế Tạo

Thứ bảy, 03/09/2016 - 06:16

(Thanh tra) - Xã Chế Tạo, nằm heo hút phía Đông Nam huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), nơi 100% người Mông sống tự cung tự cấp, đói nhiều hơn no, nơi được mệnh danh là “tam giác nghèo”.

Hiện xã Chế Tạo đã có gần 160 ha lúa nước. Ảnh: TQ

Cách trung tâm tỉnh gần 250km, qua con đèo có tên khiếp khủng Khau Phạ (sừng trời), qua Mù Cang Chải, rẽ trái theo hướng Hà Nội - Lai Châu, đi thêm 35km nữa là tới “thủ phủ đói nghèo” Chế Tạo.  

Tuy là nơi có những cánh rừng phòng hộ cho hàng loạt thủy điện miền dưới như Sông Đà, Sơn La, Mường Kim, Hồ Bốn… nhưng dưới những màu xanh trù phú ấy người Mông Chế Tạo quắt quay đến vô cùng.

Các đây hơn chục năm, Chế Tạo có trên 90% hộ nghèo theo báo cáo, còn thực tế số hộ nghèo phải cao hơn nữa. Để tổng kết các vùng miền nghèo khó của mình, người Yên Bái thường có câu: Nhất Tấu (Trạm Tấu), nhì Chế (Chế Tạo), ba Giàng (Suối Giàng). Ba nơi nghèo này như một “tam giác nghèo” thách thức sự phát triển chung cho cả tỉnh. Và việc đột phá để xóa nghèo cho khu vực “tam giác” này luôn là trăn trở của tất cả các lãnh đạo từ huyện đến tỉnh mỗi khi họ nhậm chức.

Cùng với sự đầu tư, Mù Cang Chải này đã đỡ, Suối Giàng đã khởi sắc, còn Chế Tạo có cái để an ủi người ta mỗi khi tìm đến đây. Chế Tạo ngày nay đã có những đổi thay, để người Mông nơi đây đã có cớ khoe về nó.

Kỹ sư Giàng A Chu cho biết, cùng với sự chú ý đầu tư, cùng với việc tự thân vận động, Chế Tạo đã bớt đói nghèo nhiều lắm rồi. Không để Chế Tạo mãi giậm chân tại chỗ, sau khi được khoanh vùng, các nguồn vốn của các chương trình như 134, 135 và Chương trình xóa nghèo bền vững đã được đưa về Chế Tạo. No bụng dân là cái đầu tiên được các cấp lãnh đạo nghĩ đến. Những lằn ruộng bậc thang teo tóp, những nương ngô còi cọc được tỉa trồng theo kiểu manh mún, quảng canh đã được “kiện toàn” lại. Phong trào mở ruộng, nuôi đại gia súc để tạo lực thoát nghèo đã được triển khai toàn xã.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong những năm gần đây, người dân chung lưng đấu cật để mở ruộng và chăn nuôi. Số diện tích ruộng nước nhờ vậy đã nhanh chóng tăng lên đến 158 ha. Công trình thủy lợi Háng Dề - Dính Máo được đầu tư để đưa nước về. Nước cho ruộng được chủ động, người Mông Chế Tạo không còn phải “ngửa cổ mà chờ nước trời” nên đã chủ động được cây trồng, mùa vụ. Lúa về nhà nhiều hơn, người dân đã có lương thực để tích lũy và dùng cho chăn nuôi. Đáng chú ý là từ năm 2014, người dân xã Chế Tạo đã được dùng điện lưới quốc gia (xã cuối cùng của tỉnh Yên Bái có điện), thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phong trào chăn nuôi đại gia súc cũng là cái cần ghi nhận và tạo động lực cho Chế Tạo thoát nghèo. Ngoài việc tận dụng đồng cỏ thì người Chế Tạo cũng đã biết trồng cỏ để chăn nuôi. Cùng việc áp dụng kỹ thuật chăn nuôi và nhân đàn, đã đưa tổng số gia súc của xã lên đến vài nghìn con. Không chỉ phát triển ruộng, phát triển chăn nuôi, mô hình kinh tế rừng theo kiểu trang trại đã bắt đầu được triển khai trên xã. Hiện Chế Tạo đã có những chủ trang trại nổi tiếng như Sùng A Cớ ở thôn Tà Dông với cây trồng chính là rừng và thảo quả. Hiện mỗi năm, cây thảo quả đã cho nhà Cớ thu đến hàng trăm triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Sùng A Trống cho biết, nhớ lại cách đây hơn 12 năm, đồng bào Mông bốn bản: Pú Vá, Tà Xung, Háng Tày và Kể Cả đã nhất quyết đòi xin về... tỉnh Sơn La, bởi ở Yên Bái bao năm vẫn cảnh bốn không (không trường, không đường, không trạm, không điện), sống như cách biệt thế giới hiện tại.

Giờ thì khác xưa, hơn 340 hộ dân của xã biết trồng cấy lúa nước một vụ trên diện tích 158 ha, cũng tạm no cái bụng, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao, 62%. Ba điểm trường với hơn 500 học sinh từ mẫu giáo đến THCS theo học, một số học lên theo các lớp bán trú dân nuôi ngoài huyện. Nhờ hiếu học mà dòng họ Giàng trong xã có đến 17 người trình độ đại học, 12 cao đẳng, 15 trung cấp, được Trung ương Hội Khuyến học khen thưởng, tôn vinh là niềm tự hào của dân vùng cao.

Theo Chủ tịch UBND xã Sùng A Trống, cái được nhất của bà con là bảo vệ rừng nguyên sinh khu bảo tồn hơn 20.000 ha, qua chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân mỗi năm được hơn 7 tỷ đồng. Đây là rừng đầu nguồn của các thủy điện: Bản Chát, Mường Kim, Hòa Bình, nên bà con hưởng lợi lớn. Thủy điện Chế Tạo đang được khảo sát, thi công với các bậc thang có tổng công suất 200 MW, mở ra một hướng mới cho vùng núi cao Chế Tạo.

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm