Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ưu tiên nguồn lực để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai

Thái Hải

Thứ năm, 20/04/2023 - 22:03

(Thanh tra) - Chiều ngày 20/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2023.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TH

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

175 người chết mất tích thiệt hại gần 19.500 tỷ đồng do thiên tai trong năm 2022

Năm 2022, thiên tai ở nước ta xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.

Tại miền Bắc, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trong các tháng 4,5,6, nhất là tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên… Các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả lũ khi chưa vào thời kỳ mùa lũ và duy trì trong một thời gian khá dài (đây là một năm hiếm thấy kể từ khi hệ thống liên hồ chứa sông Hồng đi vào khai thác, vận hành).

Tại khu vực miền Trung, mưa lớn trái mùa xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 gây ngập lụt diện rộng các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên; liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông, suy yếu nhanh và đổ bộ vào Đà Nẵng-Quảng Nam ngày 28/9, đã gây mưa rất lớn từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, trong đó riêng Nghệ An mưa rất lớn từ 300-500mm (Quỳnh Lưu 662mm; Con Cuông 650mm), gây ngập lụt tại khu vực đồng bằng và lũ quét nghiêm trọng tại huyện Kỳ Sơn.

Mưa lớn sau bão số 5 (tại thành phố Đà Nẵng mưa rất to tại Suối Đá 831mm, vượt lịch sử năm 2018 là 635mm; cường suất rất lớn 642mm trong vòng 7 giờ (từ 15 giờ đến 21 giờ) ngày 14/10/2022 đã gây lũ trên báo động 3 (BĐ) trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế; ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng có nơi tới 1,5-2,0m tại trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra, triều cường, kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn từ 1,5-2m tại khu vực biển Tây gây tràn và sạt lở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; 247 trận động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum…

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Năm 2023 có khả năng xuất hiện khoảng 12 - 14 cơn bão mạnh

Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển; trong đó, cuối tháng 3/2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hòa Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2023, hiện tượng Elno nên có khả năng sẽ ít mưa hơn so với nhiều năm nhưng các cơn bão sẽ xuất hiện với cường độ lớn hơn và khó dự báo, cường độ diễn biến khó lường. Ngoài ra, do lượng mưa ít nên nguy cơ về hạn hán, xâm nhập có nhiều diễn biến rất khó lường.

Năm 2023 có khả năng xuất hiện khoảng 12 - 14 cơn bão mạnh và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có 4 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT thẳng thắn nhìn nhận xét: Năm 2022, mặc dù công tác PCTT có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập, hạn chế; vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn trong khi thiên tai diễn biến cực đoan, bất thường; thiệt hại về người do lốc, sét năm 2022 chiếm tỉ lệ lớn (59 người, chiếm 34%).

Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình PCTT nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT và TKCN còn hạn chế và chưa phù hợp. Việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với thiên tai ở một số địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện với các kịch bản thiên tai, nhất là các tình huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn, gây ngập sâu như tại Đà Nẵng ngày 14/10/2022 và tại Hà Nội, Vĩnh Phúc đợt mưa lũ cuối tháng 5/2022.

Việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ còn mang tính hình thức; công tác tập huấn, huấn luyện kỹ năng, trang bị công cụ, dụng cụ, phương tiện cho lực lượng xung kích tại cơ sở ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra

Về tình hình thiên tai năm 2023 theo dự báo có nhiều diễn biến khó lường, do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị để PCTT đạt hiệu quả rất cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời tiếp tục triển khai việc xây dựng Bộ chỉ số PCTT cấp tỉnh.

Các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong công tác ứng phó, PCTT.

Phát biểu kết luậnị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tuy nhiên, vẫn còn đó 4 hạn chế. Đáng tiếc nhất là vẫn còn người chết và mất tích vì thiên tai. “Tổn thất này là rất lớn vì sinh mạng con người là vô giá…”.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, biến đổi khí hậu đang làm thiên tai ngày càng cực đoan, khó đoán định… Trong xu thế hiện nay, công tác PCTT sẽ ngày càng khó khăn và khả năng chống chịu xét trên bình diện tổng thể sẽ bị suy giảm. Do những tác động, hậu quả của thiên tai ngày càng nhiều trong khi đó nguồn lực ứng phó chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế…

Kế hoạch phòng, chống thiên tai có nơi chưa sát thực tế, có nơi còn chủ quan. Công tác dự báo, cảnh báo đối với một số loại hình thái thiên tai chưa có độ tin cậy cao. Khả năng chống chịu trên tổng thể của Việt Nam cũng yếu hơn trước đây, mà nguyên nhân lớn là đầu tư cho công tác ứng phó thiên tai không tăng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong PCTT; thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tế.

Tập trung nhiều hơn cho công tác phòng ngừa và ưu tiên nguồn lực để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo… Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp hiệu quả, không đùn đẩy trách nhiệm trong công tác PCTT. Các địa phương cũng phải lồng ghép các nguồn lực cũng như quy hoạch PCTT vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030.  Đồng thời, có sự chăm sóc, đầu tư tốt hơn sau thiên tai cho các vùng bị ảnh hưởng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm