Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Hoàng Đức Trọng- UV BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định

Thứ sáu, 08/05/2020 - 10:01

Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19, UBND tỉnh Nam Định đã quán triệt phải bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác; thường xuyên kiểm tra, giám sát, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 29/4/2020, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Công văn số 51/UBND-VP2 về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Nam Định tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản. Đó là: Quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP, Quyết định 15/2020/QĐ-TTg bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác; Rà soát đối tượng được thụ hưởng chính sách, tránh trùng, đảm bảo nguyên tắc, nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NĐ-CP và điều kiện được hỗ trợ theo Quyết định 15/2020/2020/QĐ-TTg. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở địa phương, đơn vị; không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã hướng dẫn Phòng LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động nghiên cứu Nghị quyết số 42/NQ và tuyên truyền để mọi người nắm và hiểu tinh thần Nghị quyết. Sở đã ban hành các văn bản chuẩn bị triển khai Nghị quyết số 42/NQ như: Công văn số 542/SLĐTBXH-LĐTL ngày 07/4/2020 hướng dẫn về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp, Công văn số 543/SLĐTBXH-VP ngày 07/4/2020 hướng dẫn tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid–19 trong đợt cao điểm, Công văn số 627/SLĐTBXH-VP ngày 14/4/2020, Công văn số 631/SLĐTBXH-ATLĐ ngày 15/4/2020 về việc chuẩn bị triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó các địa phương rà soát đối tượng, chuẩn bị trước để thực hiện khi có Quyết định 15/2020/QĐ-TTg.

Ông Hoàng Đức Trọng - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định.

Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan thường trực, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định đã trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Tổ thẩm tra hồ sơ của tỉnh để thẩm tra hồ sơ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid–19, tham mưu tổ chức Hội nghị của UBND tỉnh với các Sở ngành liên quan: Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nam Định, Ngân hàng Chính sách Xã hội… vào ngày 29/4/2020; tham mưu tổ chức hội nghị trực tuyến của UBND tỉnh  với 10 điểm cầu tại 10 huyện, thành phố để quán triệt Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, thống nhất với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện và quán triệt trách nhiệm của từng cấp, từng ngành liên quan, giải đáp những vướng mắc của các địa phương tại hội nghị.

Sở LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để chỉ đạo tuyên truyền tới tận thôn, xóm, tổ dân phố; Giám đốc LĐ-TB&XH đã trả lời trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (NTV) trong mục Sự kiện trong tuần nhằm tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân toàn tỉnh về những nội dung cơ bản của Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg.

Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Công văn số 717/SLĐTBXH-VP ngày 29/4/2020; Công văn số 718/HD-SLĐTBXH ngày 4/5/2020 hướng dẫn chi tiết, cụ thể những nội dung cơ bản của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đó là: Nguyên tắc hỗ trợ; các diện đối tượng, điều kiện được hỗ trợ; mức hỗ trợ… Đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố tham mưu với UBND huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện rà soát, thống kê các diện đối tượng với tinh thần nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đúng đối tượng. Để thực hiện tốt yêu cầu trên, Sở LĐ-TB&XH đề nghị Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Nam Định phối hợp chặt chẽ giám sát ngay từ khi lập danh sách cho đến khi xét duyệt, công khai và thực hiện chi trả hỗ trợ cho đúng đối tượng. Đối với UBND các huyện, các sở, ban, ngành của tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đề nghị: chú trọng công tác tuyên truyền Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến từng thôn xóm, hộ dân để người dân hiểu, nắm bắt cụ thể từng diện đối tượng, từ đó biết mình nằm trong diện đối tượng nào để kê khai theo diện đối tượng đó; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc theo chức năng nhiệm vụ tại đơn vị, địa phương mình phụ trách, đảm nhiệm. Không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm.

Trong công tác rà soát, lập danh sách diện đối tượng là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Sở LĐ-TB&XH đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh có trách nhiệm thông báo tới các doanh nghiệp trong khu công nghiệp về chính sách hỗ trợ người lao động theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. UBND các huyện, thành phố tổ chức hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh, qua cơ quan thường trực là Sở LĐ-TB&XH. Đối với hộ kinh doanh: Đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các xã, phường, thị trấn tổ chức hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, xác nhận việc tạm ngừng kinh doanh theo đúng Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Đối tượng này chỉ áp dụng đối với các hộ kinh doanh phải tạm ngừng kinh doanh theo chỉ đạo của UBND tỉnh khi thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Danh sách đối tượng sau rà soát được niêm yết công khai theo quy định, sau đó tổng hợp, gửi danh sách đến Chi cục Thuế tổ chức thẩm định, trình UBND các huyện, thành phố. UBND các huyện, thành phố, phối hợp chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thực hiện rà soát, xác định và lập danh sách số lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và lao động bị mất, thiếu việc làm. Để việc rà soát danh sách, thống kê, tổng hợp số lượng đối tượng trong diện được thụ hưởng gói hỗ trợ, đảm bảo không bỏ sót, nhưng không chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Để bảo đảm tốt những yêu cầu trên, đòi hỏi sự vào cuộc một cách quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở từ cấp xã, phường, thị trấn đến huyện, thành phố và sự giám sát của các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là Mặt trận tổ quốc phải vào cuộc, thực hiện giám sát ngay từ đầu. Đây là bước quan trọng, vì chính quyền cấp xã, phường, thị trấn là nơi gần dân, nắm bắt được hoàn cảnh của người dân nhất. Cùng với đó là các cấp, các ngành cùng vào cuộc với Sở LĐ-TB&XH. Như vậy thì sẽ hạn chế mức thấp nhất việc trùng hoặc kê khai không đúng đối tượng và sẽ ngăn chặn được việc trục lợi chính sách.

Với tinh thần đưa nhanh, kịp thời gói hỗ trợ đến người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sớm ổn định cuộc sống, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định đã hướng dẫn "Thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg" (Công văn số 717/SLĐTBXH-VP, nagỳ 29/4/2020), hướng dẫn cụ thể về thời gian lập hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện từ cấp xã đến huyện và các đơn vị liên quan. Cụ thể: Đối với UBND cấp xã, phường, thị trấn: Trong 02 đến 03 ngày, căn cứ danh sách đối tượng đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt, rà soát, lập danh sách, thẩm định người trong diện hỗ trợ. Tổ chức công khai theo quy định trên Đài truyền thanh – Truyền hình huyện, thành phố; trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn; niêm yết danh sách tại Nhà văn hóa thôn, xóm, khu phố; Ký tờ trình và ký danh sách chính thức những người đủ điều kiện hỗ trợ của đơn vị trình UBND huyện, thành phố. Đối với UBND huyện, thành phố: trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của UBND cấp xã, chỉ đạo tiếp nhận, thẩm định theo quy định; UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm ký danh sách đối tượng, ký tờ trình UBND tỉnh phê duyệt. Hồ sơ trình UBND tỉnh của Chủ tịch UBND huyện, thành phố được chuyển qua Cơ quan thường trực (Sở LĐ-TB&XH). Tại Sở LĐ-TB&XH, Tổ thẩm tra của tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm tra hồ sơ. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổ thẩm tra của tỉnh thẩm tra hồ sơ, lập biên bản kèm Danh sách báo cáo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH để trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, Sở LĐ-TB&XH chuyển UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố tiếp nhận và thực hiện chi trả tiền hỗ trợ đến đối tượng. Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự năng động, sáng tạo trong công tác tổ chức, điều hành của Sở LĐ-TB&XH, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh. Đến ngày 4/5/2020, Nam Định đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, thẩm tra danh sách 4 nhóm đối tượng, đó là: đối tượng hỗ trợ là  người có công, thân nhân người có công với cách mạng, có 46.093 người, tương ứng 69,139 tỷ đồng. Đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, toàn tỉnh có khoảng 151.258 người. Đối tượng bảo trợ xã hội có 79.925 người. Chỉ tính 4 nhóm đối tượng cần được hỗ trợ kịp thời là: Người có công, thân nhân người có công; người nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, thì nhu cầu kinh phí thực hiện là trên 302 tỷ đồng. Nhóm đối tượng này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH sẽ trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chi trả cho đối tượng trước 10/5/2020. Đối với đối tượng là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương; đối tượng hộ kinh doanh trong diện hỗ trợ; đối tượng lao động tự do trong diện hỗ trợ, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành phố, các khu công nghiệp, doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ rà soát, lập danh sách, thẩm tra, hòan thiện hồ sơ với tinh thần “cứu trợ như cứu hỏa”.

Gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP là chưa từng có tiền lệ, vì vậy khó tránh khỏi những khó khăn vướng mắc, nhưng quan điểm của tỉnh Nam Định là phải đưa chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến trực tiếp người hưởng thụ, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, không trùng lắp và kiên quyết không để phát sinh tiêu cực, đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Với trách nhiệm là cơ quan thường trực, Sở LĐ-TB&XH sẽ bám sát, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; UBND các huyện, thành phố. Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định sẽ hoàn thành nhiệm vụ, nhanh chóng đưa gói hỗ trợ đến người dân, kịp thời giúp người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sớm ổn định cuộc sống.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm