Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trào lưu "bắt pen", trò nghịch dại vô cùng nguy hiểm

T.Thanh

Thứ tư, 23/10/2024 - 20:07

(Thanh tra) - Nhắc đến trend “bắt pen” của một bộ phận các bạn trẻ hiện nay đang rất “nổi” trên cộng đồng mạng, TS.BS Lê Thị Thu Hương, chuyên gia về hen, dị ứng 25 năm kinh nghiệp tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng đây là trò nghịch dại, bởi hành động này rất nguy hiểm cho bản thân.

Việc chèn ép động mạch có thể dẫn đến tổn thương cho các mạch máu, tạo ra các cục huyết khối, những cục máu đông này có thể gây tắc nghẽn động mạch. Ảnh: Cắt từ video

Chèn ép động mạch vùng cổ có thể gây ngất xỉu, co giật và nặng hơn là đột quỵ

Theo TS.BS Lê Thị Thu Hương, bản chất của trò chơi này là chèn ép vào hai động mạch lớn ở vùng cổ gây cản trở lượng máu lưu thông lên não. Hậu quả là gây ra cảm giác chóng mặt, lâng lâng "phê giả tạo".

“Có tới 80% lượng máu nuôi não sẽ được vận chuyển qua hai mạch máu này, nếu thực hiện ấn vào hai động mạch cảnh ở cổ, từ 1 - 2 giây thì chưa thể gây đột quỵ, ngừng tim, nhưng nếu ấn lâu hơn hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần thì nguy cơ tử vong rất cao.

Điều này là do lượng máu di chuyển lên não giảm nhanh chóng dẫn tới thiếu tình trạng não thiếu oxy. Khi tế bào não thiếu oxy 5 phút có thể dẫn tới nhiều biến chứng, tổn thương không phục hồi, đặc biệt là có thể tử vong”, TS.BS Lê Thị Thu Hương nói.

TS.BS Lê Thị Thu Hương cho biết, với những bạn có tiền sử bệnh lý thì điều này còn nguy hại hơn rất nhiều.

TS.BS Lê Thị Thu Hương, chuyên gia về hen, dị ứng Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội . Ảnh: T.T

Ngoài ra, việc chèn ép động mạch có thể dẫn đến tổn thương cho các mạch máu, tạo ra các cục huyết khối, những cục máu đông này có thể gây tắc nghẽn động mạch.

Vì vậy, TS.BS Lê Thị Thu Hương khuyến cáo các bậc phụ huynh nên kiểm soát nội dung các con em mình xem, đọc và giải trí, đặc biệt là trao đổi với con em chúng ta tuyệt đối không làm thử hay cổ xúy cho những hành động được cho là “dại dột” này.

Tuổi trẻ nên hướng vào những hoạt động học tập vui chơi bổ ích, lành mạnh

Theo em Tô Nhã Quyên, học sinh lớp 11A2, Trường Liên cấp MIS (Hà Nội) chia sẻ, hiện tại, trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram… đều là những ứng dụng giới trẻ sử dụng thường xuyên để cập nhật tin tức, giải trí và nhiều lúc là “bắt” trend.

Tất nhiên các trend những người sáng tạo nội dung dựng lên đều bắt nguồn từ ý tưởng đơn thuần, không làm hại đến những người xung quanh, nhưng vẫn có một bộ phận người trẻ lại đi ngược lại với số đông, tạo lên những trend tiêu cực, làm hại đến sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh.

Em Tô Nhã Quyên, học sinh lớp 11A2, Trường Liên cấp MIS (Hà Nội). Ảnh: T.T

Dẫn ví dụ cụ thể như trào lưu “bắt pen” của một số bạn đang thử và quay video lên mạng xã hội hiện nay, em Nhã Quyên cho biết em chưa từng thử qua, nhưng khi xem các video trên mạng thấy các bạn tham gia biểu diễn và miêu tả thì bản thân cũng sẽ không học và thử làm theo.

Các bạn học sinh không nên theo những trend có nguy cơ gây hại này, không nên đánh đổi sức khỏe bản thân để video của mình được nhiều lượt thích, nhiều chia sẻ trên mạng xã hội.

Thay vì mải mê theo trend lạ, độc hại để câu view, câu like thì tuổi trẻ nên hướng vào những hoạt động học tập vui chơi bổ ích, lành mạnh, giúp cải thiện bản thân.

Nâng cao nhận thức cho người trẻ khi tham gia mạng xã hội

Nhà báo Bùi Thị Vui, học viên cao học ngành Quản lý Báo chí và Truyền thông (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, đặc quyền tuổi trẻ là khẳng định bản lĩnh nhưng quá hơn sẽ trở thành liều lĩnh. Nhiều bạn trẻ đang hiểu sai và lạm dụng đặc quyền đó.

Chị Vui cho biết, bản thân cũng là một phụ huynh, chị cũng rất hay để ý đến các trào lưu trên mạng xã hội đặc biệt trào lưu của thế hệ trẻ: “Tôi thấy có nhiều trend rất vui, rất giải trí hoặc ý nghĩa mà thế hệ trẻ tạo ra, mang lại giá trị cho cộng đồng. Tuy nhiên, gần đây lại xuất hiện một số trend thật sự nguy hiểm, có thể nói là trào lưu nghịch dại như trò "bắt pen", hít dầu gió...”.

Theo giới chuyên môn đã cảnh báo thì "bắt pen" không phải trò chơi để có thể mạo hiểm tham gia, bởi trò này có thể gây ảnh hưởng không tốt cho chính bản thân các em.

Thời gian qua, đã có rất nhiều chuyên gia y tế cảnh báo mức độ nguy hiểm của các hiện tượng này. Trong đó, CDC Hà Nội đã lên tiếng khuyến cáo cần ngăn chặn gấp trào lưu nguy hiểm này nhưng đến nay vẫn còn nhiều clip thách thức cơ quan chức năng lan truyền trên mạng xã hội như Facebook, TikTok... để câu like, câu view với hàng trăm nghìn lượt xem.

Nhà báo Bùi Thị Vui. Ảnh: T.T

Theo chị Vui, các cơ quan báo chí truyền thông cũng nên tuyên truyền mạnh mẽ, để người dùng mạng xã hội nâng cao nhận thức, ý thức rõ mức độ nguy hiểm của các trào lưu xấu, độc hại khác, đồng thời để mọi người dùng mạng xã hội tuyệt đối không cổ xuý, không tham gia.

Các phụ huynh cũng nên kiểm soát kĩ nội dung con em mình xem và cùng phối hợp với nhà trường, các thầy cô giáo để tuyên truyền, nhắc nhở các con về hậu quả của những hành vi theo trào lưu này để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm