Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chính phủ đề xuất bổ sung gần 20.700 tỷ đồng vốn Nhà nước tại Vietcombank

Hương Giang

Thứ tư, 23/10/2024 - 19:12

(Thanh tra) - Chính phủ đề xuất bổ sung gần 20.700 tỷ đồng vốn Nhà nước từ nguồn cổ tức bằng cổ phiếu, lợi nhuận được chia tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Chiều 23/10, thừa ủy quyền Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Quốc hội về bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Việc này là phù hợp với chiến lược phát triển và đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025, nhằm tăng chất lượng hoạt động, năng lực tài chính của Vietcombank.

Vốn điều lệ của Vietcombank đang thấp

Theo tờ trình, vốn bổ sung cho Vietcombank gần 20.700 tỷ đồng, dự kiến lấy từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông Nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lãi còn lại năm 2021 của ngân hàng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Quốc hội về bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank. Ảnh: P.Thắng

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, phần lợi nhuận còn lại lũy kế hết năm 2018 và lãi còn lại 2021 hiện được hạch toán theo dõi tại Vietcombank, chưa nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước. Do vậy, nguồn vốn đề xuất tăng cho ngân hàng này không ảnh hưởng tới kế hoạch dự toán thu chi ngân sách 2024-2025.

Hiện, vốn điều lệ của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với VPBank (79.339 tỷ đồng), Techcombank (70.450 tỷ đồng) và không có sự cách biệt lớn so với một số ngân hàng thương mại cổ phần như MB (52.871) tỷ đồng, ACB (44.667 tỷ đồng) và SHB (36.629 tỷ đồng).

Do đó, theo Chính phủ, nếu Vietcombank không được tăng vốn điều lệ sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng.

“Tăng vốn điều lệ cũng là cơ sở để VCB mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt trong việc thực hiện cho vay các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ nền kinh tế của đất nước”, tờ trình nêu.

Tỷ lệ an toàn vốn của Vietcombank cũng thấp

Bổ sung vốn cho Vietcombank cũng tạo điều kiện để ngân hàng đáp ứng các tỷ lệ an toàn tối thiểu.

Thực tế, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Vietcombank cuối 2023 là 11,05% - đảm bảo quy định theo Luật Các tổ chức tín dụng, Thông tư 41/2016, nhưng đang thấp hơn so với nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần (VPBank, MB là 12-13%; Techcombank 13-15%…).

Mức này cũng thấp hơn nhiều các ngân hàng trong khu vực, CAR bình quân của các ngân hàng Singapore là 17,1%, Indonesia 23,27%…

Thực tế, tỷ lệ này phụ thuộc lớn vào phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ mà Vietcombank đang giữ lại (khoảng 50% vốn tự có), trái phiếu tăng vốn (5% vốn tự có) và không bền vững.

Tại ngày 31/12/2023, vốn tự có của ngân hàng là 172.338 tỷ đồng. Trường hợp Vietcombank phải chia cổ tức bằng tiền với toàn bộ phần lãi sau thuế, sau trích lập các quỹ (74.425 tỷ đồng), mà không được trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thì vốn tự có chỉ ở mức 97.913 tỷ đồng.

Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra về bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank. Ảnh: P.Thắng

Khi ấy, tỷ lệ vốn cấp 1 và CAR giảm xuống lần lượt còn 5,64% và 6,28%, thấp hơn yêu cầu tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước và ảnh hưởng tới khả năng mở rộng tín dụng của ngân hàng, do không đảm bảo yêu cầu về an toàn vốn.

Chưa kể, so với mục tiêu Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và hướng tới đáp ứng yêu cầu của Hiệp ước Basel III nêu trên thì tỷ lệ CAR của Vietcombank vẫn thấp.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước là cơ sở để Vietcombank nâng cao năng lực tài chính, có nguồn lực để cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng ưuốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt lớn.

Cần báo cáo rõ thêm ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ủy ban này nhất ttrí với sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank.

“Việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank bằng nguồn cổ tức bằng cổ phiếu, lợi nhuận được chia là bảo đảm cơ sở pháp lý”, cơ quan thẩm tra nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ủy ban nhất trí với sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank. Ảnh: P.Thắng

Ddể có căn cứ đánh giá toàn diện, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thêm ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài Ngân hàng Mizuho Corporate Bank - đơn vị nắm 15% vốn điều lệ của Vietcombank. Việc này nhằm bảo đảm sự đồng thuận, khả thi trong quá trình thực hiện tăng vốn điều lệ.

Ủy ban này cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành liên quan xử lý phần lợi nhuận còn lại năm 2022, 2023 (lần lượt là 21.680 tỷ và 25.009 tỷ đồng), nhằm tăng năng lực tài chính cho Vietcombank, bù đắp mức thiếu hụt vốn tự có, bảo đảm an toàn hoạt động.

Ông Vũ Hồng Thanh cho hay, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ hơn cơ cấu sử dụng vốn được đầu tư bổ sung trên cơ sở bảo đảm phù hợp, thống nhất với mục đích đầu tư bổ sung vốn Nhà nước.

Trường hợp được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank, Ủy ban Kinh tế lưu ý, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải bảo đảm việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank đúng thẩm quyền quyết định, khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, sử dụng vốn một cách hiệu quả.

Vietcombank cũng phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tích cực bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn và chiến lược phát triển của ngân hàng, thực sự đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt ngành ngân hàng và là một trong các nguồn cung ứng vốn chủ lực của nền kinh tế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm