Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tổng cục GDNN: Làm tốt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chủ nhật, 20/12/2020 - 18:00

Công tác thanh tra, kiểm tra đã có sự lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, từ đó phát huy hiệu quả các nguồn lực đội ngũ thanh tra

Dạy nghề trực tiếp cho lao động. Ảnh minh họa (nguồn internet)

Năm 2020, để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, Tổng cục đã chỉ đạo giảm bớt quy trình kiểm tra các điều kiện bảo đảm hoạt động GDNN trong công tác đăng ký hoạt động GDNN, giảm các cuộc thanh tra chuyên ngành về GDNN theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt (giảm 15/42 trường).

Công tác thanh tra, kiểm tra đã có sự lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, từ đó phát huy hiệu quả các nguồn lực đội ngũ thanh tra. Giai đoạn vừa qua, Tổng cục đã xây dựng, ban hành, triển khai Phiếu tự thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về GDNN đến tất cả các cơ sở GDNN trong phạm vi toàn quốc để các cơ sở tự kiểm tra, chấn chỉnh tồn tại, hạn chế, vi phạm. Chỉ đạo tập trung thanh tra theo chuyên đề, thanh tra những vấn đề báo chí, dư luận phản ánh có sai phạm như: liên kết đào tạo; liên thông đào tạo; đào tạo chui; học giả bằng thật; điều kiện bảo đảm chất lượng…

Tiến hành thanh tra 159 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về GDNN. Qua thanh tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật về GDNN (xử phạt hành chính đối với 27 cơ sở GDNN với số tiền 1.895 triệu đồng; đình chỉ hoạt động GDNN đối với 42 cơ sở GDNN, 135 địa điểm đào tạo, 55 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp; yêu cầu thu hồi, hủy bỏ 11.312 văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp cấp không đúng quy định). Đồng thời, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, xử lý hành vi vi phạm trong tổ chức hoạt động GDNN theo quy định của pháp luật về GDNN, hằng năm có văn bản hướng dẫn Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về GDNN, trong đó tập trung vào các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; Tuyển sinh; liên thông; liên kết đào tạo; xây dựng ban hành các quy chế triển khai Luật GDNN; quản lý, cấp văn bằng chứng chỉ; hiệu quả đầu tư; hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT,...nhờ đó các cơ sở GDNN đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về GDNN.

Thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký hoạt động GDNN qua bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN. Trình Lãnh đạo Bộ về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN và linh hoạt quy mô tuyển sinh/năm giữa các trình độ, ngành, nghề đào tạo trong cùng nhóm ngành, nghề đào tạo. Hướng dẫn, yêu cầu các địa phương, các cơ sở GDNN cập nhật số liệu đăng ký hoạt động GDNN, công khai các điều kiện bảo đảm tổ chức hoạt động GDNN nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đăng ký hoạt động GDNN và tăng cường giám sát của xã hội, người học và các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN. Thực hiện cập nhật hằng ngày kết quả cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN trên trang thông tin điện tử của Tổng cục.

Giai đoạn 2016-2020, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở GDNN, sau khi chuyển giao quản lý nhà nước từ Bộ GDĐT sang Bộ LĐTBXH, Tổng cục đã có 4 văn bản hướng dẫn các trường cao đẳng chuyển đổi cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN theo quy định. Đến 30/7/2017, đã thực hiện chuyển đổi cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN cho 400 lượt trường cao đẳng để kịp thời tuyển sinh GDNN năm 2017. Đồng thời, nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quản công tác đăng ký hoạt động GDNN, từ tháng 9/2019 đến nay, Tổng cục đã có văn bản hướng dẫn các trường cao đẳng khi đăng ký: (i) Chuyển cơ chế từ tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm đối với việc đăng ký hoạt động GDNN, Tổng cục đã thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN qua bộ phận 1 cửa giải quyết TTHC. Yêu cầu các trường công khai các điều kiện đảm bảo cấp giấy chứng nhận đăng ký trên trang thông tin điện tử của trường để xã hội, người dạy, người học giám sát và gửi Sở LĐTBXH trên địa bàn để kiểm tra, giám sát; (ii) Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin khi lập hồ sơ đăng ký hoạt động GDNN. Chỉ nhận hồ sơ bản đăng ký qua bản điện tử đối với các hồ sơ về: Chương trình đào tạo; hồ sơ nhà giáo; hồ sơ thiết bị, dụng cụ đào tạo. Không nhận hồ sơ bản giấy; (iii) Đã báo cáo Lãnh đạo Bộ cho phép khi cấp giấy chứng nhận các trường cao đẳng được linh hoạt quy mô giữa các ngành, nghề, trình độ đào tạo trong cùng nhóm ngành, nghề. Tháng 7/2019, Tổng cục đã báo cáo Bộ cho thực hiện việc đăng ký trực tuyến (cấp độ 3, 4) khi bàn giao điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin để triển khai áp dụng đăng ký trực tuyến qua mạng với khoảng 700 ngành, nghề cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Đã báo cáo Bộ đưa vào kế hoạch xây dựng văn bản 2021 trình Chính phủ ban hành Nghị định cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục hành chính trong lĩnh vực GDNN tại 03 Nghị định (Nghị định 15/2019/NĐ-CP; Nghị định số 143/2016/NĐ-CP; Nghị định số 140/2018/NĐ-CP).

Hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định, công dân đến Tổng cục GDNN được tiếp đón chu đáo và giải quyết kịp thời. Tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận xã hội; thông tin đầy đủ, kịp thời về các vấn đề được dư luận, xã hội quan tâm để doanh nghiệp, người dân hiểu và chia sẻ nhằm tạo sự đồng thuận trong thực thi chính sách, pháp luật về GDNN.

Liên Liên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm