Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tiền Giang: Khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Đinh Mười

Thứ tư, 27/04/2022 - 17:35

(Thanh tra) - Ngày 27/4, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51km chính thức khánh thành sau hơn 13 năm khởi công, là tuyến đường quan trọng nối TP HCM đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại, được đông đảo người dân chờ đợi từ nhiều năm nay.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ TP HCM đi các tỉnh ĐBSCL và ngược lại. Ảnh: Quang Thư

Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào sử dụng từ 7h30 ngày 30/4, dự kiến trong khai thác trong 60 ngày với tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ tối thiểu 60km/h.

Đây là thời gian để công ty triển khai các bước thử nghiệm vận hành, kiểm soát tải trọng, đánh giá các khâu kỹ thuật trước khi chính thức đưa vào thu phí. Hiện nay, các hạng mục an toàn giao thông trên tuyến chính, tuyến nối, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống giao thông thông minh (ITS)… đã hoàn thành và được nghiệm thu. Trạm thu phí Cai Lậy, Cái Bè và An Thái Trung đã cơ bản hoàn thành.

Điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương), điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 30, có chiều dài 51,5km.

Trong đó, hạng mục nền mặt đường tuyến chính, tuyến nối đã hoàn thành; toàn bộ 53 cầu của dự án cũng hoàn thành, bao gồm 39/39 cầu trên tuyến chính, 3/3 cầu trên tuyến nhánh, 4/4 cầu thuộc các nút giao liên thông và 7/7 cầu vượt trực không. Hoàn thành 133 cống thoát nước của dự án, gồm 71 cống hộp và 62 cống tròn.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công vào tháng 11/2009. Dự án có quy mô mặt đường rộng 25,5 - 26,5m được thiết kế 4 làn xe với vận tốc 120 km/h; có hai làn dừng xe khẩn cấp với tổng vốn đầu tư ban đầu 19.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý II/2013.

Sau thời gian không thể tiếp tục triển khai, đến tháng 2/2015, dự án tái khởi động với liên doanh 6 nhà thầu, mục tiêu đặt ra hoàn thành vào quý II/2020.

Sau khi tái khởi động, dự án vẫn thực hiện không đạt theo kế hoạch. Đến cuối năm 2018, khối lượng công việc mới chỉ được khoảng 10%. Để đẩy nhanh tiến độ, Thường trực Chính phủ giao cho UBND tỉnh Tiền Giang làm đại diện cơ quan quản lý Nhà nước thay cho Bộ Giao thông vận tải.

Sau khi dự án thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh là 12.668 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 2.186 tỉ đồng, còn lại là vốn BOT là 10.482 tỉ đồng.

Trước đó, từ 0h ngày 25/1 đến 24h ngày 10/2, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho các phương tiện tạm lưu thông, phục vụ người dân trong 15 ngày trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm