Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thương hơn… ngày Xuân về

Đan Quế

Thứ bảy, 01/01/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Hàng trăm cán bộ, nhân viên của ngành Thanh tra mắc Covid-19 hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch trăm năm có một này. Lắng nghe câu chuyện các anh chị vượt qua đại dịch, chúng tôi thấy ấm lòng bởi nghị lực, bản lĩnh của người cán bộ ngành Thanh tra…

2022, niềm tin về một năm mới bình an, dịch bệnh được đẩy lùi

Vượt qua dịch bệnh

Cuối tháng 5/2021, dịch bệnh bùng phát tại TP Hồ Chí Minh. Các ca mắc tăng và gia tăng liên tiếp ở cộng đồng. Tuy nhiên, khi đó, nhiều người dân còn thấy dịch bệnh ở rất xa mình, dường như các con số về ảnh hưởng khốc liệt của dịch bệnh chỉ ở trên báo chí, ở nước ngoài chứ chưa tác động nhiều đến mình. Nhưng rồi số ca mắc càng ngày càng tăng, diện ảnh hưởng càng ngày càng gần. Trẻ em học trực tuyến. Người lớn làm việc online. Cửa hàng, siêu thị gần nhà đóng cửa. Chợ quen không còn hoạt động…

Anh Võ Minh Thiện, chuyên viên của Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 chia sẻ, anh phát hiện mình mắc Covid-19 khi dịch ở TP Hồ Chí Minh đang ở cao điểm đợt 2, cuối tháng 8 đầu tháng 9/2021. Dù bệnh lý không có biểu hiện nặng nhưng tâm lý khi đó rất lo lắng, căng thẳng. Công việc thì không bị áp lực bởi từ trước đó, Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 đã triển khai đến anh em hình thức làm việc trực tuyến. Nhìn về cơ quan thì đồng nghiệp nữ mắc bệnh diễn biến nặng, phải nhập viện điều trị nửa tháng cũng đã kiên cường vượt qua và đang hồi phục rất tốt. Nhưng nỗi lo âu vẫn nặng trĩu vì lo và thương cho mọi người quanh mình.

Con còn nhỏ, cha mẹ đều cao tuổi. Nỗi lo cho sức khỏe của những người xung quanh mình, cho gia đình mình lúc nào cũng hiện hữu. Rồi cả vợ, 2 con anh đều nhận kết quả xét nghiệm mắc Covid-19. Nỗi lo càng nhân lên gấp bội phần khi các thành viên của gia đình tiếp nhận được các thông tin tiêu cực về dịch bệnh qua mạng xã hội, báo chí nước ngoài, thậm chí cả các thông tin tiêu cực về thiếu thuốc men, lương thực của TP Hồ Chí Minh…

Nhận thức được nếu cứ bị chi phối bởi các “thông tin đen” như vậy, tâm lý và cảm xúc của cả gia đình sẽ không tốt, dễ dẫn đến diễn biến bệnh xấu hơn, anh Thiện đã làm công tác tư tưởng cho chính mình, cho vợ và con mình. Anh tuyệt đối không cho các thành viên trong gia đình đọc những thông tin độc hại trên mạng xã hội, không đọc gì ngoài báo chí chính thống trong nước. Tiếp đó là tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của y bác sĩ, giữ vững tinh thần lạc quan, vui vẻ… Nhờ vậy, dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi, cả gia đình anh bình an vượt qua đoạn đường sóng gió nhất.

Anh Trần Tấn Phong, chuyên viên Phòng Công tác phía Nam, Văn phòng Thanh tra Chính phủ, cho biết, anh và bà xã cũng phát hiện bị mắc Covid-19 vào đợt bùng phát thứ 2 của TP Hồ Chí Minh. May mắn là đã tiêm được 1 mũi vắc xin nên anh không có triệu chứng. Nhờ vậy, hai vợ chồng điều trị tại nhà. Thuốc men và thực phẩm đều được ban quản trị khu dân cư tiếp tế đưa đến tận nơi. Các qui trình kiểm tra về y tế được hướng dẫn chu đáo. Anh luôn động viên bà xã tuân thủ đúng qui trình điều trị, giữ sự lạc quan và yên tâm tin tưởng vào phác đồ điều trị của nhân viên y tế. Cùng với đó, lại là trụ cột để động viên gia đình, con cháu ở quê yên tâm, không được hoang mang, lo lắng.

Trên 20 ngày tự điều trị tại nhà của 2 vợ chồng, với anh Phong, là những tháng ngày kiên cường không thể nào quên được.

5K + vắc xin + ý thức phòng, chống dịch bệnh là công thức mà nhiều đồng nghiệp của chúng tôi tin chính là bí quyết để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả

Chúng tôi muốn kể nhiều hơn về chị Trần Thu Huyền, chuyên viên của Báo Thanh tra, đồng nghiệp gần nhất của chúng tôi. Chị Huyền cho biết, ngay từ khi TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch bệnh, chị đã nâng cao ý thức phòng chống dịch cho mình và gia đình. Các biện pháp phòng dịch như tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc tối đa, công việc chuyển sang hình thức trực tuyến, chú trọng nâng cao sức khỏe… đều được chị tuân thủ nghiêm túc với ý thức đề cao cảnh giác.

Chị Huyền cũng thường xuyên động viên chồng đang công tác bên ngành Quân đội yên tâm về gia đình và toàn tâm toàn ý cho công việc. Vợ chồng, con cái hầu như chỉ “gặp” nhau tranh thủ qua video call, tin nhắn.

Đợt dịch thứ nhất bùng phát, chị và gia đình bình an. Đợt dịch thứ hai bùng phát, khi cả khu dân cư chị ở đều thực hiện 4 tại chỗ, lương thực và tiếp tế được gửi đến tận các hộ gia đình, chị vẫn chủ động thông tin lại với ban quản trị đề nghị ưu tiên thực phẩm đến các hộ gia đình khác. Chị và con vẫn khỏe mạnh và có thể chủ động lo cho mình. Hãy nhường các túi an sinh đến các gia đình khó khăn hơn… May mắn thay, chị và con lại bình an vượt qua đợt dịch khốc liệt thứ hai.

Ấy nhưng đến khi cả TP Hồ Chí Minh hồi phục sức khỏe, tưởng như tất cả đều được trở lại với nhịp sống tấp nập, hối hả bình thường thì chị lại phát hiện mình mắc Covid-19. Ngôi nhà nhỏ chỉ có 2 mẹ con dường như rộng hơn. Vì chị tự điều trị, tự cách ly tại nhà trong một phòng riêng. Cậu con trai còn nhỏ, mới 9 tuổi lần đầu học cách tự chăm sóc cho mình, cũng là lần đầu học cách… xa mẹ ngay trong nhà mình. Không được làm nũng, sà vào lòng mẹ. Không có bố ở bên để dựa dẫm vì bố vẫn bận công tác xa. Ông bà lại không ở cùng… Những lo âu của chị Huyền không chỉ vì dịch bệnh nữa mà dành phần lớn cho sự non nớt của con. Thương con đã 8 tháng trời thay đổi nếp sống vì dịch bệnh, chuyển hẳn cuộc sống chạy nhảy tinh nghịch trước đây về sự bó buộc kìm nén trong 4 bức tường, dường như hình thành thói quen ỷ lại vào mẹ. Vậy mà từ khi mẹ mắc bệnh, cậu bé tự phải trưởng thành, rắn rỏi hơn rất nhiều. Dường như cả TP Hồ Chí Minh phải tự lập, tự lực để lo bảo vệ sức khỏe và bình an cho thành phố.

Đã vậy, thời điểm chị mắc bệnh lại là cuối năm, bao nhiêu công việc liên quan đến tổng kết cơ quan bộn bề. Chị là một bệnh nhân vượt Covid-19 đầy nghị lực…

Những nhắn gửi yêu thương

Niềm thương yêu và lo lắng của chị Thu Huyền dành cho các thành viên của gia đình, người thân, đồng nghiệp, người quen cũng giống của chị Nghiêm Lan, chuyên viên của Báo Thanh tra.

Chị Nghiêm Lan và ông xã cũng phát hiện mắc Covid-19 ở thời điểm cuối năm. May mắn hơn, chị có sự động viên và đồng hành cùng ông xã và gia đình nhiều người hỗ trợ. Lại nhờ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên các triệu chứng của bệnh nhẹ hơn, giảm bớt những lo âu.

Đây cũng là tâm trạng của rất nhiều các anh, chị đồng nghiệp trong ngành Thanh tra mà chúng tôi có thể kể ra đây: Nguyễn Văn Thịnh, Lê Thái Châu, Lê Thanh Dự, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Hải Hương, Cao Ngọc Tuấn, Lê Thị Bích, Lê Thị Giỏi, Lại Tiến Dũng…

Trong câu chuyện chúng tôi ghi nhận được từ khi đang mắc bệnh và điều trị cho đến những ngày trở lại với công việc, tất cả các anh chị đều kiên trì giữ cho mình niềm tin và quyết tâm chiến thắng bệnh dịch. Dường như, chưa có một lúc nào các anh chị quên động viên gia đình và đồng nghiệp yên tâm, đừng lo lắng, đừng hoang mang. Tất cả các anh chị trò chuyện với chúng tôi đều dặn dò, nhớ giữ gìn sức khỏe và phòng dịch cẩn thận, đừng phút nào lơ là, chủ quan.

Anh Võ Minh Thiện còn xúc động dặn dò, bạn bè và người thân của anh ở nhiều tỉnh đang còn dịch nên không thể hết lo âu. Nhưng anh tin, với tâm lý vững vàng, khỏe mạnh, ý thức phòng bệnh cao thì bệnh lý do dịch bệnh mang lại sẽ lùi bước; đây cũng là bí quyết để anh em, bạn bè đồng nghiệp và gia đình của anh vượt qua dịch bệnh.

Anh Trần Tấn Phong cũng chia sẻ, vượt qua dịch bệnh Covid-19, không chỉ riêng anh có một cách nhìn khác về chân giá trị của cuộc sống. Dường như tiền bạc, vật chất, danh lợi không còn quan trọng như người ta vẫn tưởng. Cái còn lại, đọng lại quan trọng nhất vẫn là sự sống, là sức khỏe, là yêu thương…

Nhắn gửi với chúng tôi, Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai, anh Nguyễn Ngọc Thắng chia sẻ, vượt qua thời gian là điểm nóng của dịch bệnh, không ít cán bộ mắc dịch Covid-19, nhiều lượt cán bộ phải luân phiên nghỉ do tiếp xúc với F0 nhưng tất cả các cán bộ của ngành Thanh tra tỉnh Đồng Nai đều tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh và cán đích năm 2021 hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Anh Thắng cũng chia sẻ, sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND ở Đồng Nai, của cơ quan cũng như sự động viên chia sẻ kịp thời và ý thức của mỗi cán bộ, thanh tra viên chính là bí quyết để ngành Thanh tra Đồng Nai giữ vững thành trì, vượt qua dịch bệnh.

Chúng tôi muốn mượn lời của Chánh Thanh tra tỉnh Đắc Nông, chị Phạm Thị Trà My để kết thúc bài viết này. Chị My chia sẻ, may mắn là chưa có cán bộ nào mắc Covid-19 nhưng ngành Thanh tra tỉnh Đắc Nông chịu ảnh hưởng gián tiếp của dịch bệnh, nhiều lượt cán bộ phải nghỉ, áp dụng biện pháp giãn cách vì tiếp xúc với F0 hoặc về từ vùng có dịch. Năm 2022, dịch bệnh vẫn được dự đoán còn diễn biến phức tạp. Do vậy, ý thức tuân thủ các qui định về phòng dịch, không được chủ quan và luôn nâng cao ý thức đảm bảo an toàn là yếu tố rất quan trọng để dịch bệnh được khống chế, đưa đất nước trở về trạng thái phát triển bình thường.

Chúng tôi tin rằng, đây cũng là niềm tin của nhiều cán bộ ngành Thanh tra dành cho Xuân mới 2022, niềm tin về một năm mới bình an, dịch bệnh được đẩy lùi và cả đất nước, cả ngành Thanh tra và mỗi gia đình trở về trạng thái bình thường!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...

Văn Thanh

12:44 22/11/2024
Điện Biên: Mường Ảng phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giúp dân giảm nghèo

Điện Biên: Mường Ảng phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giúp dân giảm nghèo

(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phát huy hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp diện mạo các địa bàn còn nhiều khó khăn đổi thay, tạo sinh kế, việc làm… giúp cải thiện đời sống Nhân dân, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 22,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,04%.

Trần Trung

11:43 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm