Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thung Vòng: Xóm 5 không

Thứ tư, 17/12/2014 - 08:51

(Thanh tra) - Không đường giao thông, không lớp học, không điện, không nước sinh hoạt hợp vệ sinh, không ruộng cấy lúa. Và, 13/13 hộ trong xóm thuộc diện hộ... nghèo. Đó là thực trạng ở xóm Thung Vòng, xã Do Nhân, huyện Tân Lạc, Hòa Bình.

Người dân chăm chút từng bông lúa. Ảnh: Hồng Bài

Không đường 

Buổi sáng, sương mù đặc quánh, rét tê cóng bàn chân. Đường lên xóm Thung Vòng như cái thang dựng đứng, chọc thẳng lên trời. Người khỏe đi cũng phải dò từng bước, tay bám vào vách đá, rễ cây mà đu lên. Vì thế, người già, trẻ nhỏ quanh năm ngày tháng không một lần bước chân xuống núi. 

Ông Bùi Văn Hỵ, Trưởng xóm Thung Vòng nói vui: "Người xóm mình nhìn thấy cái máy bay nhiều hơn cái ô tô, xe máy". Ông Hỵ lý giải rằng, đỉnh núi Tang cao hơn nghìn mét, khi máy bay "đi" qua, nhìn to như cái bồ đựng ngô. Và ngày nào cũng có máy bay "đi" qua. Còn ô tô thì chỉ nghe tiếng ầm ì như tiếng cối xay thóc từ con đường dưới chân núi vọng lên. Nhiều cụ đã ngoài 70, 80 tuổi mà chưa một lần nhìn thấy ô tô, xe máy. Chưa biết chiếu bóng, văn công, văn nghệ là gì. 

Không có đường giao thông nên sản phẩm của người dân làm ra như ngô, sắn, rau xanh, lợn, gà... biết bán cho ai. Và cũng không ai cất công cả ngày leo lên núi để mua vài con gà, mấy chục cân ngô rồi gánh, gùi xuống núi. Vì thế sản phẩm làm ra, các hộ chủ yếu là để phục vụ cho đời sống sinh hoạt gia đình.

Không điện  

Đến Thung Vòng, không phân biệt được đâu là đầu xóm, đâu là cuối xóm. Cả xóm có 13 hộ, thì cả 13 nóc nhà như cái hộp gỗ dán vào vách núi. Dân cư ít lại sống rải rác, mỗi sườn núi chỉ 2, 3 hộ. Đêm đến, trong nhà chỉ leo lét ánh đèn kỳ. Mùa đông nhà nào cũng có bếp lửa giữa nhà, cháy rừng rực cả đêm nên nhà cửa sáng sủa hơn. Có lẽ, những đồ dùng sinh hoạt tối thiểu, bình thường nhất của người dân các xóm trong xã như: Xe đạp, ti vi, quạt điện... thì với người dân Thung Vòng lại là thứ xa xỉ. Dù có mua các thứ đồ điện về cũng chỉ xếp vào góc nhà. Điện đâu mà dùng. 

Ông Bùi Văn Tẹn cho biết: "Mỗi lần xuống núi thăm họ hàng, thấy nhà nào cũng rực sáng ánh điện, ti vi màu, quạt điện, nấu cơm, đun nước cũng bằng điện. Ra đường, buổi tối mà như ban ngày, đường làng, ngõ xóm sáng rực. Nhìn mà "thèm" quá. Mới đây, nghe tin Nhà nước sẽ khởi công xây dựng công trình thủy điện nhỏ STREAM, để cấp điện cho bà con Thung Vòng, cả xóm mừng vui khấp khởi. Một vài hộ đã bán trâu mua ti vi, quạt máy đợi điện "về". Nhưng không biết đến bao giờ người dân Thung Vòng mới nhìn thấy ánh điện". 

Máng nước sinh hoạt của người dân Thung Vòng. Ảnh: Hồng Bài 


Không lớp học  

Thung Vòng có gần 60 nhân khẩu. Trong đó có gần 40 người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, số lao động trong xóm ít khi ở nhà, họ đi làm thuê tứ xứ, ở đâu có người cần thuê lao động thì đến, đào rãnh mía, phụ hồ, nhổ sắn, gánh phân, gặt hái... không từ việc gì. Một năm, họ ở nhà nhiều thì ba tháng, ít chỉ một, hai tháng rồi lại đi làm thuê. 

Trưởng xóm than thở, trình độ văn hóa thấp, trình độ tay nghề không có, họ làm việc bằng vai u thịt bắp vậy thôi. Lao động thủ công, một công được mấy đồng bạc, ăn chưa đủ chứ nói gì đến tiết kiệm, tích lũy. Đây là hậu quả của xóm không có lớp học. Nhà nào có con học hết lớp 7, lớp 8 là tốt lắm rồi. Con cái đi học phải xuống ở trọ tại các xóm quanh trường.

Một tuần bọn trẻ về nhà một lần lấy gạo, rau xanh. Nhà nào có tiền thì cho con được chục nghìn đồng, nhà khó khăn thì bốn, năm nghìn đồng. Ở cái xóm Thung Vòng này, người dân đã nghèo của, lại kéo theo cái "nghèo con chữ". Bà con nói rằng, họ ao ước có lớp học tại xóm để con em được đến lớp học chữ. 

Không nước hợp vệ sinh 

Nước sinh hoạt không thiếu, nhưng nước hợp vệ sinh thì không có. Người dân Thung Vòng không có khái niệm về nước sạch. Đi đến các gia đình, không thấy nhà ai có giếng nước, mà chỉ thấy máng nước trước sân, trong bếp. Hỏi mới biết, các hộ dùng cây bương, cây vầu bổ đôi làm máng dẫn nước từ các con suối về nhà để dùng. Mùa khô, nước chảy như cái đuôi bò, ri rỉ chảy vào cái xô hay thùng nhựa loại 50 - 100 lít. Cả xóm không nhà nào xây bể chứa nước, bể lọc nước. Mùa mưa, nước ngầu đục, kéo theo bùn đất, lá rừng chảy tắc cả máng. 

Nguồn nước tự nhiên, trâu bò, lợn gà thả rông. Nhiều khi người dùng nước khúc suối dưới, trâu đằm khúc suối trên.

Không ai dám nói nước suối là nước sạch, nước hợp vệ sinh.

Không ruộng cấy lúa    

Thung Vòng không có ruộng cấy lúa. Đất ở đây có độ dốc cao, cằn cỗi, cây ngô cũng khó ra bắp, nói gì cây lúa. Hộ nào ở gần suối, tiện nước tưới thì cuốc đất, lật đá, be bờ, khai hoang, phục hóa làm ruộng cấy lúa. Ruộng nào rộng cũng chỉ 20 - 30m2, ruộng bé chỉ bằng cái giường, cái chiếu. Vụ nào mưa thuận gió hòa, hộ nhiều ruộng thu được hơn tạ thóc. Hộ ít ruộng chỉ được vài chục cân.

Bà Bùi Thị Thủy cho biết, những thửa ruộng ven suối, cắm cây lúa xuống cứ như đánh bạc với ông trời. Vụ mùa, lúa đang trỗ, chỉ một cơn mưa, lũ núi cuốn phăng không còn một gốc trên ruộng. Vụ chiêm lại khô hạn, giá rét, cây lúa không trỗ nổi bông.    

Phải nói rằng, những cái tối thiểu mà cuộc sống của người nông dân phải có, như ruộng, nương, nước, cơ sở hạ tầng thì ở xóm Thung Vòng không có. Con số 100% hộ thuộc diện nghèo đã phản ánh đúng thực tế đời sống vật chất, tinh thần ở xóm 5 không - Thung Vòng.

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm