Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tạo nhiều điều kiện cho các huyện miền núi phát triển

Văn Thanh

Thứ hai, 13/09/2021 - 12:38

(Thanh tra) - Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 95 xã và 127/181 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 . Toàn khu vực hiện có 7 dân tộc sinh sống, gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú, với tổng số dân khoảng 927 nghìn người, trong đó có hơn 670 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS).

Nhờ có các đề án phát triển kinh tế vùng miền núi Thanh Hóa, đời sống đồng bào ngày một đổi thay và phát triển. Ảnh: VT

Nhiều đề án được thực hiện để ổn định đời sống đồng bào miền núi

10 năm qua (2011-2020), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển khu vực miền núi như: “Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2013-2020”, “Đề án Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, “Đề án Phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, “Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS đến năm 2020”, “Đề án Ổn định đời sống và phát triển kinh tế xã hội đồng bào Khơ Mú, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, “Đề án Điển hình giảm nghèo bền vững 7 huyện nghèo”, “Đề án Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020...

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn, giúp đỡ các huyện miền núi xây dựng các chương trình, đề án, dự án trên địa bàn từng huyện để triển khai thực hiện, trong đó ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc như: Hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường, lớp học, cơ sở y tế, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm...

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa còn có một bộ phận theo dõi, nắm bắt tình hình khu vực miền núi phía Tây của tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế xã hội các huyện phát triển.

Do đó, giai đoạn 2011–2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn các huyện miền núi bình quân hằng năm ước đạt 8,7%. Quy mô kinh tế của các huyện miền núi năm 2020 ước đạt 36.896 tỷ đồng, chiếm 15,6% quy mô GRDP của tỉnh. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm mạnh từ 44% năm 2010 xuống còn 31,3% năm 2020; ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 25,7% năm 2010 lên 36,6%; ngành dịch vụ tăng từ 30,3% năm 2010 lên 32,1%. GRDP bình quân đầu năm 2020 ước đạt 1.648 USD, gấp 2,9 lần năm 2010, bằng 61,7% bình quân chung toàn tỉnh (khoảng 2.670 USD). Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các huyện năm 2020 ước đạt 33,1 triệu đồng, bằng 76% thu nhập bình quân đầu người chung của tỉnh.

Trong sản xuất nông, lâm, thủy sản đã dịch chuyển theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường. Các huyện miền núi đã tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao; hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung phục vụ các nhà máy chế biến như: Vùng mía nguyên liệu 16.770 ha, chiếm 74,5% tổng diện tích mía nguyên liệu toàn tỉnh; vùng sắn nguyên liệu 9.800 ha, chiếm 89% tổng diện tích sắn nguyên liệu toàn tỉnh; vùng cao su 12.360 ha, chiếm 91,6% tổng diện tích cao su toàn tỉnh; vùng trồng cây ăn quả tập trung 3.000 ha, chiếm 43% tổng diện tích cây ăn quả tập trung toàn tỉnh... Thực hiện chuyển đổi linh hoạt 4.524 ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả hơn; tích tụ, tập trung được 1.600 ha đất trồng trọt. Chăn nuôi có chuyển biến rõ nét, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Phát triển các sản phẩm lợi thế, như bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn hướng nạc, gà lông màu, con nuôi đặc sản.

Phát huy lợi thế phát triển lâm nghiệp, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tập trung lãnh đạo chuyển từ khai thác rừng tự nhiên sang bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và khai thác bền vững rừng trồng; chăm sóc rừng năm 2020 ước đạt 36.336 ha, tăng 10.657 ha so với năm 2010; bảo vệ rừng 560.491 ha, tăng 52.489 ha so với năm 2010; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 ước đạt 69,7%, tăng 6,16% so với năm 2010. Tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế như quế 1.000 ha, luồng thâm canh 30.000 ha, gỗ lớn 52.000 ha. Ở nhiều địa phương đã hình thành mối liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được các địa phương, tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận trong tham gia ủng hộ, hiến đất, lao động để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi có 57 xã, 566 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 31%, bình quân đạt 13,8 tiêu chí/xã. Ước hết năm 2020, có 64 xã, 636 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 34,8%; bình quân toàn khu vực đạt 14,5 tiêu chí/xã; có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tiếp tục chương trình phát triển miền núi và tạo sự đồng thuận cao

Trong phát triển công nghiệp, trên địa bàn các huyện miền núi đã có 3 khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích 469 ha (gồm: Bãi Trành 179 ha; Ngọc Lặc 150 ha và Thạch Quảng 140 ha). Ngoài ra, trên địa bàn các huyện có 21 cụm công nghiệp được quy hoạch với diện tích 643,7 ha, trong đó có 10 cụm đang hoạt động, thu hút 36 doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh với diện tích thuê đất 128,4 ha, đạt tỷ lệ 37% diện tích quy hoạch. Tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề cũng được quan tâm phát triển, hình thành nhiều tổ hợp tác, HTX liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó tạo điều kiện phát triển nhiều ngành nghề truyền thống như: Mộc dân dụng, gỗ xẻ, sản xuất nông cụ cầm tay, làm măng ớt, dệt thổ cẩm, đan cót... Du nhập một số nghề mới như: Đan đèn lồng (Thường Xuân), thêu ren đính hạt cườm (Ngọc Lặc), hương xuất khẩu (Cẩm Thủy)... góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực.

Công tác giảm nghèo, giải quyết việc được quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2011-2020, các huyện đã giải quyết việc làm cho 153.800 lao động, trong đó có khoảng 25.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 28,3% (năm 2010) lên 53% (ước năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo các huyện giảm mạnh, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm giai đoạn 2011- 2015 là 5,91%; giai đoạn 2016-2020 ước giảm bình quân 4,62%/năm, có 1 huyện (huyện Như Xuân) thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, có 5% số xã đặc biệt khó khăn và 30% thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020.

Phát huy những kết quả đạt được, trong tháng 7/2021 Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU về Chương trình Phát triển kinh tế xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025. Đây là một trong những chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời cũng là quyết sách lớn của Quốc hội và Chính phủ quan tâm.

Mục tiêu của chương trình là tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc khu vực miền núi. Khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong khu vực, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách về mức sống của người dân so với miền xuôi, giảm dần địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối thuận lợi với các vùng trong và ngoài tỉnh. Phát triển toàn diện giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, từng bước xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Để tổ chức thực hiện tốt chương trình, Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, nhất là các huyện miền núi phải tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu rộng nội dung chương trình đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong quá trình thực hiện. Theo đó, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch của địa phương, đơn vị và tổ chức thực hiện đạt kết quả. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh, căn cứ nội dung chương trình, cụ thể hóa thành các kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách và phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành, địa phương, đơn vị. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm