Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tài xế chở F0: Chỉ sợ không kịp chuyển bệnh nhân trở nặng lên tuyến trên

Nghiêm Lan

Thứ sáu, 27/08/2021 - 06:38

(Thanh tra)- Thường xuyên tiếp xúc với F0, nhưng các tài xế không lo sợ mình nhiễm Covid-19, mà họ lo cho người bệnh. “Thực tế, cầm vô lăng bao nhiêu năm, từng chở người bệnh trên xe, nhưng giờ chở F0 chuyển nặng, tôi vừa chạy vừa run, chỉ sợ không kịp lên tuyến trên, bởi cuộc sống của họ tính bằng phút, bằng giây. Đến khi bệnh nhân được nhập viện, anh em tôi rưng rưng vì thêm một người được cứu”, một tài xế bộc bạch.

Tài xế cùng các y tá chờ vận chuyển bệnh nhân thu dung. Ảnh: NL

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, anh Nguyễn Huy Thiện (39 tuổi) cùng 10 tài xế, theo lời vận động của công ty, đã rời Sóc Trăng lên TP Hồ Chí Minh, xung phong vào tuyến đầu chống dịch. Công việc hàng ngày của các anh là vận chuyển bệnh nhân Covid-19 tiến triển nặng ở tuyến dưới lên tuyến trên để được điều trị kịp thời; chở các y, bác sĩ đi test sàng lọc...

Sợ và quên sợ

Được hỏi lý do rời gia đình tham gia “cuộc chiến”, anh Nguyễn Huy Thiện chia sẻ: "Khi lên đường đi tình nguyện, tôi nghĩ đơn giản đây là “cuộc chiến” chung, nếu không góp sức mà để virus lây lan thì có thể chúng ta sẽ mất đi người thân. Sẵn sàng tinh thần là vậy, nhưng ngày đầu tiên, nghe điện thoại của bác sĩ thông báo phải chở F0, tôi cũng sợ lắm, tay chân run lẩy bẩy. Nhưng rồi tận mắt thấy cảnh người già, trẻ nhỏ… tay xách nách mang đủ thứ đồ đạc thì tôi chịu không nổi. Cứ vậy mà lăn xả vào giúp họ để mang vác, sắp xếp hành lý, dìu họ lên xe cho an toàn… và quên luôn sợ hãi. Và bây giờ, mấy anh em chúng tôi chỉ sợ bệnh nhân không qua cơn nguy kịch.

Nên khi nhận được cuộc gọi cấp cứu, chúng tôi (bác sĩ, tài xế) đều tức tốc mặc đồ bảo hộ, nhanh chóng lên đường. Tập trung cao độ, tôi ôm chặt vô lăng, trong bộ đồ phòng hộ cá nhân với kính mắt luôn đọng hơi nước, mắt nhíu lại, liên tục bấm còi xin đường... xe đậu được trước cửa phòng cấp cứu, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi thở phào. Đây chính là điều vui mừng nhất đối với chúng tôi".

Thế nhưng “khi phải chứng kiến những ca bệnh trở nặng không qua khỏi, lòng tôi nặng trĩu, có những hôm chúng tôi vội vàng lên xe, nhưng đến nơi cũng không kịp, vì ca bệnh trở nặng nhanh quá, nhìn cảnh bệnh nhân vật vã trước khi mất, lại không có người thân bên cạnh, xót lắm! Chợt nghĩ đến người thân mình ở quê, nếu lỡ bị như thế... lòng tôi quặn lại, không cầm được nước mắt, về đến nhà lòng buồn không chịu được, ngủ không nổi”, tài xế Thiện buồn rầu kể lại.

Anh có nhớ mình đã chở bao nhiêu bệnh nhân Covid-19 trở nặng đi cấp cứu hay không? - PV hỏi, anh Thiện chỉ cười, rồi nói: "Tôi chưa bao giờ ngồi thống kê lại số lượng các chuyến đi. Tôi cho rằng mình là người may mắn vì đến giờ sức khỏe vẫn tốt. Tôi cũng đã được tiêm vaccine, nên nếu không may bị nhiễm Covid-19 thì mức độ sẽ nhẹ hơn so với người khác. Tôi chỉ lo, nếu mình ngã bệnh thì sẽ không giúp được ai nữa và tăng thêm gánh nặng cho đồng đội".

F0 khỏi bệnh, xin quay lại tuyến đầu chống dịch

Anh Mai Văn Đèo (53 tuổi, quê ở Cà Mau) cũng là tài xế tình nguyện chống dịch Covid-19, nhưng lại không may mắn như anh Thiện. Vừa mới bước chân vào cuộc chiến chống Covid-19 được hơn hai tuần, thì anh nhận kết quả test nhanh dương tính với Covid-19. Trải qua những cơn ho đau đến thắt bụng, những lần sốt cao, mệt mỏi rã rời tay chân, sau 10 ngày, sức khoẻ anh Đèo dần ổn định. Bác sĩ tiếp tục yêu cầu phải cách ly thêm 7 ngày để theo dõi. Ngay khi nhận kết quả âm tính và giấy xuất viện của bác sĩ, anh Đèo ngay lập tức điện thoại cho người phụ trách xin quay trở lại với công việc.

"Sức khỏe tôi đã bình thường trở lại, tôi tiếp tục chống dịch cùng đồng đội, có cực mấy đi nữa, nguy hiểm mấy đi nữa cũng chịu được, chỉ mong sao bệnh nhân Covid-19 không trở nặng, vì không trở nặng là sẽ qua khỏi”, tài xế Đèo nói. Anh cũng cho biết, người bị nhiễm Covid-19 quá trình chuyển nặng rất nhanh, có thể những ngày trước bệnh nhân vẫn bình thường, những ngày sau đã trở nặng, thở oxy, sau đó thở bằng máy.

Hỏi về công việc phải làm trong một ngày, anh chỉ nói đơn giản: “Phần lớn các chuyến đi của tôi là chở bệnh nhân F0 từ khu cách ly tập trung vào bệnh viện thu dung, chuyển bệnh nhân trở nặng lên tuyến trên”. Hành trình được tóm gọn trong vài chữ, nhưng thực tế, công việc hàng ngày của anh không nhẹ nhàng như vậy.

Bởi khi nhận lệnh đến phường nào thì cán bộ, hoặc nhân viên y tế ở đó họ sẽ thông báo cho bác tài địa chỉ cụ thể để đón các bệnh nhân F0 ở các khu đang bị phong toả. Cứ vậy, anh Đèo len lỏi vào từng ngõ ngách để đón bệnh nhân F0 đến bệnh viện thu dung, mà không cần biết đang là ngày hay đêm. Có lần, theo thông tin ban đầu là đưa bệnh nhân F0 đến bệnh viện thu dung này, nhưng khi đến thì nơi đây đã kín chỗ, nên anh phải chờ tin bệnh viện thu dung khác tiếp nhận để chở họ đi. Rồi có chuyến, anh nhận nhiệm vụ chở bệnh nhân F0 trở nặng từ bệnh viện thu dung đến bệnh viện tuyến đầu để điều trị. Lần khác, anh được phân công ra sân bay đón đoàn bác sĩ từ các tỉnh, thành vào thành phố hỗ trợ chống dịch.

Anh kể: “Có những hôm đang ăn cơm, nhận được điện thoại vận chuyển bệnh nhân Covid-19, vội vàng gói lại hộp cơm, phóng ra xe, phải làm sao thật nhanh để kịp cấp cứu bệnh nhân. Khi đưa họ đến nơi an toàn, tôi mừng lắm, tinh thần sảng khoái vì đã cứu được một người, nhờ bác sĩ xịt khuẩn toàn thân, mở hộp cơm tôi ăn nốt phần còn lại”.

Theo lời anh Đèo, từ ngày tham gia chiến dịch thiện nguyện, ngày làm việc không có lịch trình cụ thể. Bất cứ khi nào nhận được lệnh báo cần xe ở đâu là anh lên đường. Những bữa cơm dở dang, bữa trưa phải chuyển sang chiều, hay bữa ăn tối đến vào lúc nửa đêm đã là điều rất bình thường, đối với anh trong 2 tháng qua.

Bác sĩ rất khó thao tác khi phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, cùng với thời tiết nắng nóng của Sài Gòn. Ảnh: Internet

Trong đại dịch, có mất mát, có cực khổ, nhưng với tài xế Đèo, đây cũng là lúc nhìn rõ nhân sinh quan. Anh chia sẻ: “Tham gia tuyến đầu chống dịch, tôi chứng kiến đội ngũ y, bác sĩ từng phút giây giành giật sự sống cho bệnh nhân, chứng kiến rất nhiều áp lực bác sĩ phải chịu, mỗi lần nghe điện thoại các bệnh viện dã chiến liên hệ chuyển bệnh nhân nặng đến, là những lo lắng, bồn chồn. Phần vì lo số lượng bệnh nhân nặng ngày một tăng nhanh, phần vì thương nhiều bệnh nhân phải chịu cảnh bệnh nặng mà không có người thân đi cùng. Có những ngày, chứng kiến nhiều bệnh nhân nặng cùng tử vong, khiến các y, bác sĩ bị sốc, thẫn thờ nhìn nhau mà chẳng nói được câu nào”.

Dưới cái nóng oi bức của Sài Gòn, các y, bác sĩ vẫn hàng ngày mặc đồ bảo hộ kín mít, làm việc suốt từ 8 - 12 tiếng, quên ăn quên ngủ. Trong bộ đồ phòng hộ cá nhân, với kính chắn giọt bắn, luôn đọng hơi nước, thêm màn che bằng nilon hoặc hộp nhựa... họ vẫn sẵn sàng "chiến đấu" với Covid-19, giành lại sự sống cho các bệnh nhân.

Đó cũng chính là điều mà các tài xế chở bệnh nhân chuyển nặng đang trải qua hàng ngày. “Có lẽ trong suốt những tháng ngày ngồi sau vô lăng, chưa khi nào tôi nhận được nhiều bài học quý báu về sự sống, về sự san sẻ tình người trong những lúc khốn khó như thế này”, anh Đèo rưng rưng nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm