Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sửa sai để trả lại không gian đô thị biển cho cộng đồng

Thứ ba, 09/07/2019 - 06:33

(Thanh tra)- Sự kiện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định quyết định chấp nhận bồi thường, di dời 3 khách sạn đang hoạt động ổn định tại bờ biển TP Quy Nhơn để lấy lại không gian biển cho cộng đồng đã tạo ra cảm hứng mới cho người dân cả nước về chủ trương phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định sẽ đem đến giá trị bền vững về không gian biển cho cộng đồng, khi vịnh biển hình trăng khuyết của Quy Nhơn được thông thoáng. Ảnh: GT

Đây cũng là niềm mong ước của người dân các địa phương khác về quyết tâm thật sự của cơ quan chức năng trong xử lý các công trình đã, đang và sẽ lấn chiếm, đánh cắp không gian đô thị biển.

Đồng thuận vì lợi ích chung

Nếu nói về quyết tâm lấy lại bờ biển để phục vụ lợi ích chung thì trước tiên phải nhắc đến cách làm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Những năm 2000, khi nhận thấy khu vực bờ biển đường Thùy Vân đối mặt với hiện tượng bị lấn chiếm, không gian biển bị che lấp, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành một chiến dịch giải tỏa mà ban đầu bị nhiều người đánh giá là khó có thể thành công vì đụng chạm đến lợi ích của nhiều thành phần kinh tế. Nhưng với quyết tâm và cách làm phù hợp vì mục đích chung có sự đồng thuận của nhân dân, chỉ trong thời gian ngắn thì  khu vực bờ biển phường 2, TP Vũng Tàu đã sạch đẹp, là điểm đến của cả nước, là hình mẫu cho các địa phương có biển đến học tập kinh nghiệm. 

Sự đóng góp của Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào thành công này là thanh tra làm rõ sai phạm về tài chính đối với các quyết định cho doanh nghiệp du lịch thuê đất ven biển, kiến nghị truy thu hàng chục tỷ đồng cho ngân sách để địa phương có thêm nguồn lực giữ bờ biển xanh sạch đẹp.

Học tập cách làm này, đầu năm 2019, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định có kế hoạch di dời 3 khách sạn ven biển tại TP Quy Nhơn là: Hải Âu, Hoàng Yến, Bình Dương. Việc này đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng thông tin đến người dân với quyết tâm sẽ lấy lại bờ biển để xây dựng công viên, phục vụ các sinh hoạt văn hóa. Cả 3 khách sạn này đều có vị trí mặt tiền đường An Dương Vương, tiếp giáp bờ biển, với giá đất khoảng 300 triệu đồng/m2, nhưng với quyết tâm và cách làm phù hợp thì UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất với Binh đoàn 15 là tiến hành di dời khách sạn Bình Dương trước, với việc ngân sách địa phương hỗ trợ 32 tỷ đồng, bố trí một khu đất khác để xây dựng lại khách sạn. Hai khách sạn còn lại cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình thích hợp.

Đối với câu chuyện này, theo ông Tô Tử Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 1996 - 2001), việc di dời 3 khách sạn để khôi phục không gian bờ biển dài 5km từ Mũi Tấn đến Ghềnh Ráng thể hiện sự quyết tâm sửa sai của lãnh đạo địa phương. Đây là kết quả sau nhiều kiến nghị của cử tri, của cán bộ hưu trí tỉnh Bình Định về việc cần làm để giữ không gian biển cho nhân dân. 

Trước đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng đã kịp thời quyết định không cho chủ đầu tư Khu du lịch Hải Giang tiếp tục lấn biển Quy Nhơn, để giữ lại nét đẹp tự nhiên của vịnh biển hình vầng trăng khuyết.

Vẫn lỏng tay với sai phạm?

Thủ tướng Chính phủ đã có 4 quyết định liên quan đến quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường huyện đảo Phú Quốc để khu vực biển đảo này phát triển bền vững, trở thành một đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của cả nước. Vì nhiều lý do, mà cụ thể là lòng tham của nhiều chủ đầu tư, sự quản lý chồng chéo, không rõ ràng nên không gian chung của cộng đồng tại huyện đảo Phú Quốc đã bị lấn chiếm một cách trắng trợn trong sự bất bình của dư luận.

Sau khi chợ đêm Phú Quốc được di dời đến vị trí mới thì con sông Dương Đông lại phải đón nhận thêm nguồn nước thải chưa qua xử lý từ hàng trăm quán nhậu được dựng sát bờ sông. Khu vực chợ cũ là đường Võ Thị Sáu lại trở thành mặt tiền của khách sạn hình con tàu cao 7 tầng mang tên Seashells Phú Quốc Hotel & Spa do Tập đoàn Trần Thái làm chủ. Không gian bờ biển dinh Cậu, nơi có bãi tắm của người dân xứ đảo bị cả khối bê tông che lấp, còn hành lang bảo vệ bờ biển thì bị phần đế của khách sạn này “nuốt” gọn. 

Hành lang bảo vệ bờ biển, không gian biển tại huyện đảo Phú Quốc đang bị biến dạng do lòng tham của các doanh nghiệp. Ảnh: GT

Khi dư luận phản ứng thì Tập đoàn Trần Thái đã cho tháo gỡ vài hạng mục tầng trên cùng của khách sạn. Ttrong khi đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc vẫn từ chối công khai về pháp lý khu đất được chủ đầu tư xây dựng khách sạn. Theo tìm hiểu, gần 2ha đất có vị trí đắc địa này là tài sản công thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh Kiên Giang nên phải đấu giá công khai nếu sử dụng cho mục đích kinh doanh. Điều này tương tự quyền sử dụng đất của khách sạn Sao Mai tại mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông, cũng là tài sản công của tỉnh Kiên Giang nhưng lại được chuyển giao cho nhóm nhà đầu tư tư nhân, với giá trị 20 tỷ đồng trong khi giá thị trường lên đến nhiều trăm tỷ đồng.

Sự thiếu quyết tâm xử lý đối với khách sạn hình con tàu, cũng như một số công trình khác dọc theo tuyến đường Trần Hưng Đạo đã làm toàn bộ khu vực bờ biển từ dinh Cậu đến bãi Trường bị biến tướng theo hình dạng loang lổ nhà ống, khách sạn cao thấp, làm phá vỡ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, làm phát sinh nguy cơ ô nhiễm biển, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của huyện đảo Phú Quốc.

Tại buổi công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường tại tỉnh Kiên Giang vào tháng 4/2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã chỉ đạo Đoàn Thanh tra phải làm rõ được hiện trạng xây dựng, quy hoạch, xử lý nước thải ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường tại huyện đảo Phú Quốc, trong đó có môi trường sông Dương Đông, sông Cửa Cạn.

Đến nay, dự thảo kết luận thanh tra đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất. Nhưng một sự thật nhức nhối là các con sông tại Phú Quốc vẫn ô nhiễm trầm trọng, nhiều công trình vẫn ngang nhiên được xây dựng kiên cố trong hành lang bảo vệ bờ sông, che lấp không gian đô thị, làm bức bối thêm cho cuộc sống của nhân dân. Hầu hết 20 khu vực biển của huyện Phú Quốc bị che lấp, bị bịt kín với hàng trăm khách sạn, nhà cao tầng, đi kèm theo là khối lượng nước thải, chất thải rắn phát sinh đến mức kinh hoàng.

Những điều này cho thấy lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cần có một quyết tâm chính trị để xử lý các vấn đề tồn tại, sai phạm trong bảo vệ không gian đô thị biển như cách làm của lãnh đạo các địa phương có biển. Đây cũng là điều mong muốn của dư luận vì các điểm đảo của tỉnh Kiên Giang là tài sản quý của cả nước, nên cần được bảo vệ, giữ gìn cho cộng đồng thay vì bị biến thành khuôn viên riêng của một vài doanh nghiệp tư nhân.

Giáng Thăng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm